Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 11/2024 sơ bộ đạt 33,73 tỷ USD, giảm 5,3% so với tháng trước và tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 369,93 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 103,88 tỷ USD, tăng 20,0%, chiếm 28,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 266,05 tỷ USD, tăng 12,4%, chiếm 71,9%. Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu 11 tháng năm 2024 nhóm hàng công nghiệp chế biến sơ bộ đạt 325,52 tỷ USD, chiếm 88,0%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 11/2024 sơ bộ đạt 32,67 tỷ USD, giảm 2,8% so với tháng trước và tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 126,05 tỷ USD, tăng 18,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 219,57 tỷ USD, tăng 15,2%.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu 11 tháng năm 2024, nhóm hàng tư liệu sản xuất sơ bộ đạt 323,72 tỷ USD, chiếm 93,7%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 11 tháng năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108,9 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 130,2 tỷ USD.

Kim ngạch xuất - nhập khẩu đạt 715,55 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024, dự kiến cả năm xuất siêu
Với kết quả đạt được của 11 tháng năm 2024, chắc chắn, năm 2024 tiếp tục là năm thứ 9 Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu

Như vậy, trong tháng 11, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 66,4 tỷ USD, giảm 4,1% so với tháng trước và tăng 9,0% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,4%; nhập khẩu tăng 16,4%.

Tính chung 11 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 24,31 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 26,2 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 22,17 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 46,48 tỷ USD.

Nhìn chung, 11 tháng năm 2024, xuất – nhập khẩu ghi nhận sự phục hồi tích cực so với cùng kỳ năm trước mặc dù tình hình kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp. Các yếu tố như: xung đột quân sự và bất ổn chính trị tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế toàn cầu.

Đáng chú ý, xuất khẩu các nhóm hàng chủ lực như: nông sản, thủy sản và công nghiệp chế biến đều tăng trưởng ấn tượng. Kim ngạch xuất khẩu nhóm nông sản, thủy sản ước đạt 35,46 tỷ USD (tăng 20,6%), trong khi nhóm công nghiệp chế biến ước đạt 312,59 tỷ USD (tăng 13,9%). Xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước đạt 103,38 tỷ USD, tăng 19,4%, vượt qua mức tăng trưởng của khu vực doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (12,2%).

Dựa trên những kết quả tích cực đã đạt được 11 tháng qua và việc duy trì tốt xu hướng này, nhiều khả năng xuất khẩu hàng hóa sẽ đạt 377 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2023, vượt mức kế hoạch năm đã đề ra. Trước đó, Báo cáo mới công bố của Ngân hàng UOB, dự báo xuất khẩu của Việt Nam năm nay sẽ tăng 18% và đạt con số xấp xỉ gần 420 tỷ USD, cao nhất kể từ năm 2021.

Bên cạnh đó, với mức xuất siêu 11 tháng qua đạt tới 24,31 tỷ USD, đây là tín hiệu tích cực, phản ánh năng lực cạnh tranh và hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Việc duy trì xuất siêu lớn cho thấy nền kinh tế đang giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng cường sản xuất trong nước.

Với kết quả này, chắc chắn, năm 2024 tiếp tục là năm thứ 9 Việt Nam duy trì trạng thái xuất siêu. Điều này có ý nghĩa quan trọng, góp phần tích cực trong việc cải thiện cán cân thanh toán, tăng cường dự trữ ngoại hối và góp phần ổn định tỷ giá cũng như các chỉ số kinh tế vĩ mô khác.

Từ nay đến cuối năm, để thúc đẩy hoạt động xuất – nhập khẩu trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thông tin tới các hiệp hội, ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp với các thị trường.

Đồng thời, sẽ duy trì các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài để cập nhật thông tin thị trường cùng các quy định, tiêu chuẩn… có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính, thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu. Tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc./.