Khai thác tiềm năng từ Khối thị trường có GDP 2.000 tỷ USD

Khai thác tiềm năng từ Khối thị trường có GDP 2.000 tỷ USD

Hội đồng hợp tác Vùng vịnh (GCC) là một tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông, bao gồm 6 quốc gia là Ả-rập Xê-út, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Qatar, Kuwait, Bahrain và Oman, với dân số khoảng 60 triệu người, là khu vực có nền kinh tế phát triển với GDP năm 2022 đạt gần 2.000 tỷ USD.

GCC nổi tiếng toàn cầu với thế mạnh về dầu mỏ, trong những năm qua, các hoạt động thương mại, kinh tế, đầu tư tại khu vực này diễn ra sôi động, thu hút sự tham gia của nhiều đối tác lớn. Đặc biệt, ba quốc gia là Qatar, UAE và Ả-rập Xê-út đều sở hữu những quỹ đầu tư khổng lồ, lên đến hàng trăm tỷ USD.

Trong năm 2023, Việt Nam đã có hai chuyến thăm chính thức đến UAE và Ả-rập Xê-út, gửi đi thông điệp về sự quan tâm của nhà nước và doanh nghiệp Việt Nam trong mối quan hệ hợp tác, phát triển với các quốc gia thuộc khu vực Trung Đông. Việc chủ động tăng cường quan hệ với các quốc gia thuộc nhóm GCC là cơ hội để khai mở thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang thị trường đầy tiềm năng này trong thời gian tới. Trong khi đó, nhóm GCC cũng dành sự coi trọng và quan tâm đặc biệt đến Việt Nam, xem Việt Nam là một đối tác quan trọng hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á.

Sau cuộc gặp mặt giữa các nhà lãnh đạo cấp cao, Việt Nam và UAE đã nhất trí một số biện pháp nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác giữa hai quốc gia, điển hình như việc đẩy nhanh ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện (CEPA), từng bước nâng kim ngạch thương mại lên 10 tỷ USD. Bên cạnh đó, UAE cũng hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, logistics …

         UAE là thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Trung Đông

 Hiện nay, Việt Nam là điểm đến tiềm năng trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp, tập đoàn lớn trên thế giới, Quỹ đầu tư công Ả-rập Xê- út (PIF) đang tìm kiếm cơ hội để đầu tư vào các dự án lớn về phát triển hạ tầng tại Việt Nam; Tập đoàn Dầu khí Aramco – doanh nghiệp hàng đầu của Ả-rập Xê-út hiện cũng mong muốn đầu tư, làm nhà máy lọc dầu tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và ông Thani bin Ahmed Al Zeyoudi, Quốc vụ khanh phụ trách thương mại quốc tế, Bộ Kinh tế UAE – Ảnh: Báo Công thương

Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân, Hiệp định CEPA là hiệp định thương mại tự do đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước ở khu vực Trung Đông và châu Phi (cụ thể là UAE). Việc ký kết CEPA không chỉ thúc đẩy quan hệ với UAE mà còn là cả khu vực Trung Đông, mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận các công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực quản lý, kinh doanh, đưa hàng hóa Việt Nam tiếp cận rộng rãi hơn với người tiêu dùng.

Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp

Nguồn: https://thongtincongthuong.vn/khai-thac-tiem-nang-tu-khoi-thi-truong-co-gdp-2-000-ty-usd/