Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Có quyền, nghĩa vụ sử dụng đất như cá nhân trong nước

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Có quyền, nghĩa vụ sử dụng đất như cá nhân trong nước

TN&MTLuật Đất đai 2024 được Quốc hội thông qua đã giúp người Việt ở nước ngoài tham gia vào giao dịch BĐS trong nước thuận lợi hơn, không phải nhờ người thân đứng tên hộ.

Luật Đất đai 2024 quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam, có quyền, nghĩa vụ sử dụng đất như cá nhân trong nước, được gọi chung là cá nhân.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Có quyền, nghĩa vụ sử dụng đất như cá nhân trong nước

ảnh minh họa

Luật Đất đai năm 2024: Mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam

Ngày 18/1/2024, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 gồm 16 chương và 260 điều. Một trong 5 nhóm nội dung thay đổi lớn tại Luật Đất đai (sửa đổi) là nhóm mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Luật Đất đai năm 2024 đã mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, quy định chính sách đất đai đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Đây sẽ là một trong những nhân tố tác động tích cực đến thị trường bất động sản, thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển.

Khác với quy định “Người sử dụng đất” tại Khoản 6 Điều 5 Luật Đất đai năm 2013: “Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật này, bao gồm:… Người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch”, tại Khoản 3, Khoản 6 Điều 4 Luật Đất đai (sửa đổi) năm 2024 quy định: “Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định, đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật này, bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam (sau đây gọi là cá nhân); Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Đồng bộ với quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 3; Khoản 1 Điều 5 Luật Quốc tịch năm 2008 (tình trạng còn hiệu lực), người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam cư trú, sinh sống lâu dài ở nước ngoài.

Luật Đất đai năm 2024 đã xác định rõ hơn người sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài gồm người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, cùng với quy định cụ thể, chi tiết mở rộng quyền và nghĩa vụ sử dụng đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai đối với 2 đối tượng này.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Có quyền, nghĩa vụ sử dụng đất như cá nhân trong nước

ảnh minh họa

Luật Đất đai 2024 quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài có quốc tịch Việt Nam là công dân Việt Nam, có quyền, nghĩa vụ sử dụng đất như cá nhân trong nước, được gọi chung là cá nhân.

Quyền và nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; quyền chung của người sử dụng đất; quyền và nghĩa vụ cá nhân sử dụng đất; quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; nhận quyền sử dụng đất; quyền nghĩa vụ của cá nhân sử dụng đất gồm cá nhân trong nước và người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam được bình đẳng, ngang nhau.

Việc mở rộng quyền sử dụng đất với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam, trong đó quy định về nhận quyền sử dụng đất, tạo điều kiện cho họ trực tiếp tham gia vào giao dịch bất động sản trong nước,… tránh được bất cập như trước đây khi muốn sử dụng đất trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng, đã không ít tranh chấp phát sinh từ việc nhờ người đứng tên nhận chuyển nhượng, quản lý quyền sử dụng đất đai này.

Đối với người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, quyền sử dụng đất đã được mở rộng hơn, cụ thể, chi tiết hơn tại các Điều 41, 43, 44 Luật Đất đai năm 2024:

Được sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất: Được chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất; cho thuê quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất; cho thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng hoặc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch; tặng cho quyền sử dụng đất để làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết gắn liền với đất theo quy định của pháp luật; thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất với tổ chức trong nước, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Có quyền, nghĩa vụ sử dụng đất như cá nhân trong nước

Nếu người nước ngoài có thể sở hữu nhà ở tại Việt Nam, đây sẽ là động lực để thu hút nhiều hơn nữa vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, mở rộng quan hệ với các nước trên khía cạnh sở hữu tư nhân

