Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Mức thuế cần đủ để điều chỉnh hành vi tiêu dùng
Mức thuế cần đủ để điều chỉnh hành vi tiêu dùng
Mở rộng hàng hóa chịu thuế
Theo cơ quan soạn thảo, qua 16 năm thực hiện, Luật thuế TTĐB đã đạt được các kết quả quan trọng. Không chỉ xây dựng lộ trình điều chỉnh thuế đối với các mặt hàng thuốc lá, rượu bia, ô tô để điều tiết tiêu dùng và thực hiện cam kết quốc tế, thuế TTĐB thời gian qua còn góp phần ổn định nguồn thu NSNN, đảm bảo tỷ lệ động viên hợp lý cho NSNN theo hướng bền vững… Bên cạnh những kết quả đạt được, chính sách thuế TTĐB cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế. Bộ Tài chính cho rằng, cần thiết phải sửa đổi Luật thuế TTĐB nhằm hoàn thiện quy định về chính sách thuế TTĐB để mở rộng cơ sở thu, đổi mới các nội dung, tháo gỡ bất cập, chồng chéo trong hệ thống pháp luật thuế TTĐB và bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với pháp luật có liên quan…
Cụ thể, về đối tượng chịu thuế, Luật thuế TTĐB hiện hành quy định 10 nhóm hàng hóa và 6 nhóm dịch vụ chịu thuế TTĐB. Để mở rộng cơ sở thuế, đồng bộ với pháp luật chuyên ngành và luật hóa các quy định đang thực hiện ổn định tại các văn bản dưới luật, Bộ Tài chính đề xuất, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB bao gồm: thuốc lá theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá (thuốc lá điếu xì gà, thuốc lá sợi, thuốc lào hoặc các dạng khác, chế phẩm khác từ cây thuốc lá dùng để hút, hít, nhai, ngửi, ngậm); rượu theo quy định của Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia (gồm các loại đồ uống có cồn thực phẩm khác được lên men từ trái cây, ngũ cốc, đồ uống được pha chế từ cồn thực phẩm).
Đáng chú ý, dự thảo, bổ sung nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB để thực hiện các chủ trương chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về bảo vệ sức khỏe nhân dân, khuyến cáo của các tổ chức bảo vệ chức khỏe và Bộ Y Tế. Qua đó, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên, dự phòng giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm, hạn chế tiêu thụ. Tại dự thảo, Bộ Tài chính cũng đề xuất quy định mặt hàng xe có động cơ dưới 24 chỗ; máy bay, trực thăng, tàu lượn… vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Cơ quan soạn thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định căn cứ tính thuế TTĐB để bao quát trường hợp bổ sung áp dụng thuế tuyệt đối, áp dụng thuế hỗn hợp. Theo đó, căn cứ tính thuế TTĐB áp dụng phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % là giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và thuế suất. Số thuế phải nộp bằng giá tính thuế TTĐB nhân với thuế suất. Căn cứ tính thuế TTĐB áp dụng phương pháp tính thuế tuyệt đối là lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế và mức thuế tuyệt đối. Số thuế phải nộp bằng lượng hàng hóa, dịch vụ chịu thuế nhân với mức thuế tuyệt đối. Căn cứ tính thuế TTĐB áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp là tổng của số thuế phải nộp theo phương pháp tính thuế theo tỷ lệ % và số thuế phải nộp theo phương pháp tính thuế tuyệt đối.
Về thuế suất thuế TTĐB, dự thảo đề xuất với mặt hàng thuốc lá giữ nguyên mức thuế suất 75% và bổ sung mức thuế tuyệt đối theo lộ trình với 2 phương án. Cụ thể, mức thuế tuyệt đối được quy định theo lộ trình tăng từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 – 2030 để góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 39% trong giai đoạn 2023 – 2025 và xuống dưới 36% trong giai đoạn 2026 – 2030, và hướng tới đạt tỷ trọng thuế trên giá bán lẻ thuốc lá theo khuyến nghị của WHO là 75%. Với bia rượu, dư thảo quy định thuế suất theo tỷ lệ % tăng theo lộ trình từng năm trong giai đoạn từ năm 2026 – 2030 để đạt mục tiêu tăng giá bán rượu, bia ít nhất 10% theo khuyến nghị tăng thuế của WHO. Đối với nước giải khát theo TCVN, có hàm lượng đường trên 5g/100ml là 10% do đây là mặt hàng mới bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB.
Đảm bảo cân bằng lợi ích kinh tế và xã hội
Tham gia góp ý tại hội thảo, đại diện các hiệp hội ngành hàng và DN đều cho rằng, trong bối cảnh DN còn gặp nhiều khó khăn, thì mức tính thuế với một số mặt hàng như bia, rượu còn cao; đối với đồ uống có đường chưa thực sự có đủ bằng chứng chứng minh là nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm. Do vậy, cơ quan soạn thảo cần xem xét lại mức thuế, và đặc biệt cần tính toán lại lộ trình áp dụng, không nên bắt đầu từ năm 2026. Mặt khác, theo các DN, trước khi áp dụng biện pháp thuế, cần xem xét thêm các biện pháp khác như đẩy mạnh tuyên truyền, tính phổ quát của vấn đề…
Phản biện các lập luận này, TS Nguyễn Huy Quang, Trưởng ban tư vấn phản biện của Tổng hội Y học Việt Nam khẳng định, theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, một văn bản khi ban hành cần phải được tính toán trên cơ sở cân bằng giữa lợi ích kinh tế và an sinh xã hội, trong đó, chính sách an sinh xã hội phải được đảm bảo trước hết. Thực tế cho thấy, để giảm tiêu thụ đồ uống có đường, ngoài biện pháp tính thuế, vẫn còn có nhiều giải pháp khác đã và đang được Nhà nước áp dụng như chính sách pháp luật, biện pháp hành chính, tuyên truyền, kinh tế… Do đó, khi đề xuất phân tích một vấn đề gì, ông Quang cho rằng cần phải nhìn một cách toàn diện.
