Bức tranh kinh tế 2024 chịu ảnh hưởng từ những “cơn gió ngược” bên ngoài

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu, năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với Việt Nam bởi đã có rất nhiều biến động về địa chính trị và kinh tế toàn cầu. Xung đột tại Ukraine và Trung Đông và mới đây những biến cố tại Hàn Quốc và Syria là những điểm nóng hiện nay. Đồng thời, một sự kiện đáng chú ý khác là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và sự thắng cử của ông Donald Trump cho nhiệm kỳ thứ hai 2025-2028. Những yếu tố này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị trường tài chính và các thị trường khác trên thế giới. Việt Nam, với độ mở lớn vào thị trường quốc tế, không nằm ngoài vòng tác động.

Nhiều triển vọng sáng tăng trưởng kinh tế năm 2025
Các diễn giả trao đổi tại phiên tọa đàm Hội thảo “Đầu tư 2025: Giải mã biến số – Nhận diện cơ hội”

Cụ thể, chính sách tiền tệ của Mỹ, đặc biệt là việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chuyển từ thắt chặt sang nới lỏng, đã làm thay đổi cục diện kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu. Trong năm 2024, Fed đã giảm lãi suất sau một thời gian dài tăng lãi suất, tác động mạnh đến tỷ giá, thi trường chứng khoán và thị trường ngoại hối của Việt Nam. Đồng thời, biến động địa chính trị đã ảnh hưởng đến giá vàng toàn cầu, từ đó lan sang thị trường vàng tại Việt Nam. Tuy nhiên, do thị trường vàng trong nước chưa liên thông chặt chẽ với thị trường thế giới, giá vàng tại Việt Nam bị ảnh hưởng nhưng không giảm sâu như trên thế giới.

“Nhìn chung, năm 2024 chứng kiến nhiều biến động toàn cầu, tác động không nhỏ đến kinh tế Việt Nam. Dẫu vậy, chúng ta vẫn giữ được một số điểm sáng, như kiểm soát được lạm phát ở mức khả quan, đầu tư nước ngoài và xuất nhập khẩu tiếp tục tăng trong năm 2024. Chính phủ cũng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và đến thời điểm này, tăng trưởng GDP cả năm dự kiến đạt khoảng 6,5%”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định.

Triển vọng và cơ hội năm 2025

Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, năm 2025, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp. Gần đây công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Mỹ, Nvidia, đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên của Nvidia tại ASEAN. “Nếu cuộc thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc bùng nổ, thì có khả năng một số công ty Mỹ đang hoạt động tại Trung Quốc sẽ lại tìm đường dịch chuyển hoạt động sản xuất kinh doanh sang các nước lân cận, trong đó có Việt Nam”, vị chuyên gia dự đoán.

Nhiều triển vọng sáng tăng trưởng kinh tế năm 2025
TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo, năm 2025, Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn

Trong bối cảnh Mỹ áp thuế cao lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, hàng hóa Việt Nam có thể hưởng lợi từ mức thuế thấp hơn so với Trung Quốc khi xuất khẩu vào Mỹ. “Tuy nhiên, học hỏi từ bài học của những năm trước trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, nếu Việt Nam không cẩn thận và trở thành trạm trung chuyển hàng hóa từ TQ vào Mỹ vì hàng hóa nhập khẩu trực tiếp vào Mỹ từ TQ sẽ chịu mức thuế rất cao, thì khả năng Việt Nam bị theo dõi và trừng phạt”, ông Hiếu lưu ý.

Theo phân tích của TS. Hiếu, châu Âu – thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam – cũng mang lại cơ hội lớn, dù tình hình chiến sự tại Ukraine có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nhu cầu hàng hóa tại châu Âu. Nhưng nhiều hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam đáp ứng thị hiếu và nhu cầu của người dân châu Âu và giá rẻ so với hàng sản xuất nội địa tại châu Âu và do đó châu Âu vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam sau Hoa Kỳ.