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm được thế chấp tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; góp vốn bằng tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất. Người nhận góp vốn bằng tài sản được Nhà nước cho thuê đất theo đúng mục đích đã được xác định trong thời hạn còn lại; bán, cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất. Trường hợp bán tài sản thuộc sở hữu của mình và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất thì phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 46 của Luật này. Người mua tài sản gắn liền với đất và quyền thuê trong hợp đồng thuê đất được tiếp tục thuê đất theo mục đích đã được xác định và thời hạn sử dụng đất còn lại, có các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này và pháp luật có liên quan; cho thuê lại quyền sử dụng đất theo hình thức trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất đã được xây dựng xong kết cấu hạ tầng trong trường hợp được phép đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng đối với đất khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao; người thuê lại quyền sử dụng đất phải sử dụng đất đúng mục đích và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất để thực hiện dự án có quyền: Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất trong thời hạn sử dụng đất; cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất trong thời hạn sử dụng đất; thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất.

Được sở hữu nhà ở, gắn liền với quyền sử dụng đất ở có điều kiện

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam thì được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam; có quyền sử dụng đất ở do nhận chuyển quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở; được chuyển quyền sử dụng đất ở khi bán, tặng cho, để thừa kế, đổi nhà ở cho tổ chức, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam; tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở cho Nhà nước, cộng đồng dân cư, tặng cho để làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết. Trường hợp tặng cho, để thừa kế cho đối tượng không được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở và không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;

Việc chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho, để thừa kế, góp vốn bằng quyền sử dụng đất ở theo quy định của Luật này; người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được quyền thế chấp nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam…

Sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao

Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao có quyền, nghĩa vụ sau đây:

Chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất; cho thuê quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất; cho thuê lại quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất đối với trường hợp được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê; tặng cho quyền sử dụng đất cho Nhà nước; tặng cho quyền sử dụng đất cho cộng đồng dân cư để xây dựng các công trình phục vụ lợi ích chung của cộng đồng hoặc mở rộng đường giao thông theo quy hoạch; tặng cho quyền sử dụng đất để làm nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết gắn liền với đất theo quy định của pháp luật; thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam, tại tổ chức kinh tế khác hoặc cá nhân theo quy định của pháp luật; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất với tổ chức trong nước, cá nhân, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật…

Điều 18 Hiến pháp năm 2013 quy định: Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Nhà nước CHXHCN Việt Nam khuyến khích và tạo điều kiện để người Việt Nam định cư ở nước ngoài giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam, giữ quan hệ gắn bó với gia đình và quê hương, góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Trên tinh thần Hiến pháp, Luật Đất đai năm 2024 đã mở rộng quyền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, quy định chính sách đất đai đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam giống như cá nhân trong nước; quy định cụ thể, chi tiết, cởi mở điều kiện để người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài được sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư tại Việt Nam, được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam, sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu công nghệ cao.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài sẽ có thêm cơ hội, điều kiện tham gia, tác động tích cực đến thị trường bất động sản, thị trường chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Ông Troy Griffiths – Phó Giám đốc Điều hành Savills Việt Nam nhận định: Theo một thống kê của Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, khoảng 15 – 20% lượng kiều hối về Việt Nam được đầu tư trực tiếp vào bất động sản. Chỉ riêng con số này đã có thể tương đương với khoảng 10.000 căn hộ mỗi năm. Do đó, kiều hối thực sự là một nguồn vốn quan trọng cho Việt Nam.

Nhiều chuyên gia đồng tình ủng hộ

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Có quyền, nghĩa vụ sử dụng đất như cá nhân trong nước

PGS.TS. Doãn Hồng Nhung, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội: Việc mở rộng quyền sử dụng đất cho người Việt Nam định cư nước ngoài tại Luật Đất đai năm 2024 là một bước tiến lớn trong việc thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế và đầu tư giữa Việt Nam và các nước trên thế giới. Đồng thời, sau khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực sẽ tạo ra hành lang pháp lý đầy đủ cho các hoạt động liên quan đến đất đai của người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Từ đó, hứa hẹn sẽ tạo ra những điều kiện tốt nhất cho đối tượng này nếu quan tâm đến thị trường bất động sản tại Việt Nam. Tuy nhiên, để đảm bảo việc sử dụng đất được thực hiện hợp lý và hiệu quả, người Việt Nam định cư nước ngoài cần tuân thủ các quy định pháp luật liên quan đến đất đai tại Việt Nam.

