Nắm bắt thời điểm vàng của đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Nắm bắt thời điểm vàng của đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp

Ngày 27-11-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1490/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Để sớm hiện thực hóa đề án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Ngân hàng Thế giới (WB) và 12 địa phương ở ĐBSCL đã cùng thảo luận về giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư, cụ thể hóa các nguồn vốn cũng như mô hình, cách thức tiếp cận vốn phù hợp.

Cân đối nhu cầu vốn

Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030” với mục tiêu hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Mô hình canh tác lúa áp dụng dụng kỹ thuật “1 phải, 5 giảm” nhằm tăng hiệu quả và giảm phát thải được WB phối hợp với IRRI triển khai trên địa bàn quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.

Mới đây, tại TP Cần Thơ, Bộ KH&ĐT cùng Bộ NN&PTNT, WB và 12 địa phương ở ĐBSCL họp bàn về đề xuất dự án sử dụng vốn vay WB hỗ trợ thực hiện đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030. Dự án hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL do Bộ NN&PTNT là chủ quản dự án cùng UBND 12 tỉnh/thành phố tham gia dự án. Đơn vị đề xuất dự án cùng chủ dự án dự kiến là Ban quản lý các Dự án Nông nghiệp và Sở NN&PTNT 12 tỉnh/thành phố tham gia dự án. Nhà tài trợ dự kiến là WB với thời gian thực hiện dự án dự kiến từ năm 2026-2031. Theo Bộ NN&PTNT, dự án có 3 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1, phát triển cơ sở hạ tầng cho chuỗi giá trị lúa gạo chất lượng cao phát thải thấp (ước tính 404,9 triệu USD trong đó vốn WB khoảng 327,5 triệu USD,  vốn đối ứng của Chính phủ và các địa phương là 77,4 triệu USD). Hợp phần 2, phát triển và chuyển giao công nghệ (ước tính 16,1 triệu USD trong đó vốn vay của WB là 2,5 triệu USD và vốn đối ứng của Chính phủ và các địa phương là 13,6 triệu USD). Hợp phần 3, quản lý dự án, ước tính 9 triệu USD vốn đối ứng Chính phủ và địa phương.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030 nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ và WB. Các cơ quan Trung ương và địa phương sẽ phối hợp với WB để cụ thể hóa ý tưởng thành dự án, làm rõ ý nghĩa, mục tiêu, vai trò của dự án nhất là gắn với cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Về mặt địa bàn thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ đã có định hướng thực hiện tại ĐBSCL. Đây là khu vực mang ý nghĩa quan trọng khi sản xuất sản lượng lúa lớn nhất cả nước, đóng góp sản lượng gạo xuất khẩu lớn nhất cả nước. Trong định hướng chiến lược cũng như định hướng đảm bảo an ninh lương thực của Việt Nam, sản xuất và xuất khẩu lúa gạo vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó, ĐBSCL là khu vực chịu nhiều ảnh hưởng nhất của biến đổi khí hậu; đặc biệt là nước biển dâng, xâm nhập mặn. Vì vậy mục tiêu đặt ra không chỉ là duy trì, phát triển, nâng cao sản lượng và chất lượng lúa gạo ở ĐBSCL mà phải gắn với việc phát triển bền vững khu vực ĐBSCL trên nền tảng nông nghiệp, sản xuất lúa gạo. Do vậy, phạm vi thực hiện của dự án trải rộng trên khắp các tỉnh của ĐBSCL. Về nguồn lực chi tiết cho dự án đang chờ xác định nhưng về cơ bản là từ nguồn vốn vay của WB. Vấn đề là cần phân tích việc sử dụng vốn này, cân nhắc, tính toán các yếu tố liên quan đến nguồn lực này, cụ thể hóa cách thức khai thác nguồn lực này như thế nào, điều kiện vay vốn ra sao… để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Đề xuất mô hình phù hợp

Theo Bộ NN&PTNT, để đạt được các mục tiêu đề ra tại đề án, từ nay đến năm 2030 dự kiến cần khoảng 2,7 tỉ USD từ các nguồn vốn. Trong khi nguồn lực trong nước hiện chưa được bố trí và rất khó khăn, việc sớm huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế vô cùng quan trọng và hết sức cấp bách. Bộ NN&PTNT đã chủ động làm việc với nhiều tổ chức quốc tế và đến nay có WB đã cam kết cho vay vốn và hỗ trợ kỹ thuật. Trên cơ sở cam kết của WB, Bộ NN&PTNT cùng 12 tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL và các bộ, ngành đã trực tiếp làm việc với WB để từng bước chuẩn bị các nội dung đề xuất dự án “Hỗ trợ hạ tầng và kỹ thuật cho lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng ĐBSCL” để cụ thể hóa đề án.

