Nhiều giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử

Nhiều giải pháp tăng cường quản lý thuế đối với lĩnh vực thương mại điện tử

Trong thời gian vừa qua, ngành Thuế đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới.

Thương mại điện tử (TMĐT) đã và đang trở thành lĩnh vực có ảnh hưởng cực kỳ quan trọng đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia. Đối với Việt Nam, thị trường TMĐT ngày càng được mở rộng và với sự đa dạng về mô hình hoạt động, nhiều đối tượng tham gia, với sự tăng trưởng được đánh giá là nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á cũng đặt ra những thách thức mới, không nhỏ đối với công tác quản lý thuế như: khả năng quản lý đầy đủ các nguồn thu, đối tượng nộp thuế, áp dụng quản lý hiện đại, hiệu quả, phù hợp thông lệ quốc trên nguyên tắc quản lý tuân thủ theo rủi ro trên CSDL lớn về TMĐT được xây dựng từ CSDL quản lý thuế và CSDL về quản lý nhà nước đối với TMĐT từ các bộ, ngành có liên quan.

Tổng cục Thuế cho biết, trong thời gian vừa qua, ngành Thuế đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới.

Cụ thể, Tổng cục Thuế đã tham mưu trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật về thuế nhằm củng cố cơ sở pháp lý cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, tăng cường trách nhiệm của các bộ ngành, chủ sở hữu nền tảng thương mại điện tử, các nhà cung cấp nước ngoài và đối tác của họ tại Việt Nam.

Tổ chức tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế bằng nhiều hình thức phong phú, hiệu quả, góp phần lan tỏa chủ trương chính sách của nhà nước về phát triển thương mại điện tử lành mạnh, có tính cạnh tranh, phát triển bền vững trên cơ sở tuân thủ pháp luật nhà nước.

Triển khai các ứng dụng CNTT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử thực hiện các thủ tục về thuế theo hình thức điện tử, đảm bảo cấp độ 4.0; trong đó đã chính thức vận hành Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài nhằm hỗ trợ các nhà cung cấp nước ngoài có thể thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới. Lũy kế đến nay đã có 94 nhà cung cấp nước ngoài đã kê khai, nộp thuế với số thuế là trên 14,5 nghìn tỷ đồng.

Xây dựng và chính thức vận hành cơ sở dữ liệu (CSDL) về thương mại điện tử được thu thập từ nhiều nguồn thông tin theo quy định. CSDL thương mại điện tử được tập trung tại Tổng cục Thuế để hỗ trợ các cơ quan thuế địa phương khai thác và sử dụng trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Chỉ đạo triển khai công tác thanh tra, kiểm tra tại cơ quan thuế các cấp tập trung vào các nhóm người nộp thuế có hoạt động liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số để chống thất thu và tăng cường ý thức chấp hành pháp luật thuế của tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử;

Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế với cơ quan thuế các nước và các tổ chức quốc tế (OECD, IMF, WB, ADB, JICA, …) trong việc nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử. Tham gia nghiên cứu, xây dựng và chuẩn bị cá nội dung, thủ tục thực hiện ký kết Hiệp định đa phương về phân bổ lợi nhuận đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ kỹ thuật số (MLC).

Kết nối, chia sẻ dữ liệu nhằm quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử

Nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT nói riêng, Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã và đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong lĩnh vực thương mại điện tử thông qua việc ký kết các văn bản thỏa thuận phối hợp công tác, tham mưu trình Chính phủ ban hành Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 30/05/2023 về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ.

Cụ thể, Bộ Công an và Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã hoàn thành việc kết nối, chia sẻ CSDL quốc gia về dân cư để thực hiện việc rà soát đồng bộ CSDL quốc gia về dân cư với CSDL về MST. Đến nay, nếu tính trên số lượng mã số thuế (MST) không bao gồm người phụ thuộc và các MST không có nghĩa vụ thuế hoặc không có thông tin giấy tờ (CMND, CCCD) thì đã hoàn thành trên 90% việc rà soát, đồng bộ CSDL của Bộ Công an với CSDL về MST để triển khai việc chuyển đổi sử dụng CCCD làm MST theo quy định.

Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế) đã hoàn thành việc tích hợp sử dụng tài khoản định danh điện tử (VneID) với các nền tảng quản lý thuế của cơ quan thuế. Kết quả đến nay có 663.157 lượt kết nối, tổng số công dân truy cập là 400.791 lượt.

Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước đã bước đầu hoàn thành việc chia sẻ CSDL cho Tổng cục Thuế, bao gồm: dữ liệu của 929 website cung cấp dịch vụ thương mại điện tử; dữ liệu về 130 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực: viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; dữ liệu về tài khoản thanh toán của trên 9 triệu tổ chức và trên 121 triệu cá nhân tại 96 ngân hàng thương mại.

