Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Hà Nội liên tiếp phát hiện lượng lớn thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc
Hà Nội liên tiếp phát hiện lượng lớn thực phẩm hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc
TP. Hà Nội liên tiếp thu giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc trên địa bàn
Theo đó Đội QLTT số 20 (QLTT Hà Nội) vừa phối hợp với Công an huyện và Phòng Y tế huyện Đan Phượng kiểm tra Hộ kinh doanh thực phẩm tại Thôn 7, Trung Châu, Đan Phượng, Hà Nội.
Tại thời điểm kiểm tra, Đoàn kiểm tra phát hiện tại hộ kinh doanh có 380kg thịt trâu đông lạnh có nhãn chữ nước ngoài, đã quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa và 374kg thịt, xương động vật đông lạnh là thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ước tính giá trị lô hàng lên đến hàng chục triệu đồng.
Lực lượng QLTT TP. Hà Nội phát hiện lượng lớn thực phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: Cục QLTT TP. Hà Nội
Trước đó, Đội QLTT số 25 (QLTT Hà Nội) đã phối hợp với Đội 4, Phòng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố Hà Nội kiểm tra một Nhà hàng tại địa chỉ thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội. Tại đây, đoàn kiểm tra đã phát hiện và tạm giữ 480 lít rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá ước tính trên 38 triệu đồng.
Còn Đội QLTT số 13 phối hợp Đội Cảnh sát kinh tế – Công an quận Cầu Giấy và Đội CSGT số 6 – Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội phát hiện và tạm giữ hơn 6.000 sản phẩm là xúc xích và cánh gà ăn liền không rõ xuất xứ trên 01 phương tiện đang lưu thông trong nội đô.
Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện bên trong có chứa 20 thùng carton, bên ngoài in chữ nước ngoài, xác định là thực phẩm ăn liền. Lái xe T. V. M, sinh năm 1999, trú tại xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai không xuất trình được các giấy tờ có liên quan đến lô hàng.
Quá trình điều tra, lực lượng chức năng xác định, toàn bộ số hàng trên là của B. V. D, sinh năm 2000, (cùng trú tại xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) thu mua trôi nổi trên thị trường, sau đó, thuê xe tải, vận chuyển từ Lào Cai về Hà Nội để bán lẻ cho các cửa hàng tạp hóa, ki ốt bán đồ ăn vặt tại các khu vực có trường học, đông học sinh, sinh viên. Qua kiểm đếm, bên trong 20 thùng các tông trên là 900 gói xúc xích và 5.400 gói cánh gà ăn liền. Tổng giá trị số hàng ước tính khoảng 40.000.000 đồng.
Ngày 12/4, Đội QLTT số 1 kiểm tra và phát hiện 1.300 thùng bánh trên bao bì thể hiện chữ tượng hình, đại diện doanh nghiệp không xuất trình được giấy tờ hợp pháp liên quan đến lô hàng.
Nguy hại từ thực phẩm không rõ nguồn gốc
TS.BS Lê Văn Nhân – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh cho biết, thực phẩm không rõ nguồn gốc hiện bán tràn lan trên thị trường, đây là mối nguy tiềm ẩn lâu dài nếu người tiêu dùng thường xuyên ăn phải. Trong khi đó khi gặp các vấn đề về sức khỏe do sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc thì cơ quan chức năng không thể nào truy xuất được nguồn gốc thực phẩm, dẫn đến những hậu quả lớn. Ví dụ có thể gây độc cho nhiều người, gây độc lặp đi lặp lại hoặc có thể vượt qua vòng kiểm soát của cơ quan chức năng về kiểm soát chất lượng hàng hóa.
Ngoài ra vì không kiểm soát được chất lượng hàng hóa ngay từ ban đầu – từ khâu nuôi trồng, vận chuyển, bảo quản, phân phối thị trường, do đó những hàng hóa này có thể tiềm ẩn nguy cơ được sử dụng những hóa chất độc hại như: hóa chất tăng trọng, hóa chất diệt cỏ, trừ sâu, chất bảo quản…
Đối với những thực phẩm có chứa lượng hóa chất vượt tiêu chuẩn, khi đi vào có thể sẽ mang lại những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng là rất lớn. Những hóa chất sử dụng trong thực phẩm phải được các cơ quan thực phẩm cho phép về an toàn thực phẩm, ví dụ Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Y tế. Những hóa chất này phải được cho phép sử dụng và sử dụng trên đúng thực phẩm, đúng liều lượng và đúng thời gian, nếu không sẽ gây tồn dư trên thực phẩm và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Khi những hóa chất này vào trong cơ thể quá nhiều, vào đúng đối tượng có hệ miễn dịch kém như trẻ con, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, cho con bú, người bị mãn tính… rõ ràng yếu tố hóa chất càng gây hại đến những người này hơn nữa.
Phương án đầu tiên, an toàn nhất là nên mua ở chỗ thân quen hoặc siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, chợ tập trung. Những chỗ đó thông thường thực phẩm sẽ được bảo quản trong bao bì rõ ràng, ít nhất đó là những chỗ bán cố định. Nếu có vấn đề gì, người tiêu dùng có thể báo cơ quan chức năng đến kiểm định hàng hóa.
Trong trường hợp, vì tiện lợi trên đường đi hay giá cả, người tiêu dùng phải lựa chọn mua ở những nơi như chợ tự phát, hàng rong thì đặc biệt chú ý xem xét địa điểm bán có vệ sinh không, có dụng cụ bảo quản không. Ngoài ra, khi mua về, người dùng nên ngâm rửa bằng nước muối pha loãng, nước vo gạo từ 5 – 10 phút để trung hòa và khử được một lượng lớn hóa chất bám trên thực phẩm.
Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT- Quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không đản bảo an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thông tư này quy định việc truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phần (sau đây gọi tắt là cơ sở); cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có hoạt động liên quan đến nội dung quy định tại Điều 1 Thông tư này. Thông tư này không áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ để sử dụng tại chỗ và không đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Thông tư trên yêu cầu chung đối với truy xuất nguồn gốc: Cơ sở phải thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm theo nguyên tắc truy xuất một bước trước – một bước sau để bảo đảm khả năng nhận diện, truy tìm một đơn vị sản phẩm tại các công đoạn xác định của quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Khi có yêu cầu thực hiện truy xuất nguồn gốc thực phẩm, cơ sở phải cung cấp thông tin đã được lưu giữ về cơ sở cung cấp lô hàng nhận và cơ sở tiếp nhận lô hàng giao trong quá trình sản xuất, kinh doanh của cơ sở. Thực phẩm sau mỗi công đoạn phải được mã hóa, nhận diện bằng một phương thức thích hợp để phục vụ truy xuất nguồn gốc. Cơ sở thuộc diện cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Cơ sở đã được cấp một trong các Giấy chứng nhận: Thực hành sản xuất tốt (GMP), Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), Tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), Chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực phải thiết lập, duy trì hệ thống truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Điều 5 và lưu trữ thông tin truy xuất nguồn gốc theo quy định tại Điều 6 Thông tư này. Các cơ sở không thuộc đối tượng quy định tại khoản 4 Điều này không bắt buộc thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc nhưng phải lưu trữ thông tin tối thiểu cho mục đích truy xuất quy định tại các khoản 1, 3 và 4 Điều 6 Thông tư này. |
An Dương
Nguồn: https://vietq.vn/ha-noi-lien-tiep-phat-hien-luong-lon-thuc-pham-het-han-su-dung-khong-ro-nguon-goc-d210060.html |