Nhiều tín hiệu tích cực từ xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ

Nhiều tín hiệu tích cực từ xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), năm 2023, nhu cầu nhuyễn thể hai mảnh vỏ phục hồi, đặc biệt là trong những tháng mùa hè, lượng khách du lịch ở các thị trường, nhất là châu Âu tăng lên, theo đó tiêu thụ nhuyễn thể hai mảnh vỏ ở các nhà hàng tăng theo.


Ảnh minh họa

Trong số các mặt hàng nhuyễn thể hai mảnh vỏ, hàu là sản phẩm có tăng trưởng xuất khẩu đột phá trong năm 2023, với mức tăng 56% đạt trên 14 triệu USD, chủ yếu là hàu tươi, ướp lạnh. Trong đó riêng thị trường Đài Loan tiêu thụ trên 77% hàu xuất khẩu của Việt Nam với giá trị gần 11 triệu USD, tăng 26% so với năm 2022. Ngoài ra Việt Nam còn xuất khẩu hàu tươi ướp lạnh sang Lào, Campuchia, Nhật Bản…

Trong khi đó, nghêu là một trong những loại thủy sản xuất khẩu chủ lực của nước ta. Mặc dù giảm 17% về trị giá so với năm 2022, tuy nhiên, nghêu lại là sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong nhóm nhuyễn thể hai mảnh vỏ, đạt gần 79 triệu USD. Trong đó, nghêu hấp đông lạnh mã HS 16055600 là sản phẩm xuất khẩu chính với giá trị xuất khẩu 72 triệu USD với 3 thị trường chính là Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chiếm tổng cộng 66% xuất khẩu. Trong nhóm 3 thị trường này, chỉ có Bồ Đào Nha tăng 10% nhập khẩu nghêu của Việt Nam trong năm qua. Riêng đối với nghêu hấp đông lạnh tại EU, sản phẩm từ Việt Nam luôn đứng số 1, chiếm thị phần chi phối từ 40-80% ở các thị trường chính.

Mỹ là thị trường nhập khẩu nghêu lớn thứ 4 của Việt Nam, nhưng năm qua xuất khẩu nghêu sang Mỹ giảm 16%. Tại thị trường này, sản phẩm nghêu hấp động lạnh của Trung Quốc chiếm tỷ trọng lớn 50%, và giá trung bình xuất khẩu thường thấp hơn 20-40% so với sản phẩm của Việt Nam, do vậy nghêu Việt Nam khó cạnh tranh hơn tại Mỹ.

Hiện cả 4 tỉnh nuôi nghêu chủ lực của Việt Nam là Trà Vinh, Tiền Giang, Ninh Bình, Nam Định đều đã được trao chứng nhận ASC cho chuỗi giá trị nghêu. Đây là xác nhận cấp quốc tế đối với thủy sản được nuôi có trách nhiệm, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, hệ sinh thái, cộng đồng dân cư và bảo đảm tốt các quy định về lao động. Chứng nhận ASC mở ra nhiều cơ hội lớn cho các hợp tác xã và các hộ nuôi nghêu, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế, đặc biệt là giúp mở rộng thị trường, thu hút được nhiều doanh nghiệp mua hàng. Từ đó, người nuôi nghêu có thể chủ động đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.

Đến nay, nhuyễn thể của Việt Nam đã được xuất khẩu đến 42 nước với các thị trường chính gồm: EU, Bắc Mỹ, Mỹ, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha. Sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là nghêu, sò, ốc, điệp. Nhuyễn thể được đánh giá là một trong những mặt hàng xuất khẩu chiến lược của ngành thủy sản Việt Nam và có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới

Thùy Ngân

Nguồn: https://thongtincongthuong.vn/nhieu-tin-hieu-tich-cuc-tu-xuat-khau-nhuyen-the-hai-manh-vo/