Giá tiêu hôm nay 3/1: Duy trì đà ổn định những ngày đầu năm

Giá tiêu hôm nay 3/1: Duy trì đà ổn định những ngày đầu năm

(VTC News) – Những ngày đầu năm mới 2023, giá tiêu trong nước duy trì đà ổn định khi không có biến động so với phiên giao dịch trước đó, dao động ở mức 57.500 – 60.000 đồng/kg.

Cập nhật diễn biến giá tiêu hôm nay

+ Giá tiêu trong nước

Giá tiêu trong nước hôm nay tiếp tục cho thấy sự ổn định những ngày đầu năm 2023 khi không có thay đổi so với phiên dao dịch trước, dao động ở mức 57.500 – 60.000 đồng/kg.

Giá tiêu hôm nay 3/1: Duy trì đà ổn định những ngày đầu năm - 1

Giá tiêu trong nước hôm nay đi ngang. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, giá tiêu hôm nay ghi nhận ở mức 60.000 đồng/kg, giữ nguyên so với một ngày trước đó.

Tại tỉnh Bình Phước, giá tiêu hôm nay ở mức 59.000 đồng/kg, không có thay đổi so với ngày hôm qua.

Giá tiêu hôm nay tại 2 tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông giao dịch ở mức 58.500 đồng/kg, không có biến động so với phiên giao dịch trước.

Tại tỉnh Đồng Nai, giá tiêu hôm nay giao dịch ở mức 58.000 đồng/kg, không thay đổi so với ngày hôm qua.

Giá tiêu hôm nay tại tỉnh Gia Lai ở mức 57.500 đồng/kg, mức giao dịch thấp nhất cả nước nhưng không có biến động so với một ngày trước.

Địa phương Giá (đồng) Thay đổi so với 1 ngày trước (đồng)
Bà Rịa – Vũng Tàu 60.000
Bình Phước 59.000
Đắk Lắk 58.500
Đắk Nông 58.500
Đồng Nai 58.000
Gia Lai 57.500

+ Dự báo giá tiêu

Năm 2022, ngành hồ tiêu của Việt Nam đối mặt với rất nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm. Do đó, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc giảm.

Theo ước tính, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2022 chỉ đạt 226 nghìn tấn, trị giá 963 triệu USD, giảm 13,3% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với năm 2021.

Giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 4.257 USD/tấn, tăng 18,5% so với năm 2021.

Dự báo năm 2023, xuất khẩu tiêu của Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với khó khăn trong bối cảnh giá thế giới chịu áp lực do nhu cầu tiêu thụ thấp.

Ngành hạt tiêu Việt Nam cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường.

Theo báo cáo mới nhất từ Cục Xuất Nhập khẩu, ngành còn cần đẩy mạnh chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm mới giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Điểm sáng cho kỳ vọng vào năm 2023 này là việc Trung quốc mở cửa trở lại sau dịch COVID-19 sẽ thúc đẩy xuất khẩu hồ tiêu của nước ta được phục hồi và trở lại danh sách cây trồng tỷ đô.

Cập nhật giá hồ tiêu thế giới

Trên thị trường thế giới, giá tiêu hôm nay tiếp tục đi ngang ở tất cả các quốc gia. Cụ thể, tại Indonesia, giá tiêu đen Lampung duy trì ở mức 3.592 USD/tấn. Còn giá hạt tiêu trắng Muntok của quốc gia này cũng đang neo ở mức 5.933 USD/tấn.

Giá tiêu đen Kuching ASTA của Malaysia không đổi, vẫn giữ ở mức 4.900 USD/tấn; còn hạt tiêu trắng ASTA của quốc gia này duy trì ở mức giá 7.300 USD/tấn.

Đối với thị trường Brazil, giá hạt tiêu đen ASTA 570 giữ nguyên không đổi ở mức 2.500 USD/tấn.

