Mở rộng cơ hội hợp tác trong ngành dệt may cho doanh nghiệp Việt Nam và Italy

Mở rộng cơ hội hợp tác trong ngành dệt may cho doanh nghiệp Việt Nam và Italy

Ngày 27/6, Hội thảo “ITALY MEETS VIETNAM: Kết nối Dệt may” diễn ra, quy tụ sự tham dự của hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam và Italy, mang đến cái nhìn sâu sắc về cơ hội và thách thức, giúp doanh nghiệp hai nước tìm ra giải pháp hợp tác hiệu quả và bền vững.

Italy nổi tiếng với nền công nghiệp dệt may tiên tiến và chất lượng sản phẩm cao, trong khi Việt Nam lại có lợi thế về nguồn lao động dồi dào, chi phí cạnh tranh và tinh thần liên tục đổi mới. Tiềm năng hợp tác giữa hai nước rất lớn, tuy nhiên các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với nhiều thách thức như sự khác biệt về văn hóa kinh doanh, yêu cầu chất lượng và tiêu chuẩn quốc tế khắt khe.


Hội thảo “ITALY MEETS VIETNAM: Kết nối Dệt may” – Nguồn:TRANG THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI ĐIỆN TỬ​ 

Tại buổi Hội thảo, Ngài Marco Della Seta – Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền Italy tại Việt Nam – nhấn mạnh Dệt may là một trong những lĩnh vực hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Italy, đóng góp quan trọng vào kim ngạch thương mại song phương. Tính riêng 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Italy đạt 130,17 triệu USD, tăng 6,28% so với cùng kỳ năm 2023. Hai bên liên tục có những sáng kiến, dự án hợp tác nhằm chuyển giao công nghệ, chuẩn hóa sản xuất, đặc biệt ở khía cạnh sản xuất bền vững để bảo vệ môi trường.

Về phía Việt Nam, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Italy những năm gần đây có nhiều khởi sắc. Hiện Italy là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam ở EU và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Italy trong ASEAN. Việc EU đưa ra Chiến lược phát triển bền vững và tuần hoàn dệt may, cũng như quy tắc “từ vải trở đi – fabric forward” trong Hiệp định EVFTA, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần phải nắm vững những quy định, thông tin mới, đồng thời trang bị thêm công nghệ và không ngừng cải tiến chất lượng để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào thị trường này.

Trong thời gian qua, Italy và Việt Nam đã có một số chương trình hợp tác trong lĩnh vực dệt may. Trong đó, nền tảng kết nối giao thương CDP Business Matching được khởi động từ tháng 10/2023 hiện đã có hơn 100 doanh nghiệp Việt Nam tham gia nền tảng miễn phí này. CDP sẽ tiếp tục có những hoạt động tích cực thúc đẩy giao thương Việt Nam – Italy, và sẽ tổ chức những buổi gặp gỡ doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may giữa hai nước trong thời gian tới. Cùng đó, hiện một số tổ chức như CDP, Hiệp hội các Nhà sản xuất Máy Dệt Italy (ACIMIT), Tập đoàn Hỗ trợ Tín dụng Xuất khẩu SACE đang hiện diện và chuẩn bị hiện diện tại Việt Nam sẽ hỗ trợ đáng kể về mặt tín dụng cho doanh nghiệp dệt may hai bên hợp tác, mở rộng sản xuất và phát triển thị trường, cùng hướng tới mục tiêu tăng trưởng xanh và bền vững.

Môi trường kinh doanh tại Việt Nam rất thuận lợi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Italy đầu tư vào sản xuất kinh doanh. Nhiều công ty dệt may Việt Nam tự hào kế thừa những kỹ thuật dệt may cao cấp của Italy và cả những tiêu chuẩn khắt khe về dệt may tuần hoàn và phát triển bền vững, đây là hướng phát triển cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam nếu muốn tiến vào thị trường quốc tế.

 

Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp

Nguồn: https://thongtincongthuong.vn/mo-rong-co-hoi-hop-tac-trong-nganh-det-may-cho-doanh-nghiep-viet-nam-va-italy/