Ngoài ra, cơ quan nhà nước cũng cần có sự quản lý và kiểm soát chặt chẽ để tránh việc lạm dụng quyền sử dụng đất hoặc vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến đất đai.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Có quyền, nghĩa vụ sử dụng đất như cá nhân trong nước

Ông Phan Đức Hiếu – Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội – đánh giá đây là điểm mới, khác biệt so với Luật Đất đai trước đây. Việc mở rộng quyền của người sử dụng đất đối với nhóm đối tượng sử dụng đất là người Việt Nam, công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước. Cụ thể, đối xử với công dân Việt Nam không phân biệt nơi cư trú, nơi sinh sống. Chính sách này chính đáng. Đồng thời, huy động nguồn lực đầu tư về Việt Nam để phát triển kinh tế – xã hội.

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài: Có quyền, nghĩa vụ sử dụng đất như cá nhân trong nước

Còn chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển đánh giá trước đây với những người Việt ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam sẽ không được quyền như người có quốc tịch Việt Nam. Song với quy định mới trong Luật Đất đai 2024 đã tạo điều kiện cho nhóm người Việt kiều đầu tư, mua nhà ở. Việc sửa đổi của Luật Đất đai và trước đó là các Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở (sửa đổi) đã tạo sự bình đẳng giữa cá nhân trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài trong việc đầu tư, kinh doanh bất động sản. Từ đó, giúp thu hút nguồn kiều hối tham gia đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản cũng đánh giá việc mở rộng này sẽ tránh được bất cập như trước đây khi muốn sử dụng đất trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải nhờ người thân trong nước đứng tên thực hiện giao dịch chuyển nhượng. Việc này đã khiến không ít tranh chấp phát sinh do nhờ người đứng tên nhận chuyển nhượng, quản lý quyền sử dụng đất đai.

Bà Nguyễn Hồng My – kiều bào tại Pháp chia sẻ: Người Việt Nam dù sống ở nước ngoài hay trong nước luôn mong muốn được đầu tư một cách minh bạch, muốn rõ ràng tên của mình. Việc Luật Đất đai 2024 được thôn qua là một tin rất vui và rất khuyến khích bản thân mình đầu tư vào bất động sản ở Việt Nam.

Bằng cách tạo ra một môi trường pháp lý minh bạch, bình đẳng, nơi mà cả người dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài đều nhận được các quyền lợi tương đương trong việc sở hữu và giao dịch bất động sản, Luật Đất đai sẽ giúp hạn chế tối đa các tranh chấp phát sinh trong quá trình chuyển nhượng và quản lý quyền sử dụng đất.

Theo thống kê, trong số gần 6 triệu người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài thì hơn 20% đã đến tuổi nghỉ hưu, đa số muốn trở về quê hương sinh sống và đầu tư, mong muốn sở hữu một ngôi nhà tại Việt Nam để an cư lạc nghiệp.

Ông Hoàng Mạnh Huê, Chủ tịch Liên hiệp các hội doanh nghiệp Việt Nam tại châu Âu cho biết: “Chúng tôi đều xác định quê hương chính là nơi trước sau chúng tôi sẽ trở về. Trước khi trở về Việt Nam, có sẵn một ngôi nhà cho mình là điều chúng tôi mong mỏi lâu nay. Nhiều doanh nghiệp của người Việt chúng tôi ở nước ngoài cũng muốn tham gia vào phát triển kinh tế thị trường bất động sản trong nước trong giai đoạn mới”.

Việt Anh (lược ghi)

Nguồn: https://tainguyenvamoitruong.vn/nguoi-viet-nam-dinh-cu-o-nuoc-ngoai-co-quyen-nghia-vu-su-dung-dat-nhu-ca-nhan-trong-nuoc-cid113427.html