Cả 05 bộ, ngành: Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước đã hoàn thành việc thống nhất kế hoạch chi tiết để triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg về việc kết nối, chia sẻ dữ liệu theo hình thức điện tử, thường xuyên, đảm bảo kịp thời hỗ trợ công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Áp dụng biện pháp quản lý thuế phù hợp đối với các hoạt động thương mại điện tử

Ngành Thuế đã tiếp cận hoạt động thương mại điện tử theo các nền tảng có hoạt động thương mại điện tử để áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp bao gồm 08 nhóm nền tảng: (1) Nền tảng Sàn giao dịch thương mại điện tử; (2) Website/ứng dụng thương mại điện tử; (3) Nền tảng MXH; (4) Nền tảng giao thông, vận tải, giao nhận; (5) Nền tảng đại lý; (6) Nền tảng thuê bao; (7) Nền tảng quảng cáo; (8) Nền tảng kho ứng dụng.

Ngành Thuế cũng phân loại NNT tham gia hoạt động thương mại điện tử theo 02 nhóm chính: (1) Cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong trong nước (bao gồm: chủ sở hữu nền tảng có hoạt động TMĐT, tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong nước thông qua sàn giao dịch TMĐT, mạng xã hội và các nền tảng khác); (2) Cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới (bao gồm: NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số với tổ chức, cá nhân ở Việt Nam; Tổ chức, cá nhân Việt Nam có thu nhập từ hoạt động đăng tải sản phẩm, nội dung thông tin số trên các nền tảng nước ngoài; Tổ chức, cá nhân cung cấp hàng hóa, dịch vụ xuyên biên giới thông qua sàn giao dịch TMĐT và các nền tảng khác).

Số liệu quản lý thuế trong 02 năm gần nhất đã ghi nhận kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử. Trong đó, năm 2022 doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng (~ 130,57 tỷ USD),với số thuế đã nộp là 83 nghìn tỷ đồng; Năm 2023 doanh thu quản lý là 3,5 triệu tỷ đồng (~ 146,28 tỷ USD),số thuế đã nộp là 97 nghìn tỷ đồng.

Một số giải pháp trọng tâm trong thời gian tới

Tổng cục Thuế cho biết, thời gian tới ngành sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành chức năng liên quan triển khai một số giải pháp trọng tâm nhằm tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Về hoàn thiện cơ chế chính sách, chính sách pháp luật thuế và chính sách pháp luật chuyên ngành cần được củng cố, sửa đổi, bổ sung nhằm bao quát toàn bộ các hoạt động TMĐT, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi trong việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử.

Về tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ, Tổng cục Thuế – Bộ Tài chính tiếp tục triển khai các chương trình tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế đã phát huy hiệu quả trong thời gian qua như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tổ chức đối thoại trực tiếp với người nộp thuế, tổ chức đường dây nóng 24/7, thực hiện truyền thông qua các đại sứ quán, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam và các đơn vị tư vấn thuế lớn.

Ngoài ra, trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người nộp thuế có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, Tổng cục Thuế sẽ ban hành thư ngỏ gửi tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử về việc kê khai, nộp thuế nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức và tính tự giác trong việc chấp hành pháp luật thuế.

Đồng thời, để tăng cường công tác quản lý thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài, Tổng cục Thuế sẽ phối hợp với sàn giao dịch thương mại điện tử Việt Nam hướng dẫn các tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh thông qua sàn thực hiện đăng ký thuế, kê khai, nộp thuế trên Cổng TTĐT của Tổng cục Thuế.

Về củng cố CSDL thương mại điện tử và áp dụng quản lý theo rủi ro, ngành Thuế tiếp tục rà soát và làm giàu CSDL thương mại điện tử từ các nguồn thông tin từ các bộ, ngành; từ các tổ chức kinh doanh trong hệ sinh thái thương mại điện tử. Trên cơ sở dữ liệu thu thập được, ngành Thuế tiếp tục tổ chức dữ liệu, phân tích rủi ro trong đó có sử dụng phương pháp học máy – áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu, đưa ra các cảnh báo và triển khai các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo từng đối tượng có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử theo nguyên tắc quản lý rủi ro.

Về hiện đại hóa công tác quản lý thuế, ngành Thuế tiếp tục triển khai hiện đại hóa công tác quản lý thu, nộp thuế đặc biệt đối với nhóm người nộp thuế là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo hướng tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong việc thực hiện nghĩa vụ khai thuế, nộp thuế theo hình thức điện tử.

Về công tác phối hợp với các bộ, ngành, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành trong khuôn khổ triển khai Chỉ thị 18/CT-TTg về đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu để phục vụ phát triển thương mại điện tử, chống thất thu thuế, bảo đảm an ninh tiền tệ nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại điện tử nói chung, công tác quản lý thuế nói riêng.

PV.

Nguồn: https://doanhnghiepvathuongmai.vn/bai-viet/nhieu-giai-phap-tang-cuong-quan-ly-thue-doi-voi-linh-vuc-thuong-mai-dien-tu.phtml