“Về nội tại, Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng để cho một giai đoạn phát triển mới. Dẫu vậy, những chuyển động của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục thích ứng với điều kiện và môi trường toàn cầu luôn biến động để khai thác tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế, đồng thời ứng phó hiệu quả với các rủi ro và rào cản”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Dự báo về diễn biến tình hình hình kinh tế thế giới trong năm 2025, ông Trịnh Hà, Chuyên gia chiến lược của Exness Investment Bank cho rằng, chính sách của ông Trump sẽ đi theo lộ trình nhất định. Fed dự kiến năm 2025 tiếp tục duy trì cắt giảm lãi suất. Với rủi ro lạm phát, tốc độ lãi suất có thể giảm đi. CPI tăng lần thứ 2 liên tiếp. Ngoài do yếu tố mùa vụ, bản chất nền kinh tế Mỹ là sức mạnh tiêu dùng vẫn rất mạnh. Nền tảng tiêu dùng vẫn rất mạnh mẽ và có thể ảnh hưởng đến lạm phát kể cả khi chưa áp thuế. Sau khi áp dụng các biện pháp thuế, Fed sẽ tiếp tục cân nhắc con số về lạm phát cốt lõi. Việc nới lỏng biện pháp về khai thác dầu khí sẽ là yếu tố quan trọng tác động đến giá dầu, khí… sẽ giảm bớt phần nào áp lực lạm phát. Khi Fed tiếp tục cắt giảm lãi suất, thu nhập của doanh nghiệp và người dân tiếp tục mạnh mẽ từ đó thúc đẩy các kênh đầu tư khác. Trong dài hạn, lãi suất cân bằng dài hạn (neutral interest rate) có thể cân băng ở mức cao hơn 3-3,5% để phần nào kiểm soát được lạm phát tăng lên.

Nhiều triển vọng sáng tăng trưởng kinh tế năm 2025
Ông Trịnh Hà, Chuyên gia chiến lược của Exness Investment Bank chia sẻ tại Hội thảo

Trong bối cảnh này, theo ông Hà, quá trình cắt giảm lãi suất và rủi ro lạm phát, đồng đôla duy trì sức mạnh, gây áp lực gia tăng lên tỷ giá. Trong ngắn hạn, khi các biện pháp của Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump được áp dụng, chỉ số DXY đang vượt quá giá trị phản ánh kỳ vọng. Khi lạm phát loại trừ được yếu tố mùa vụ cuối năm, áp lực sẽ giải toả phần nào và giúp DXY hạ nhiệt.

Theo nhận định của ông Hà, chính sách sắp tới của chính quyền Tổng thông Donald Trump về tăng thuế quan với Trung Quốc, Mexico, Canada sẽ mang tới cơ hội cho Việt Nam. Mức tăng trưởng xuất khẩu sang Mỹ từ Việt Nam trong nhiệm đầu của ông Trump đã đạt tới 25%/năm sau khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung nổ ra, đặc biệt xuất khẩu B2B. Cũng theo ông Hà, Mỹ sẽ không áp thêm thuế quan lên Việt Nam. Lý do Trump áp thuế không chỉ đến từ số liệu về thặng dư thương mại với Mỹ mà còn từ vấn những vấn đề khác như cạnh tranh Mỹ – Trung hay vấn đề về nhập cư với Mexico.

“Tôi cho rằng ông Trump có những mối quan hệ tốt với Việt Nam. Cuộc điện đàm gần đây giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với ông Trump là một tín hiệu đáng mừng. Tôi nghĩ thay vì thuế quan, Mỹ sẽ tập trung hơn vào các biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là xuất xứ hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ. Vấn đề các nước lợi dụng Việt Nam để né thuế Mỹ cần phải đặc biệt lưu ý. Tôi cho rằng rủi ro lớn nhất không đến từ thương mại mà đến từ lạm phát. Lý do lớn nhất khiến Đảng dân chủ thất bại do người dân Mỹ thất vọng vì tình hình lạm phát tại Mỹ. Đối với Fed, Chủ tịch Jerome Powell sẽ giữ tương đối độc lập trong chính sách tiền tệ. Kịch bản trước đây của chúng tôi về dự báo Fed có thể hạ lãi suất 3 lần trong năm tới đang gắp thách thức do rủi ro lạm phát từ chính sách của ông Trump. Với việc DXY cao, tỷ giá VND sẽ chịu nhiều áp lực và ảnh hưởng tới diễn biến thị trường chứng khoán trong nước. Chúng tôi cũng để ngỏ rủi ro Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất nếu áp lực tỷ giá vượt ngoài tầm kiểm soát do những biến động về chính sách thương mại của Trump trong năm tới”. ông Hà phân tích.

