Kết nối, đưa nông sản Việt tiến sâu vào thị trường Ba Lan

Kết nối, đưa nông sản Việt tiến sâu vào thị trường Ba Lan

Theo Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan, dù được hưởng lợi nhiều từ Hiệp định EVFTA song nông sản Việt Nam xuất khẩu sang thị trường châu Âu vẫn đang phải cạnh tranh khốc liệt với Trung Quốc, Thái Lan.

Ảnh minh họa

Tham luận tại Hội nghị Tham tán Thương mại khu vực châu Âu diễn ra hôm 18 và 19/7/2024 vừa qua về giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường Ba Lan nói riêng và thị trường châu Âu nói chung, ông Nguyễn Sơn – Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan thẳng thắn nhìn nhận, có một thực tế, dù được hưởng nhiều lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), nông sản Việt vẫn đang cạnh tranh khốc liệt với các mặt hàng nông sản, thực phẩm chế biến của Trung Quốc, Thái Lan.

“Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam thường bị thua thiệt về mẫu mã và công nghệ chế biến” – Tham tán Thương mại Nguyễn Sơn nêu thực tế và cho biết, để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường bên cạnh việc từng bước đầu tư, phát triển ngành công nghiệp thực phẩm nội địa nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, các Thương vụ cũng cần khai thác, tìm thị trường cho các sản phẩm Việt độc đáo, đặc trưng trên nguyên lý ngàn đời nay của thương mại “mua của người chán, bán cho người thèm”.

Cũng theo Tham tán Thương mại Nguyễn Sơn, với vị trí địa lý trải dài từ Bắc xuống Nam bao gồm các vùng khí hậu, thổ nhưỡng đa dạng, nền văn hóa bản sắc và lịch sử lâu đời, Việt Nam đang có rất nhiều sản phẩm độc đáo, mang phong vị vùng miền. Ẩm thực là một trong những yếu tố hấp dẫn khách du lịch tới Việt Nam và giờ đây nhiệm vụ của các Tham tán phải làm sao giới thiệu, đưa các đặc sản Việt ra thế giới.

Ba Lan là một trong các quốc gia châu Âu có đông đảo cộng đồng người Việt. Hàng ngàn quán ăn Việt đã trở thành những địa chỉ ẩm thực quen thuộc với người dân thủ đô Vác-sa-va. Trong đó, nhiều nhà hàng nằm trong danh sách các nhà hàng được yêu thích nhất. Hệ thống các nhà hàng này cùng các chuỗi bán buôn, bán lẻ thực phẩm Á góp phần quan trọng vào kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm từ Việt Nam sang Ba Lan.

Nhắc lại gợi mở của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trong một cuộc họp giao ban Xúc tiến thương mại “mua cho người chán, bán cho người thèm”, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan đã đưa nội dung kết nối các địa phương Việt Nam với doanh nghiệp phân phối nông sản tại Ba Lan vào chương trình công tác. Được sự chấp thuận của Đại sứ quán, Thương vụ đã đề nghị đoàn công tác của địa phương Việt Nam sang công tác tại địa bàn nghiên cứu mang một số sản phẩm OCOP (sản phẩm trong chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm) để quảng bá, giới thiệu.

Cùng với đó, Thương vụ phối hợp với Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức khu giới thiệu và trưng bày tại một trung tâm thương mại. Các nhà phân phối thực phẩm tại địa bàn được mời đến thăm quầy hàng, tìm hiểu các sản phẩm và giao lưu với đoàn công tác của địa phương.

Thực hiện Chương trình này, vừa qua, đoàn công tác của tỉnh Đồng Tháp đã đem theo 15 thùng với khoảng 30-40 sản phẩm nông sản chế biến. Các đặc sản Đồng Tháp được các đại biểu tới dự gian hàng thích thú và nồng nhiệt đón nhận.

Thực tế cho thấy, đây là mô hình tiềm năng để kết hợp nội dung xúc tiến thương mại vào chương trình các đoàn công tác địa phương. Với gần 10 ngàn sản phẩm OCOP, trong đó có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4-5 sao, đủ tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm xuất sang thị trường châu Âu, chúng ta có rất nhiều đặc sản độc đáo để giới thiệu với thế giới mà không bị “đụng hàng” với các đối thủ lân cận.

Bên cạnh đó, khác với hệ thống siêu thị đòi hỏi các nhà sản xuất lớn và có năng lực tài chính, quy mô các cơ sở sản xuất các sản phẩm OCOP địa phương phù hợp với năng lực, nhu cầu nhập khẩu của các nhà bán lẻ nhỏ tại thị trường Ba Lan.

Trong năm 2024, Thương vụ Việt Nam tại Ba Lan tiếp tục triển khai mô hình này khi đón các đoàn công tác từ các tỉnh, thành sang học tập kinh nghiệm, kêu gọi đầu tư… Với sự hợp tác và ủng hộ từ các địa phương, sẽ có thêm đặc sản Việt được giới thiệu tới người tiêu dùng Ba Lan, góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ thương mại và giao lưu văn hóa giữa hai dân tộc.

PV.

Nguồn: https://doanhnghiepvathuongmai.vn/bai-viet/ket-noi-dua-nong-san-viet-tien-sau-vao-thi-truong-ba-lan.phtml