Giải cứu tôm hùm: Tôm hùm bông hay…tôm hùm xanh?

Giải cứu tôm hùm: Tôm hùm bông hay…tôm hùm xanh?

(Gia đình) – Giá tôm hùm “giải cứu” từ 600.000 – 800.000/kg không thấp hơn giá thị trường của mặt hàng này, bởi đây chỉ là loại tôm hùm xanh.

Thông tin bất ngờ

Những ngày gần đây, khắp cả nước rộ lên phong trào giải cứu tôm hùm vì mặt hàng này khó xuất khẩu sang Trung Quốc do ảnh hưởng từ dịch bệnh virus corona gây ra.

Giá tôm hùm thời giải cứu giao động trong khoảng từ 600.000 – 800.000 đồng/kg, tùy từng loại. Nhiều người dân cho rằng, đây là mức giá rẻ hơn so với thời điểm bình thường lên tới cả triệu đồng/kg nên đã tích cực mua để giải cứu.

Tuy nhiên, theo nhiều chủ vựa hải sản lớn ở khu vực miền Nam và miền Bắc thì người tiêu dùng đang bị lợi dụng, bị mua hớ mà không biết.

Giá tôm hùm mùa “giải cứu” thực sự không rẻ như nhiều người vẫn nghĩ.

Theo bà Hồng – chủ vựa hải sản tại Q. Tân Bình, TP. HCM tôm hùm có 2 loại, hùm bông và hùm tre (hùm xanh).

Giá tôm hùm bông thường từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/kg tùy kích cỡ, nhưng loại đó hiếm, giá cao gấp đôi tôm hùm xanh và phải nuôi lâu.

“Tôm hùm xanh giá trị thấp hơn, chỉ 500.000 – 650.000 đồng/kg, loại này thường có trọng lượng 300gr – 500gr/con và muốn nuôi lâu hơn cũng không lớn nữa”, một thương nhân kinh doanh hải sản tại chợ Bình Điền, TP. HCM nói.

Người này cho biết thêm, trong thời gian qua, nhiều người ăn tôm hùm xanh mà tưởng là… “giải cứu” tôm hùm bông. Tôm hùm ngộp, giá thường chỉ 250.000 đồng/kg, mua giá 500.000 đồng/kg thì người bán đã lãi gấp đôi rồi. Còn tôm hùm bông sống, không bao giờ cần “giải cứu”.

Trong khi đó, một chủ vựa hải sản tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa cho biết, tôm hùm bông loại 500-700 gram/con giá 1,55 triệu đồng/kg; 0,8-1 kg có giá 1,75 triệu đồng/kg; 1,5-1,8 kg/con giá 2,5 triệu đồng/kg; còn 1,8 đến 4 kg/con có giá 2,8 triệu đồng/kg.

Với tôm hùm xanh, nếu 2-3 con/kg thì giá 750.000 đồng, 4-5 con/kg giá chỉ 550.000-650.000 đồng.

Nhiều địa điểm bán tôm hùm “giải cứu” nhưng đã kém chất lượng.

“Giá này là thời điểm trước khi có dịch Covid-19. Hiện giá thu mua tôm hùm xanh tại các vựa có giảm nhẹ, từ 50.000 đến 100.000 đồng, nhưng không quá thấp so với thời gian trước”, anh Hùng cho hay.

“Đọc trên mạng xã hội và báo thấy tôm hùm xanh có giá từ 750.000-950.000 đồng/kg, nếu đúng thì người bán tôm hùm xanh thu lời lớn”, vị chủ vựa hải sản này nói.

Theo anh, khó tránh khỏi việc người bán lợi dụng khách hàng không phân biệt các loại tôm nên cố tình lập lờ giá cả khi chào bán.

Được biết, thời điểm này chưa phải là mùa thu hoạch chính vụ của tôm hùm xanh, nên các chủ lồng nuôi chỉ xuất bán loại có size lớn để giảm chi phí nuôi.

Trong khi một số ít chủ lồng chọn cách bán ngang (không phân biệt lớn nhỏ) với giá 440.000-470.000 đồng/kg để giảm số lượng tôm trong lồng và cũng để lấy tiền duy trì số tôm còn lại.

Khó tin

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, việc tôm hùm khó xuất khẩu sang Trung Quốc trong bổi cảnh dịch bệnh virus corona hoành hành là điều thực tế đã được ghi nhận. Tuy nhiên, ông không nhận xét riêng về tôm hùm bông và tôm hùm xanh.

“Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn của Việt Nam, không chỉ ở mặt hàng nông – lâm – thủy sản mà còn ở nhiều lĩnh vực khác.

Vì vậy, khi cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc hạn chế giao thương trong bối cảnh dịch bệnh diễn ra đã khiến cho hàng hóa của Việt Nam ứ đọng, khó tiêu thụ. Chính vì thế mới cần huy động nguồn trong nước giải cứu như những ngày qua” – ông Hòe nói.

Trước thông tin cho rằng, giá tôm hùm “giải cứu” không thấp hơn nhiều so với giá xuất khẩu trước khi dịch bệnh bùng phát, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho rằng, đây là điều khó có cơ sở.

“Cần phải xem xét, tính toán cụ thể xem với mức giá tôm hùm hiện tại thì người nuôi có phải chịu lỗ hay không, thương lái thu mua được lời bao nhiêu/kg tôm hùm. Tôi cho rằng, lời những chủ vựa hải sản khó tin cậy mà cần phải có cuộc kiểm tra, khảo sát thực tế từ cơ quan chức năng” – ông Hòe cho hay.

Theo ông Hòe, việc tập trung xuất khẩu các mặt hàng nông – lâm – thủy sản sang Trung Quốc là nhu cầu tất yếu của thị trường khi mà các đơn hàng bán sang đây được giá hơn và cũng tiêu thụ với số lượng lớn hơn. Chứ không phải chỉ đến khi xảy ra sự cố dịch bệnh, thiên tai… thì người trong nước mới được sử dụng những mặt hàng cao cấp xuất khẩu.

“Trung Quốc có thị trường tiêu thụ rộng, không chỉ tôm hùm mà các mặt hàng hải sản từ Việt Nam xuất sang Trung Quốc đều được giá cao hơn khi tiêu thụ trong nước.

Chính vì quy luật thị trường đó mà các thương lái chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc chứ không phải tập trung nguồn lực hàng hóa phục vụ cho đất nước này như nhiều người vẫn nhầm tưởng” – ông Hòe nhìn nhận.

Ngọc Vân

Theo Baodatviet.vn

Trả lời