Khai thác có hiệu quả ưu đãi từ các FTA góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa

Khai thác có hiệu quả ưu đãi từ các FTA góp phần đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa

Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới; trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục.

Có 3 FTA mà Việt Nam đang đàm phán, đó là FTA giữa Việt Nam và Khối EFTA (bao gồm 4 nước Thụy Sỹ, Na Uy, Iceland, Liechtenstein); Việt Nam tham gia khuôn khổ đàm phán FTA ASEAN và Canada và FTA Việt Nam với UAE hiện đang nỗ lực kết thúc đàm phán sớm. Nhìn chung việc ký kết các FTA đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần giúp Việt Nam có thêm nhiều đối tác thương mại lớn và uy tín. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 59,21 tỷ, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó nhiều mặt hàng ghi nhận đà tăng mạnh so với 2 tháng đầu năm 2023 là Cà phê tăng 68%, Gạo tăng 55,7%, Sắt thép các loại tăng 51,9%.

Nhằm đạt mục tiêu trong năm 2024, xuất khẩu tăng trưởng khoảng 6% so với năm 2023, Bộ Công Thương đang tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đã đề ra, trong đó tập trung vào mở rộng đàm phán các FTA và phổ biến những lợi ích cũng như ưu đãi của các hiệp định đã ký để các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn. Bên cạnh đó, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương cũng đổi mới các hoạt động xúc tiến thương mại, tập trung vào những chương trình Chuyển đổi Số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử để có được các kênh khơi thông về xuất khẩu hàng hóa. Việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đơn giản hóa hoặc giảm bớt những điều kiện kinh doanh cũng được Bộ Công thương chú trọng nhằm giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu có thêm nhiều kênh, nhiều cơ hội phát triển. Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bước vào một thời kỳ mới với nhiều rủi ro và thách thức, tăng trưởng kinh tế tại nhiều khu vực được dự báo thấp hơn so với năm 2023, thì việc triển khai các giải pháp nhằm tận dụng tối đa những ưu đãi từ các FTA lại càng giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – thương mại của đất nước.

Ảnh minh họa – Nguồn: Internet

Để đáp ứng các yêu cầu cao của thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh việc “nâng chất” các FTA là vấn đề được đặt ra; cần phải tận dụng hiệu quả các FTA hiện tại đã có hiệu lực với các thị trường truyền thống, đồng thời tìm kiếm thị trường mới, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường tiềm năng. Các đơn vị trong Bộ Công thương theo dõi sát sao diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới, đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Song song đó, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu bền vững. 

Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp