Nông - Lâm - Thủy sản, Thị trường và giá cả
“Làng chuột” Phù Dật
– “Làng chuột” Phù Dật (ấp Bình Chánh, xã Bình Long, Châu Phú, An Giang) từ lâu đã là tên gọi không còn xa lạ với người dân trong và ngoài tỉnh, bởi nơi đây từng tập trung rất nhiều hộ săn bắt và buôn bán chuột đồng nổi danh khắp các tỉnh khu vực miền Tây.
Theo năm tháng, “làng chuột” Phù Dật vẫn lặng lẽ nép mình bên bờ kênh Phù Dật và ngày ngày vẫn tất bật với công việc làm chuột quen thuộc. Nghề làm chuột ở làng Phù Dật hiện nay đã truyền đến đời con, đời cháu, nhưng hầu hết những người trong ngôi làng này đều không biết chính xác nghề làm chuột có từ bao giờ, họ chỉ nhớ “làng chuột” đã có từ rất lâu và khoảng năm 1995 đến năm 2000 được xem là giai đoạn “hưng thịnh”, khi đó, khắp xóm, nhà nhà, người người đều làm chuột.
Lý giải nguyên nhân ra đời của “làng chuột” có người cho rằng, ngày trước nông dân ấp Bình Chánh chủ yếu canh tác cây lúa, do ruộng lúa thường xuyên bị chuột cắn phá, để bảo vệ mùa màng, hàng ngày bà con phải ra ruộng diệt chuột, có hôm bắt được nhiều chuột cả gia đình ăn không hết, vậy là nảy ra ý định làm thịt chuột mang ra chợ bán.
Thấy thịt chuột có thể kiếm được tiền, nhiều người trong làng bắt đầu “hành nghề” làm chuột và số người theo nghề ngày càng tăng, có người còn tìm đến tận những cánh đồng xa ở các huyện lân cận hoặc ngoài tỉnh để bắt chuột mang về. Phong trào làm chuột có lẽ bắt đầu từ đó, cái tên chân quê, mộc mạc “làng chuột” theo đó mà hình thành và được lưu giữ đến bây giờ.
Những chiếc lồng chứa chuột đặt dọc bờ kênh
Hiện nay, tại ngôi làng còn khoảng 10 hộ dân làm chuột, nhưng ở thời điểm vào “vụ”, công việc làm chuột diễn ra hết sức nhộn nhịp.
Trò chuyện cùng bà Nguyễn Thị Phượng (một hộ làm chuột trong làng) chúng tôi được biết, nghề làm chuột “kiếm ăn” được nhất vào thời gian sau Tết và kéo dài đến tháng 6 (âm lịch), khi đó chuột nhiều, giá cả phải chăng nên việc buôn bán chuột gặp nhiều thuận lợi.
Khoảng tháng 7 (âm lịch) đến cận Tết, chuột đồng giảm số lượng, giá chuột tăng cao, làm chuột bán không có lời nên hoạt động của “làng chuột” lắng lại.
Bà Phượng cho biết: “Công việc làm thịt chuột thường bắt đầu khoảng 1 giờ chiều mỗi ngày và kéo dài đến khuya. Làm thịt chuột được chia thành nhiều công đoạn nên cả người lớn và trẻ nhỏ đều có thể góp công để kiếm thêm thu nhập, người siêng năng mỗi buổi làm có thể kiếm được trên 100.000 đồng”.
Có thâm niên trên 10 năm trong nghề làm chuột tại làng Phù Dật, hộ của bà Bùi Thị Năm được xem là vựa làm chuột lớn nhất vùng. Vựa chuột của bà Năm kinh doanh chuột với nhiều hình thức, từ cung cấp chuột sống cho bạn hàng đến làm thịt chuột bỏ mối tại các chợ trong tỉnh.
Chia sẻ về công việc làm chuột của gia đình, bà Năm kể: “Chỉ thu mua chuột đồng trong tỉnh thôi chưa đủ để làm thịt cung cấp cho các chợ nên vào các tháng “thuận” mùa chuột, mỗi ngày tôi đều cho xe đến tận biên giới để thu mua chuột mang về với giá từ 30.000 – 35.000 đồng/kg chuột sống.
Đến chiều tối sẽ có khoảng 20 chị, em trong xóm xúm lại làm thịt chuột đến tận khuya. Thịt chuột làm xong ướp nước đá chở đi bán khắp các chợ đầu mối tại TP. Long Xuyên, có khi còn giao cho bạn hàng chuyển lên tỉnh Bình Dương”.
Thịt chuột được làm sạch ướp nước đá mang đi bán tại các chợ đầu mối
Thời điểm vào vụ làm chuột, mỗi ngày vựa của bà Năm cung cấp cả tấn thịt chuột cho các chợ, giá 50.000 – 60.000 đồng/kg, thu nhập mang về đủ cho gia đình bà có cuộc sống sung túc. Tuy nhiên, vào các tháng ít chuột, giá chuột sống khoảng 50.000 đồng/kg nên làm thịt chuột bán không có lời, giai đoạn này gia đình bà Năm chỉ mua chuột do bà con, hàng xóm đặt bẫy trên ruộng rồi làm thịt giao khi khách có nhu cầu.
Bà Năm chia sẻ: “Thời điểm ít chuột, dù không có nhiều người đặt hàng nhưng nhà tôi cũng giao chuột “đều đều” cho các mối quen, bởi họ cần chuột để cung cấp cho quán ăn, bán cho người cần mua đặc sản hoặc tiếp đãi khách phương xa. Nhìn chuột sống nhiều người cảm thấy “ghê” nhưng khi được làm sạch, chế biến thành các món khìa, nướng, chiên, xào thì mùi vị thơm ngon, hấp dẫn vô cùng vì vậy có rất nhiều người ưa chuộng”.
MỸ LINH
Theo Tin tức miền Tây