Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Hàng loạt mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng bị thu giữ và cấm lưu hành
Hàng loạt mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng bị thu giữ và cấm lưu hành
Mỹ phẩm là dưỡng chất được thiết kế để làm sạch, bảo vệ và thay đổi diện mạo của các bộ phận bên ngoài cơ thể như nuôi dưỡng làn da, cấp ẩm, làm sáng, chống oxy hoá, cân bằng dầu nước, chống lão hoá, v.v..Sản phẩm thông thường sẽ chứa các thành phần tự nhiên, hữu cơ hoặc sử dụng công nghệ sinh học.
Tuy nhiên theo nhận định của Tổng cục Quản lý thị trường, thị trường mỹ phẩm đa dạng, “vàng thau lẫn lộn”, trong khi đó công tác kiểm tra, xử lý mặt hàng này còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do nhận thức về pháp luật của một bộ phận người dân và một số tổ chức, cá hân sản xuất – kinh doanh còn hạn chế. Trong khi đó một bộ phận nhỏ người tiêu dùng dù biết là hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng nhưng do thói quen thích sử dụng hàng ngoại, hàng giá rẻ nên vẫn chấp nhận sử dụng.
Một số cơ sở kinh doanh chưa quan tâm đến nguồn gốc, giấy phép lưu hành, hạn sử dụng của sản phẩm. Nhiều người kinh doanh mỹ phẩm không thực hiện đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền mà sử dụng nhà ở làm địa điểm kinh doanh, mua hàng từ các thương nhân khác để bán lại, dùng mạng xã hội Facebook, Zalo, TikTok… để tiếp thị và quảng bá sản phẩm, gây rất nhiều khó khăn cho công tác thống kê, quản lý và giám sát hoạt động kinh doanh, cũng như trong khó khăn trong việc kiểm tra, xử phạt đối với các vi phạm trong lĩnh vực này. Bằng chứng là chỉ mới bước sang đầu năm 2024 nhưng đã có hàng loạt sản phẩm mỹ phẩm bị tịch thu và thu hồi do không đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn quy định.
Thu hồi toàn quốc mỹ phẩm Yaskin-J kém chất lượng
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa có thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi toàn quốc lô mỹ phẩm Yaskin-J do Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Dược mỹ phẩm SJK sản xuất không đạt chất lượng.
Cụ thể, lô sản phẩm Yaskin-J (Dưỡng ẩm, tái tạo da phục hồi da khô, nứt gót chân) – Hộp 20g (Số lô: 241022; NSX: 241022; HSD: 241025; số công bố: 11559/22/CBMP-HN); Công ty chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty cổ phần dược phẩm Keiko (Địa chỉ: 101C2, Khu đô thị Đại Kim, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội); Công ty TNHH công nghệ sinh học dược mỹ phẩm SJK (Địa chỉ: Thôn Nghĩa Hảo, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) sản xuất. Lý do đình chỉ và thu hồi sản phẩm nêu trên là do mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu định tính vitamin E.
Mỹ phẩm Yaskin-J do Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Dược mỹ phẩm SJK sản xuất không đạt chất lượng bị thu hồi.
Hà Nội thu giữ số lượng lớn mỹ phẩm có dấu hiệu nhập lậu
Ngày 02/01/2024, Đội Quản lý thị trường số 7 phối hợp Đội 6, Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an thành phố Hà Nội đã tiến hành kiểm tra Hộ kinh doanh N.H.C 89 ở đường Nguyễn Xiển, thôn Triều Khúc, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội, do ông N. H. C làm chủ. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng đã phát hiện có 19.497 sản phẩm mỹ phẩm các loại (kem dưỡng da, mặt nạ thải độc, dầu gội, dầu xả….) do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc nhập khẩu hợp pháp, trị giá hàng hóa vi phạm là 380.040.000 đồng.
Lượng lớn mỹ phẩm nhập lậu bị thu giữ: Cục QLTT Hà Nội
Thu hồi và tiêu huỷ loạt mỹ phẩm kém chất lượng của Công ty Phú Long
Ngày 8/2/2024, Cục Quản lý Dược đã phát đi thông báo về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy mỹ phẩm đối với các sản phẩm mỹ phẩm thuộc nhãn hàng KAJI do Chi nhánh Công ty cổ phần mỹ phẩm dừa Phú Long – 02 sản xuất có địa chỉ tại số 223, ấp Phú Mỹ, xã Phú Túc, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, và Công ty cổ phần Kami có địa chỉ tại số 78, đường 24B, phường Bình Trị Đông B, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh đứng tên công bố và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Lý do đình chỉ lưu hành, thu hồi là do các sản phẩm mỹ phẩm sản xuất tại cơ sở không đáp ứng các điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định.
