Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), quý I/2024, sản xuất thép thành phẩm của Việt Nam đạt 7,06 triệu tấn, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiêu thụ đạt 6,68 triệu tấn, tăng 10% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cũng ghi nhận mức tăng trưởng tốt, đạt mức tăng 36% so với cùng kỳ lên 2,25 triệu tấn. Giá thép trong nước cũng hồi phục từ mức đáy 3 năm và liên tục tăng trong giai đoạn này.
Khởi sắc cả về sản xuất và tiêu thụ
Tính từ tháng 11/2023 đến tháng 3/2024, giá thép tại miền Bắc trải qua 6 lần điều chỉnh tăng giá liên tiếp. Giá thép cuộn CB240 tăng lên 14,34 triệu đồng/tấn, tức tăng thêm khoảng 910.000 đồng sau 6 lần điều chỉnh. Giá thép thanh vằn D10 CB300 cũng tăng lên 14,53 triệu đồng/tấn, tăng khoảng 790.000 đồng so với cuối tháng 11.
Dự báo của Hiệp hội Thép Thế giới, nhu cầu thép thành phẩm năm 2024 tăng trưởng 1,9% so với năm 2023, trong đó nhu cầu tiêu thụ thép của khu vực châu Âu tăng trưởng 5,7% (đây cũng là một trong những thị trường xuất khẩu thép lớn nhất của Việt Nam), khu vực 5 nước ASEAN tăng trưởng 5,2%.
Không chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, trong bối cảnh cầu thị trường thế giới đang dần hồi phục, các doanh nghiệp thép nội địa tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu thép xây dựng. Tính đến hết quý III/2024, sản lượng thép xuất khẩu của Hòa Phát đã vượt 1 triệu tấn, tương đương cả năm 2021. Nhiều doanh nghiệp sản xuất thép khác như Công ty CP Thép Nam Kim, Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen… cũng khởi sắc trong sản xuất và tiêu thụ.
Ngoài ra, ngành thép nội địa cũng đang hưởng lợi khi các biện pháp bảo hộ được tăng cường giúp giảm bớt áp lực cạnh tranh. Cuối tháng 10, Bộ Công Thương gia hạn thêm 5 năm việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá bằng cách áp thuế với thép phủ màu và tôn màu của Trung Quốc, Hàn Quốc theo đó tạo đà tiêu thụ thép tốt hơn.
Dự báo một năm bứt phá
Với tình hình hiện tại, Hiệp hội thép Việt Nam dự báo hoạt động sản xuất thép của Việt Nam năm 2024 có thể tăng 10% và năm 2025 tăng 8%, khi nhu cầu sử dụng thép của các ngành kinh tế trong nước phục hồi. Điều này một phần là nhờ hoạt động giải ngân vốn đầu tư công được Chính phủ đẩy mạnh trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo các chuyên gia, bước sang năm 2025 thị trường thép nội địa sẽ bứt phá. Động lực chính là sự hồi phục của thị trường bất động sản khi nguồn cung căn hộ tại Hà Nội và TPHCM được dự báo tăng trung bình 21%/năm trong giai đoạn 2025 – 2026. Nhu cầu nội địa sẽ thúc đẩy đà tăng trưởng của doanh nghiệp ngành thép trong thời gian tới.
Mới đây, Bộ Công Thương đã đề nghị các hiệp hội ngành hàng phát huy vai trò cầu nối, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thép; tăng cường công tác dự báo và cung cấp thông tin về nhu cầu sắt, thép, đặc biệt là sắt thép xây dựng cho các doanh nghiệp để cân đối nhu cầu thép cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu; tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ngành thép chủ động trong sản xuất, cân đối tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các sản phẩm thép nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh./.
PV.
Nguồn: https://doanhnghiepvathuongmai.vn/bai-viet/nam-2025-du-bao-mot-nam-but-pha-cua-nganh-thep-viet-nam.phtml |