Theo ông Cao Thăng Bình, Chuyên gia Nông nghiệp, WB, đây là thời điểm vàng để Việt Nam triển khai đề án, bởi nếu chậm hơn sẽ đánh mất cơ hội, còn nếu sớm hơn lại chưa phải là thời điểm thích hợp. Đây là thời điểm cần định vị lại thương hiệu lúa carbon thấp; quảng bá và định vị thương hiệu gạo cũng như chứng minh tính trách nhiệm của Việt Nam đối với sản xuất lúa gạo, nâng vị thế của Việt Nam trên thế giới. Việt Nam không chỉ sản xuất lúa gạo với sản lượng nhiều mà là một trong những nước đầu tiên trên thế giới trao đổi tín chỉ carbon. Qua tính toán sơ bộ hiệu quả kinh tế mang lại rất cao. Nếu đầu tư cho cả chương trình khoảng 1 tỉ USD, hiệu quả sinh lợi có thể đạt đến 4 tỉ USD. Con số thực tế cần có sự tính toán kỹ của các chuyên gia, tuy nhiên chỉ tính riêng phần giảm phân bón, thuốc trừ sâu, giảm chi phí sản xuất khoảng 30% đã mang đến lợi ích rất lớn cho đất nước và người dân. Nếu quản lý được môi trường thiên nhiên ở ĐBSCL tốt hơn sẽ giúp giảm bớt gánh nặng về kinh tế – xã hội, đảm bảo sức khỏe cộng đồng. Bên cạnh đó còn giúp đóng góp vào việc thực hiện các cam kết của Chính phủ đối với thế giới khi đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050, gắn với mục tiêu giảm phát thải khí metan khoảng 30% vào cuối năm 2030. Nhìn chung về mặt xã hội, môi trường, trách nhiệm cộng đồng… đây là một trong những dự án đáng làm, nếu không làm sẽ vô cùng đáng tiếc. Vì vậy WB mong muốn Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục hỗ trợ Bộ NN&PTNT và 12 tỉnh trong các vấn đề kỹ thuật, thủ tục huy động nguồn vốn vay ODA cho đề án này.

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, về mặt quan điểm chung Thủ tướng muốn thực hiện và cụ thể hóa ngay Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”. Do đó, công tác nghiên cứu, đề xuất cần hết sức khẩn trương để đáp ứng yêu cầu của Thủ tướng. Thủ tục ODA thường phức tạp kéo dài, thời gian dự án nằm trong giai đoạn năm 2026-2030, các bộ ngành địa phương cần xác định mô hình dự án nào là hợp lý để đáp ứng yêu cầu của WB… Về cơ bản các dự án có cách thức triển khai, về mặt kỹ thuật có sự thống nhất, chỉ khác địa bàn thực hiện. Như vậy cần nghiên cứu thống nhất mô hình thực hiện, quy định của WB về quy mô dự án, rút ngắn các hồ sơ, thủ tục trình tự cần phải làm. Theo đó, Bộ NN& PTNT có thể là cơ quan đại diện thực hiện các thủ tục này và cơ quan triển khai là các địa phương. Cần đề xuất mô hình dự án tốt nhất, phù hợp nhất, để báo cáo Thủ tướng. Nếu mô hình dự án chưa phù hợp với quy định pháp luật hiện hành có 2 khả năng để thực hiện. Một là báo cáo Quốc hội để thực hiện một mô hình đặc biệt và xin cơ chế đặc thù để làm những dự án đặc thù. Hai là đề xuất sửa Luật có liên quan nhưng phải chờ đến khi Luật sửa xong và có hiệu lực mới triển khai dự án. Do đó, các bộ, ngành đang cân nhắc theo khả năng xin ý kiến Quốc hội. Tuy nhiên, phải tập trung thiết kế được mô hình dự án thực sự hiệu quả để thuyết phục Quốc hội thông qua mô hình mới, chứng minh hiệu quả thực sự để mô hình có thể áp dụng rộng rãi cho nhiều dự án khác.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Nguồn: https://baocantho.com.vn/nam-bat-thoi-diem-vang-cua-de-an-1-trieu-hecta-lua-chat-luong-cao-phat-thai-thap-a175895.html