Cụ thể gồm: Nhãn hàng KAJI Dầu gội trúc thơm Bergamia Kaffir shampoo; KAJI Muối tắm gạo hồng Oryza Sativa Bath Salt; KAJI Muối tắm trúc thơm Bergamia Kaffir Bath Salt; KAJI Xịt dưỡng tóc trúc thơm Bergamia Kaffir Hair Care; KAJI Xà bông trúc thơm xơ mướp Bergamia Kaffir Loofah Soap; KAJI Xà bông tẩy tế bào chết trúc thơm Bergamia Kaffir Scrub Soap; KAJI Xà bông trúc thơm Bergamia Kaffir Soap.
Hàng loạt mỹ phẩm kém chất lượng của Công ty Phú Long bị thu hồi do không đáp ứng các điều kiện sản xuất mỹ phẩm theo quy định
Đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn quốc mỹ phẩm kém chất lượng của Công ty La Beauté
Ngày 27/1/024, Cục Quản lý Dược tiếp tục ban hành văn bản đình chỉ lưu hành và thu hồi toàn quốc đối với lô sản phẩm Dung dịch vệ sinh Natural Feminine – chai 100ml do Công ty TNHH La Beauté công bố và lưu hành trên thị trường không đạt yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm.
Thu hồi và tiêu huỷ lô sản phẩm Dung dịch vệ sinh Natural Feminine – Chai 100ml (nhãn hàng: Curcumin Wash). Ảnh: Thương trường
Thu hồi trên toàn quốc sản phẩm Prodak Strawberry Soft Facial Mask-Mặt nạ sáng da dâu tây
Sản phẩm Prodak Strawberry Soft Facial Mask-Mặt nạ sáng da dâu tây không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định
Ngày 29/1/2024, Cục Quản lý Dược thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc sản phẩm Prodak Strawberry Soft Facial Mask-Mặt nạ sáng da dâu tây– 30g (trên nhãn ghi tên sản phẩm: Prodak Strawberry Milk Soft Facial Mask-Mặt nạ sáng da dâu tây sữa tươi – 30g) do Công ty cổ phần La Vo, địa chỉ: 11 Nguyễn Sơn, phường Phú Thạnh, quận Tân Phú, thành phố Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường. Chi nhánh Công ty cổ phần La Vo (Kho xưởng sản xuất) (Địa chỉ: Lô 22, đường Trung tâm Khu công nghiệp Tân Tạo, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, thành phố Hồ Chí Minh) sản xuất. Nguyên nhân là do nhãn sản phẩm không đáp ứng quy định về ghi nhãn của Thông tư 06/2011/TT-BYT và mẫu thử không đáp ứng yêu cầu chất lượng về chỉ tiêu giới hạn vi sinh vật trong mỹ phẩm theo quy định.
Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13634:2023 (ISO 17516:2014) về Mỹ phẩm – Vi sinh vật – Giới hạn vi sinh vật Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13634:2023 hoàn toàn tương đương với ISO 17516:2014. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 13634:2023 do Viện Kiểm nghiệm Thuốc thành phố Hồ Chí Minh biên soạn, Bộ Y tế đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố. Mọi nhà sản xuất mỹ phẩm đều có trách nhiệm đến an toàn vi sinh vật và chất lượng sản phẩm của mình để đảm bảo các sản phẩm được sản xuất trong điều kiện vệ sinh tốt. Mặc dù sản phẩm mỹ phẩm không yêu cầu vô khuẩn, nhưng chúng không được phép có quá nhiều vi sinh vật cũng như các vi sinh vật chỉ định mà có khả năng ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm hoặc sự an toàn của người tiêu dùng. Tuy nhiên, một số sản phẩm mỹ phẩm được coi là có nguy cơ vi sinh thấp (TCVN 13641:2023 (ISO 29621)) có thể không cần phải kiểm tra vi sinh thường xuyên và nhà sản xuất có thể quyết định không thử nghiệm nếu họ có thể đảm bảo sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn này. Do đó nhà sản xuất nên tuân thủ các nguyên tắc thực hành sản xuất tốt (GMP), ISO 22716 và phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để hạn chế sự xâm nhập của vi sinh vật từ nguyên liệu thô, quá trình chế biến và đóng gói. Mục tiêu của tiêu chuẩn này là xây dựng các mức giới hạn định lượng và định tính vi sinh vật có thể chấp nhận được đối với các thành phẩm mỹ phẩm. |
An Dương
Nguồn: https://vietq.vn/hang-loat-my-pham-khong-dat-chat-luong-bi-tich-thu-va-cam-luu-hanh-s28-d219088.html |