Cũng theo ông Quang, tính thuế TTĐB với đồ uống có đường không phải bây giờ mới được đặt ra, mà ngay từ năm 2012 khi sửa đổi Luật thuế TTĐB đã được đưa ra, nhưng do chưa có đủ bằng chứng khoa học nên đã tạm gác lại. Hiện nay, trên cơ sở các luận chứng khoa học của quốc tế và Bộ Y tế, Bộ Tài chính mới đưa ra đề xuất tính thuế với đồ uống có đường. Thế giới cũng đã có tới 113 nước quy định thuế TTĐB với đồ uống có đường, riêng ASEAN có 6 quốc gia, trong khi đến nay, Việt Nam vẫn chưa có. Hơn nữa, Bộ Tài chính cũng chỉ tính thuế với đồ uống có đường là theo tiêu chuẩn của Việt Nam (TCVN) là 5g/100ml, chứ không phải 0,1g/100ml như nhiều nước. “Đó cũng chính là tính phổ quát của vấn đề. Bản thân các nước khi tính thuế với đồ uống có đường cũng phải dựa trên vấn đề công bằng xã hội, sức khỏe con người”, ông Quang nói.
Đối với bia, rượu, theo ông Quang, Bộ Tài chính đề xuất mỗi năm, thuế TTĐB chỉ tăng 5%. Mục tiêu tính thuế phải phù hợp với lạm phát, mức tăng thu nhập bình quân đầu người, đảm bảo ổn định kinh tế, nhưng phải định hướng hành vi tiêu dùng. Thực tế, lạm phát mỗi năm ở mức khoảng 4,6%/năm, thu nhập bình quân đầu người tăng 6,9%/năm, thậm chí tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2022 tới 11%, thì mức tăng thuế 5% “không là gì cả”.
Là thành viên của Ban soạn thảo dự thảo Luật, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI chia sẻ, thuế TTĐB là một dự thảo luật rất quan trọng, do mức độ ảnh hưởng đối với các ngành hàng, DN lớn. Do vậy, quá trình soạn thảo là một công việc khó khăn, song Chính phủ và Bộ Tài chính đang rất nỗ lực để hoàn thiện dự thảo. Theo dự kiến, dự thảo luật sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp lần thứ 8 (10/2024), có hiệu lực từ 1/1/2026. Do tác động của luật cũng không còn xa, hiện ban soạn thảo vẫn đang tiếp tục lắng nghe ý kiến nhiều chiều và cân nhắc lựa chọn những phương án tối ưu nhất. |
Đồng quan điểm này, bà Trương Tuyết Mai, Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, các y văn thế giới đều đã khẳng định tác hại của việc tiêu thụ liên tục đồ uống có đường. Thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai hàng loạt các giải pháp trong đó có đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng, nhờ đó nhiều ngành hàng đã giảm lượng đường tiêu thụ trong sản phẩm.
Tuy nhiên, là nước đang phát triển, ý thức của người dân chưa cao, nên cùng với tuyên truyền, thì tăng thuế để tăng giá bán sản phẩm là một giải pháp thiết thực và hiệu quả. Hơn nữa, ngưỡng để tính thuế với sản phẩm đồ uống có đường cũng là 5g/100ml, nên các DN cũng chỉ cần thay đổi một chút công nghệ, điều chỉnh giảm lượng đường trong sản phẩm xuống một chút là đã đảm bảo yêu cầu, sản phẩm không bị tính thuế, nếu không thì phải chấp nhận bị tính thuế.
Ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS, TS Vũ Sỹ Cường (Học viện Tài chính) chia sẻ, so với các nước thì mức thuế TTĐB nói chung hiện nay của Việt Nam không phải là cao. Thậm chí, nếu so với tổng thu NSNN, thì thuế TTĐB có xu hướng giảm nhẹ, chỉ đóng góp trong tổng thu cân đối NSNN từ 6,5-7 %. Liên quan đến tác động của thuế TTĐB với các bên liên quan, ông Cường lưu ý rằng, chính sách thuế cần được phân tích trên góc độ cân bằng tổng thể với nhiều bên, bao gồm cả thị trường, tác động kinh tế (thu NSNN, DN, lao động…), bối cảnh áp dụng. Ngoài tăng thu NSNN, mục tiêu điều chỉnh thuế TTĐB còn để có thêm nguồn lực bù đắp lại cho chi tiêu trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Do vậy, ông Cường ủng hộ việc tăng thuế TTĐB đối với một số loại hàng hóa, dịch vụ, trong đó “đánh thuế cao với thuốc lá”, nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng nhất là ở nhóm người nghèo. Về phương pháp tính thuế, hiện dự thảo mới áp dụng phương pháp hỗn hợp với thuốc lá. Do vậy, cơ quan soạn thảo cũng cần nghiên cứu mở rộng áp dụng phương pháp này, đồng thời nên quy định khung hoặc trần với thuế tuyệt đối.
Bài, ảnh: Thúy Nga
Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/dien-dan/f6acbe72-2cfc-4dc9-af5d-bbbac8e2f2c3 |