Ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm dịp cuối năm

Ngăn chặn tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm dịp cuối năm

(TCT online) -Nhằm tiếp tục tăng cường các giải pháp ngăn chặn tình trạng nhập lậu, vận chuyển gia súc, gia cầm trái phép ở các tỉnh biên giới và nội địa, ngày 17/10, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến với đại diện Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), các Bộ, ngành liên quan, các Hiệp hội, DN hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi.

Báo cáo của Cục Thú y – Bộ NN&PTNT cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 136 vụ buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm. Tại các địa phương giáp biên như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Long An…tình trạng này có xu hướng gia tăng trong thời gian qua.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y, gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu không được đánh giá nguy cơ dịch bệnh trước khi nhập khẩu, không được lấy mẫu xét nghiệm sạch bệnh và không tuân thủ các quy định về kiểm dịch nhập khẩu, dẫn đến nguy cơ các bệnh động vật mới xâm nhập vào trong nước; các biến chủng vi rút xâm nhiễm vào nước ta, ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển chăn nuôi bền vững:

“Việc ngăn chặn vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế từ phía các địa phương nhập lậu như thế dẫn đến các loại dịch bệnh từ nước ngoài xâm nhiễm vào Việt Nam như cúm gia cầm, lợn tai xanh, lở mồm long móng trên gia súc, dịch tả lợn châu Phi. Nguy cơ mất an toàn thực phẩm rất cao nếu không kiểm soát được, điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển ngành chăn nuôi trong nước cũng như xuất khẩu sản phẩm động vật” – ông Long nhấn mạnh.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam, để tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát không chỉ một cơ quan, bộ ngành mà cần sự vào cuộc đồng bộ, đặc biệt là các Bộ, ngành, Quản lý thị trường, Công thương, Bộ đội Biên phòng Hải quan và Ban chỉ đạo 389 của các địa phương. Nếu phối hợp chặt chẽ sẽ ngăn chặn và kiểm soát được tình trạng này.

Theo ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng đêm tối, giờ giao ca của lực lượng chức năng khu vực biên giới để mang vác nhỏ lẻ qua các khu vực hàng rào biên giới về các thôn, bản thuộc địa bàn các xã biên giới, sau đó vận chuyển bằng xe máy theo các tỉnh lộ, quốc lộ 1A về các tỉnh nội địa tiêu thụ. Nhận định tình trạng buôn bán gia cầm nhập lậu sẽ còn diễn biến phức tạp, Lạng Sơn sẽ lập chuyên án chống buôn lậu gia cầm, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Ông Quỳnh cũng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng khu vực nội địa, tăng cường quản lý nhà nước về thú y đối với các cơ sở chăn nuôi tiếp tục thực hiện các giải pháp đảm bảo được nguồn cung con giống theo mùa vụ có chất lượng giá cả cạnh tranh, hạn chế nhu cầu sử dụng con giống nhập lậu.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, đấu tranh chống buôn lậu nói chung, ngăn chặn gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm nhập lậu nói riêng cần thực hiện đồng bộ, thường xuyên và liên tục. Để hạn chế dịch bệnh động vật truyền nhiễm nguy hiểm từ nước ngoài xâm nhập vào Việt Nam, cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong nước và phát triển chăn nuôi bền vững, nhất là trong thời điểm cuối năm, Bộ NN&PTNT xác định truyền thông là nhiệm vụ chính trị thường xuyên nhằm thông tin đầy đủ, kịp thời đến các cá nhân, tổ chức kinh doanh và người dân về các chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong việc ngặn chặn nhập lậu gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật qua biên giới vào Việt Nam.

Tiến Dũng

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/kinh-te-xa-hoi/bcbedfb8-3eda-42d2-9b84-0ae3b2ea8c28