Kim cương chất đống vì không bán được

Kim cương chất đống vì không bán được

5 hãng khai thác kim cương lớn nhất thế giới đang ngồi trên núi tồn kho trị giá 3,5 tỷ USD vì gần như không bán được hàng vài tháng qua.

Tại một trong những kho chứa kim cương lớn nhất thế giới, ẩn trong một tòa nhà văn phòng bình thường tại vùng ngoại ô bụi bặm của Botswana, số kim cương đang ngày một nhiều lên. Chủ sở hữu chúng – hãng khai thác hàng đầu thế giới De Beers gần như không bán được viên kim cương thô nào kể từ tháng 2. Đối thủ Nga của họ – Alrosa cũng chịu chung số phận.

Đại dịch đã tàn phá ngành kim cương. Các cửa hàng trang sức đóng cửa. Các nghệ nhân mài cắt đá quý Ấn Độ phải ở trong nhà. De Beers thì đã hủy đợt bán hồi tháng 3 vì người mua không thể bay đến xem đá quý.

Kim cương thô chuẩn bị được phân loại tại một văn phòng của Alrosa (Nga). Ảnh: Bloomberg

De Beers và Alrosa đã phải tìm mọi cách để bảo vệ thị trường. Họ không hạ giá, nhưng cho phép người mua thoải mái hủy hợp đồng. Đây là điều chưa từng có tiền lệ. Họ cũng giảm sản xuất để kiềm chế hàng tồn kho. Tuy nhiên, số kim cương vẫn ngày một nhiều lên.

Hãng tư vấn Gemdax ước tính 5 hãng sản xuất kim cương lớn nhất thế giới đang ngồi trên núi tồn kho trị giá 3,5 tỷ USD. Con số này có thể chạm 4,5 tỷ USD cuối năm nay, tương đương một phần ba sản lượng khai thác hàng năm.

Các biện pháp phong tỏa vì đại dịch, vốn khiến ngành này đóng băng vài tháng qua, đã bắt đầu được dỡ bỏ. Tuy nhiên, số kim cương chưa bán được lại đặt họ vào tình thế tiến thoái lưỡng nan: Làm thế nào để giảm dần hàng tỷ USD kim cương tồn kho mà không kéo tụt đà phục hồi mới nhen nhóm của ngành này.

“Họ đang cố hạn chế nguồn cung kim cương thô để bảo vệ thị trường và giá”, Anish Aggarwal tại Gemdax cho biết, “Câu hỏi hiện tại là việc giảm hàng tồn kho này sẽ diễn ra như thế nào? Liệu các hãng khai thác có thể cùng lúc xả hàng và tiếp tục bảo vệ thị trường hay không?”

Sau khi buộc phải hủy sự kiện tháng 3, De Beers đã tổ chức một đợt bán khác vào tháng 5, nhưng không thông báo kết quả như thường lệ. Theo một nguồn tin của Bloomberg, họ chỉ thu về 35 triệu USD. Con số này năm ngoái là 416 triệu USD.

Phép thử lớn tiếp theo với ngành này sẽ đến vào cuối tháng. De Beers dự kiến có đợt bán nữa. Họ đang tìm mọi cách thu hút khách hàng, như cho phép xem kim cương bên ngoài Botswana. Người mua vẫn sẽ được hủy hợp đồng nếu đổi ý. Các khách hàng của De Beers tỏ ra khá hài lòng với các thay đổi này.

Dù vậy, cả De Beers và Alrosa đều không hạ giá. Trong khi đó, các hãng khai thác nhỏ hơn đã giảm giá bán. Một số giảm tới 25% do đã phải tìm cách tồn tại từ trước khi đại dịch diễn ra. Việc này khiến các hãng lớn khó thuyết phục người mua tìm đến mình.

Sergey Donskoy – nhà phân tích tại Societe Generale tuần trước cho biết các hãng khai thác kim cương “đang cùng lúc phải đối phó với giá giảm và doanh số giảm với quy mô gợi nhớ đến khủng hoảng 2008 – 2009”.

Quản lý nguồn cung luôn là vấn đề đau đầu với ngành kim cương sau khi De Beers từ bỏ việc độc quyền. Nguồn cung đã phình lên thời khủng hoảng tài chính và tăng tốc một lần nữa vào năm 2013. Trong các lần đó, việc bán hàng tồn kho đều khiến số kim cương được mài cắt tăng lên, gây sức ép lớn lên những thợ cắt, nhà buôn và hãng chế tác mua lại từ họ.

Lần này có thể còn khó khăn hơn. Các trung gian trong ngành này đã chật vật từ trước khi đại dịch diễn ra. Còn bán lẻ lại là một trong những ngành chịu tác động mạnh nhất từ Covid-19.

Alrosa tuần trước cho biết tồn kho kim cương có thể lên 30 triệu carat cuối năm nay, tương đương sản lượng cả năm. Họ muốn giảm con số này về 15 triệu carat trong 3 năm.

Hiện tại, thị trường đã có một số dấu hiệu phục hồi. Các hãng bán lẻ Trung Quốc đã mở cửa trở lại. Ấn Độ cũng cho phép trung tâm mài cắt Surat hoạt động, dù chỉ được 50% công suất. Các văn phòng giao dịch chính ở Ấn Độ cũng được chấp thuận để 10% nhân viên đi làm lại.

Dù vậy, trong 2 tháng đầu năm, các hãng chế tác đã mua vào mạnh tay với kỳ vọng thị trường hồi phục. Với việc các trung tâm mài cắt đóng cửa suốt 2 tháng qua, số hàng này phải chờ đến tháng 7 hoặc 8 mới được sử dụng. Điều này có nghĩa nhu cầu mua kim cương hiện tại rất thấp.

“Ở giai đoạn này, rất khó dự báo quỹ đạo hồi phục sẽ như thế nào”, Aggarwal, “Trước mắt thì nhu cầu tiêu dùng không thể ngay lập tức tăng vọt được”.

Hà Thu (theo Bloomberg)

Theo Vnexpress.net

Trả lời