Người tiêu dùng lạc quan về triển vọng tăng trưởng năm 2025

Phân tích từ kết quả Báo cáo Personal Finance Monitor do NIQ thực hiện, bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc Nghiên cứu Hành vi Khách hàng, đại diện Khu vực phía Bắc, NielsenIQ Việt Nam cho biết, liên quan tới tình hình tài chính, nghiên cứu của NielsenIQ cho thấy, có đến 67% người tiêu dùng Việt Nam tin tưởng tình hình tài chính năm 2025 có đi lên. So với 1 năm trước đây, con số này là hơn 50%. Số liệu này cho thấy sự thay đổi về mặt thu nhập. Tuy nhiên, bà Hà cũng cho biết, thông qua những nghiên cứu ở trong khu vực và Việt Nam phân chia với 5 nhóm người tiêu dùng thể hiện mức độ chi tiêu thực tế, kết quả cho thấy 3 nhóm đầu tiên rất bị ảnh hưởng về kinh tế và bây giờ vẫn bị ảnh hưởng. Nhóm thứ 4 bị ảnh hưởng nhưng đã phục hồi và nhóm thứ 5 không bị ảnh hưởng nhưng rất thận trọng. 3 nhóm này chiếm 56% là những người chi tiêu rất thận trọng. Mặc dù họ có niềm tin về sự phục hồi, nhưng vẫn chưa thực sự yên tâm, vì vậy trong việc chi tiêu rất thận trọng.

Nhiều triển vọng sáng tăng trưởng kinh tế năm 2025
Bà Đặng Thuý Hà, Giám đốc Nghiên cứu Hành vi Khách hàng, đại diện Khu vực phía Bắc, NielsenIQ Việt Nam

“Sự thận trọng thể hiện ở việc có đến 69% biết rõ mức giá tăng như thế nào của những mặt hàng thiết yếu, thể hiện nếu như yếu tố lạm phát lên sẽ ảnh hưởng tới người tiêu dùng Việt Nam. Về điểm sáng, thể hiện ở niềm tin về sự phục hồi kinh tế, người tiêu dùng nhìn nhận sự thay đổi trong nền kinh tế. Năm 2025 với chính sách của ông Trump, lạm phát tăng thì cũng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hành vi tiêu dùng”, bà Hà phân tích.

Cũng theo báo cáo NIQ, đối với mức độ tiêu thụ, quý 3 và 4 năm 2024 xu hướng hàng hóa tiêu thụ nhanh, đi lên, điều này cũng tương tự như các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Trung Quốc. Việt Nam cũng ở trong xu thế như vậy. Yếu tố du lịch mặc dù đóng vai trò không quá cao trong GDP nhưng cũng là những điểm sáng trong năm vừa qua. Du lịch đã phục hồi, hơn 120 triệu lượt khách. “Chúng tôi hy vọng với những điểm sáng về xuất nhập khẩu, đầu tư FDI, đầu tư công có nhiều điểm sáng sẽ thúc đẩy hành vi tiêu dùng tại Việt Nam nhiều hơn. Từ các kết quả khảo sát đã thực hiện, NielsenIQ đưa ra 3 dự báo của người tiêu dùng Việt Nam về triển vọng tăng trưởng của nền kinh tế năm 2025 như sau: có khoảng 35% người khảo sát tin nền kinh tế sẽ tăng trưởng trên 6,5%, 45% đặt niềm tin vào mức tăng trưởng từ 5,5- 6,5% và chỉ khoảng 20% còn lại không có nhiều lạc quan với dưới 5,5%”, bà Hà chia sẻ./.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS)

Bất động sản chiếm một tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế và tác động rất nhiều. Thị trường bất động sản Việt Nam liên quan đến 6 nhóm yếu tố quan trọng, bao gồm thể chế, kinh tế vĩ mô, hệ thống quy hoạch và hạ tầng cơ sở, tài chính, thị trường, và hệ thống thông tin trên thị trường. Dự báo chúng ta sẽ bước vào một chu kỳ mới trong 2025. Mặc dù nhiều khó khăn nhưng điều hành của chính phủ Việt Nam càng uyển chuyển, càng linh hoạt và hiệu quả. Về kinh tế vĩ mô, năm 2025, chúng ta sẽ giữ được kết quả như chúng ta đã và đang thực hiện được. Về thể chế, đây là một thời kỳ mà chúng ta có chất lượng thể chế được cải thiện rất tốt, hướng đến việc đồng bộ hóa toàn bộ nội dung của các luật.

