Ngành dệt may khuyến cáo doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên phụ liệu

Ngành dệt may khuyến cáo doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên phụ liệu

Trong điều kiện thế giới có nhiều biến động thì các doanh nghiệp ngành dệt may cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, tự động hóa và xanh hóa…

Dù đã có những thông tin tích cực về thuế đối ứng của Mỹ, nhưng để có thể thúc đẩy xuất khẩu bền vững, Hiệp hội Dệt may thêu đan TP Hồ Chí Minh khuyến cáo trong thời gian tới các doanh nghiệp vẫn nên chủ động nguồn nguyên phụ liệu, đặt biệt là yếu tố nguồn gốc xuất xứ.

Năm nay ngành dệt may đặt ra mục tiêu xuất khẩu tăng từ 10 – 12% so với năm ngoái, tức là dự kiến xuất khẩu đạt khoảng 48 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, trong điều kiện thế giới có nhiều biến động thì các doanh nghiệp ngành dệt may cần đẩy mạnh liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ, tự động hóa và xanh hóa nhà máy từ nguyên liệu, nhiên liệu, giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) mới đây cũng đưa ra những khuyến nghị cho rằng Việt Nam cần tiếp tục đẩy nhanh các hiệp định thương mại tự do. Tính đến nay, Việt Nam đã ký và thực thi 17 FTA với nhiều đối tác lớn trên thế giới, gồm các hiệp định thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA với EU hay với Anh.

Theo ông Trần Ngọc Liêm, Giám đốc VCCI TP Hồ Chí Minh, ngành dệt may nằm trong top 8 mặt hàng có giá trị xuất khẩu trên 10 tỷ USD của Việt Nam, đưa Việt Nam vượt qua Bangladesh, trở thành quốc gia xuất khẩu dệt may lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

Ngành dệt may hiện chiếm 12-16% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may đạt gần 44 tỷ USD.


Ngành dệt may khuyến cáo doanh nghiệp chủ động nguồn nguyên phụ liệu. Ảnh minh họa.

Năm 2025, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% so với năm 2024. Riêng mục tiêu xuất khẩu của ngành dệt may là từ 47 đến 48 tỷ USD.

Mục tiêu này đặt ra thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp dệt may khi còn phải đối đầu với nhiều thách thức lớn, như: sự thiếu hụt nguồn lao động, sự khó đón định của đơn hàng, vấn đề nguyên phụ liệu có nguồn gốc xuất xứ theo yêu cầu của các FTA, rào cản thương mại mới của các thị trường truyền thống…

Thực tế trong thời gian qua, ngoài việc chủ động tìm kiếm, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chủ động tái cấu trúc bộ máy theo hướng tinh gọn, đồng thời đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo vào quy trình quản trị và sản xuất. Nhờ đó doanh nghiệp đã tự động hóa nhiều khâu sản xuất, giảm phụ thuộc vào lao động thủ công, nâng cao năng suất mà không cần mở rộng quy mô nhân sự, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng…

Hiện nhiều doanh nghiệp ngành may đã nhận đủ đơn hàng đến hết quý 2 và đang giao dịch cho quý 3/2025.

Nguồn: VTV.vn
Link nguồn

Nguồn: https://thongtincongthuong.vn/nganh-det-may-khuyen-cao-doanh-nghiep-chu-dong-nguon-nguyen-phu-lieu/