Hôm nay (ngày 1/4) giá vàng thế giới tăng lên mức kỷ lục mới, đắt nhất từ trước đến nay, khi chạm mốc 2.256,7 USD/ounce. Ở trong nước, giá vàng miếng tăng được Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết vào 15h chiều nay (1/4) ở chiều mua vào-bán ra lần lượt là 78,25 triệu đồng/lượng – 80,55 triệu đồng/lượng. Thực tế cho thấy, giá vàng miếng trong nước cao hơn thế giới khoảng từ 15-16 triệu đồng/lượng tùy thời điểm, dẫn đến tiềm ẩm những rủi ro cho ổn định kinh tế vĩ mô.
Số liệu cập nhật mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, Chỉ số giá vàng tháng 3/2024 tăng 4,59% so với tháng trước; tăng 9,41% so với tháng 12/2023 và tăng tới 22,71% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân quý I/2024, Chỉ số giá vàng tăng tới 18,23%.
Chia sẻ góc nhìn tổng quan hơn về quản lý thị trường vàng trong thời gian qua, tại cuộc họp của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia diễn ra mới đây, dưới sự chỉ trì của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Chủ tịch Hội đồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, thị trường vàng miếng được sắp xếp lại căn bản, trật tự, kỷ cương; mạng lưới kinh doanh mua, bán vàng miếng được kiện toàn theo hướng thu hẹp dần; hoạt động huy động, cho vay vốn bằng vàng chấm dứt. Trong nhiều thời điểm giá vàng biến động phức tạp, nhưng hoạt động của thị trường vẫn tương đối ổn định so với giai đoạn trước, không gây áp lực sang thị trường ngoại tệ chính thức như trước đây; thói quen, nhận thức của người dân đối với vàng miếng có sự thay đổi; một phần nguồn lực vàng trong dân đã được chuyển hóa để phát triển kinh tế…
Để khắc phục những bất cập trên thị trường vàng hiện nay, giới chuyên gia đề xuất cần bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC |
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, thị trường vàng đang có những diễn biến không thuận lợi cho điều hành kinh tế vĩ mô, nhất là mức giá trong nước chênh lệch quá cao so với diễn biến giá thế giới. Điều này đặt ra câu hỏi có hay không tình trạng buôn lậu vàng, thao túng giá vàng do tình trạng độc quyền vàng SJC hiện nay?
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, qua 12 năm thực hiện, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đã đạt những thành công và hoàn thành sứ mệnh.
Do đó, tại cuộc họp trên của Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, các chuyên gia đề xuất bỏ quy định nhà nước độc quyền vàng miếng SJC, thực hiện cấp phép sản xuất vàng miếng cho một số doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện.
Từ các ý kiến trên, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Ngân hàng Nhà nước, cơ quan thường trực của Hội đồng nghiên cứu, tổng hợp đầy đủ các ý kiến phát biểu tại cuộc họp để tổng hợp, hoàn thiện báo cáo, đề xuất các giải pháp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, các cơ chế, chính sách liên quan đến thị trường vàng để phát triển thị trường vàng minh bạch, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội.
Trước đó, tại Công điện số 23/CĐ-TTg, ngày 20/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng thế giới và trong nước, để khẩn trương thực hiện ngay các giải pháp theo quy định nhằm bình ổn, ổn định thị trường vàng; đánh giá toàn diện, phân tích kỹ lưỡng và có các giải pháp hiệu quả, kịp thời, đúng quy định, theo nguyên tắc thị trường để xử lý ngay tình trạng chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và vàng quốc tế ở mức cao trong thời gian qua, không để tình trạng “vàng hóa” nền kinh tế, không để tác động tiêu cực đến tỷ giá, lãi suất, thị trường tiền tệ, ngoại hối và an toàn, an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia…
Thủ tướng còn yêu cầu yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện ngay việc thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và các chủ thể khác tham gia thị trường; kịp thời phát hiện những sơ hở, bất cập để xử lý chủ động, tích cực, hiệu quả theo thẩm quyền và báo cáo đề xuất cấp có thẩm quyền các biện pháp xử lý phù hợp, đúng quy định đối với những vấn đề vượt thẩm quyền; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định pháp luật, nhất là các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách đẩy giá của các tổ chức, cá nhân… gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng; trường hợp phát hiện hoạt động kinh doanh vàng có dấu hiệu vi phạm pháp luật, kịp thời chuyển tài liệu, hồ sơ cho cơ quan chức năng để xử lý nghiêm, công khai, minh bạch theo quy định pháp luật…
Như vậy, đến nay liên tiếp nhiều chỉ đạo của Thủ tướng đã được nêu ra, nhưng quá trình ban hành và triển khai các giải pháp quản lý thị trường vàng trong bối cảnh mới, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung Nghị định số 24/2012/NĐ-CP vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, mà chưa có những giải pháp mới đủ mạnh, sắc bén được triển khai để quản lý hiệu quả thị trường vàng, nên tình trạng giá vàng trong nước chênh lệch cao so với mặt bằng giá thế giới (ngay cả khi giá thế giới tăng mạnh) vẫn chưa được giải quyết như yêu cầu của Người đứng đầu Chính phủ. Đây là thực trạng rất cần sớm được khắc phục, để đưa thị trường vàng vào khuôn khổ quản lý mới trong bối cảnh mới./.