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng Khoán VPS

Trong năm 2023 và năm 2024, chỉ số VN-Index tăng khá khiếm tốn mặc dù không phải mức thấp. Năm 2023, VN-Index tăng khoảng 12-12,7%. Năm 2024, VN-Index tăng khoảng xấp xỉ khoảng 9-10%. Tuy nhiên, các nhà đầu tư chưa thực sự hài lòng lắm trước những biến động trong năm vì nay nó chỉ tăng ở giai đoạn đầu năm. Sang quý 2 và quý 3, sự tăng trưởng lại yếu hơn. Đặc biệt, trong tháng 12 đã chứng kiến một phiên bùng nổ theo đà. Thị trường đã xác nhận một khu vực đáy sâu nhất khoảng 1,200-1,240. Điều này có nghĩa là các nhà đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư có kinh nghiệm đã nhìn thấy một xu hướng đi lên từ nay cho đến cuối năm. Hy vọng trong năm 2025 triển vọng thị trường sẽ tốt hơn với những chất xúc tác như tăng trưởng GDP khởi sắc, hoạt động xuất nhập khẩu, câu chuyện nâng hạng thị trường… Chúng ta không chỉ kỳ vọng mức tăng khiêm tốn 10-12% mà phải là 15-20% và thậm chí cao hơn.

Ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh Số, Công ty CP Chứng khoán VPBank (VPBankS)

Chúng tôi cũng có cái nhìn tích cực cho năm 2025. Để đầu tư chứng khoán dài hạn, chúng ta nên tìm những công ty đầu ngành với ROE trên 15% như: Hòa Phát, FPT, VPBank… Trong ngắn hạn, chúng ta cần cân nhắc yếu tố chính sách vì chính sách sẽ quyết định chứng khoán đi lên hay đi xuống. Có hai vấn đề về chính sách trong thời gian tới. Đó là chính sách của ông Trump sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thế giới và Việt Nam chúng ta không thể tránh khỏi được. Chính sách nội địa thì Chính phủ tập trung vào đầu tư công, đẩy mạnh năng lượng để phục vụ chuyển đổi số, chính sách tinh giản bộ máy nhân sự. Sau khi có chính sách, cổ phiếu sẽ đi lên trong vòng 3 tháng đến 6 tháng và 1 năm.

Ông Lê Quang Hưng, Giám đốc Cao cấp Phân tích đầu tư, CTCP Quản lý Quỹ Kỹ Thương (Techcom Capital)

Chúng ta thấy những tín hiệu tích cực như thị trường bất động sản hồi phục, ý chí mạnh mẽ của chính phủ liên quan đến đầu tư công… Về phía quốc tế, chúng ta phải thừa nhận có nhiều biến số. Năm 2023, ảnh hưởng của FED hạ lãi suất ở mức chậm hơn so với dự kiến cũng đã ảnh hưởng rất nhiều đến thị trường. Những biến số thế giới luôn luôn cần được xem xét trong quá trình quản lý đầu tư. Mặc dù mức định giá hiện tại khá hợp lý để đầu tư trong dài hạn, nhưng chúng ta cần cân nhắc quản trị rủi ro. Lớp tài sản đầu tư không chỉ có cổ phiếu mà cần phân bổ tỷ trọng liên quan tài sản có thu nhập cố định như trái phiếu, tiền gửi hay tín chỉ bền vững. Kênh đầu tư cổ phiếu rất hấp dẫn trong năm 2025 nhưng chúng tôi cũng khuyến nghị cho khách hàng và nhà đầu tư quản trị rủi ro bằng cách phân bổ danh mục của mình vào nhiều kênh tài sản.

Ông Trịnh Hà, Chuyên gia chiến lược, Exness Investment Bank

Giới trẻ ngày nay dễ dàng tiếp cận hơn các công nghệ mới và các loại tài sản mới như tiền kỹ thuật số. Họ sẽ có nhiều kiến thức hơn về đầu tư. Thay vì đầu tư vào các quỹ chỉ số, họ có những lựa chọn đầu tư rõ ràng hơn vào những loại tài sản như cổ phiếu, trái phiếu, vàng hay tiền tệ khác nhau. Với những biến động gần đây của thị trường tiền số, giới trẻ hiện nay đang có mức gia tăng tài sản ở mức nhanh chóng. Phần lớn đến từ giá trị sở hữu tiền số của lực lượng này với tỷ trọng khoảng 35-36%, kết hợp với cổ phiếu đặc biệt là cổ phiếu công nghệ. Với sự hỗ trợ tiền số trong thời gian tới, giới trẻ sẽ ngày càng gia tăng tài sản đáng kể.