Còn tại Việt Nam, giá tiêu đen xuất khẩu loại 500g/l và 550g/l giữ ở mức 3.050 – 3.150 USD/tấn, giá tiêu trắng giữ mức 4.550 USD/tấn.

Giá tiêu thế giới hôm nay vẫn không có biến động mới khi nhiều quốc gia trên thế giới đang trong kỳ nghỉ lễ đầu năm mới 2023.

Năm 2022 được đánh giá không thành công cho ngành hồ tiêu, khi thị trường các nước giảm mạnh trước nhu cầu yếu và tỷ giá USD cao.

Trong cuốn kỷ yếu kỷ niệm 50 năm thành lập, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế đã có những đánh giá khái quát về thị trường các nước như sau:

Hồ tiêu Brazil chủ yếu được trồng ở Bang Para, Espirito Santo, Bahia và Maranhao. Tổng thu nhập từ xuất khẩu hồ tiêu Brazil năm 2021 đã được báo cáo tăng vọt lên 306 triệu USD, cao hơn 65% so với năm 2020. Trong năm 2021, 3 điểm đến hàng đầu của hồ tiêu Brazil là Đức, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (thay thế Việt Nam) và Mỹ, lần lượt chiếm 15%, 13% và 11% tổng lượng tiêu Brazil xuất khẩu. Các thị trường chính khác là Ai Cập và Việt Nam.

Ấn Độ là quốc gia hàng đầu về gia vị. Bang Kerala, Karnataka, Tamil Nadu và các bang khác ở miền Nam Ấn Độ trồng nhiều hồ tiêu đen Malabar. Hồ tiêu ở Ấn Độ chủ yếu được canh tác bởi quy mô nhỏ, xen canh dừa, cau, cà phê, bạch đậu khấu… Trong năm 2021, sản lượng hồ tiêu ở Ấn Độ được báo cáo 65.000 tấn, ghi nhận mức tăng 8% so với 2020.

Nổi tiếng với hồ tiêu đen Lampung và Muntok trắng, Indonesia được coi là một trong số các nhà sản xuất hồ tiêu lớn nhất trong thế giới. Hồ tiêu đen ở Indonesia chủ yếu được trồng ở Lampung trong khi hồ tiêu trắng ở tỉnh Bangka Belitung. Trong năm 2021, Indonesia được báo cáo đã sản xuất 83.316 tấn hồ tiêu, trong đó 37.492 tấn là đen và 45.824 tấn tiêu trắng. Như vậy, ghi nhận mức giảm 3% so với tổng sản xuất vào năm 2020, tăng 13% so với sản lượng trung bình của 10 năm qua.

Các khu vực hàng đầu của Malaysia trồng tiêu chia thành ba vùng, trong đó Sarawakwhich đóng góp tới 98% tổng sản lượng hàng năm. Hồ tiêu Malaysia sản lượng năm 2021 lên tới 21.597 tấn, bao gồm 70% tương đương 15.118 tấn tiêu đen và 30% hay 6.479 tấn tiêu trắng. Xuất khẩu hồ tiêu của Malaysia năm 2021 lên tới 7.451 tấn trong đó 6.037 tấn bao gồm tiêu nguyên hồ và 1.414 tấn tiêu xay.

Năm 2021, sản lượng hồ tiêu của Sri Lanka tăng 4% tăng so với năm 2020 ở mức 25.047 tấn. Năm 2021 chứng kiến ​​sự gia tăng đáng kể của xuất khẩu hồ tiêu của Sri Lanka. Ấn Độ là điểm đến chính của Sri Lanka. Quốc gia này đã nhập khẩu tổng cộng 4.800 tấn, chiếm tới 84% thị phần xuất khẩu hồ tiêu của Sri Lanka.

Trong khi đó, IPC vẫn đánh giá Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới. Việt Nam đã đóng góp tới 34% sản lượng hồ tiêu toàn cầu trong năm năm 2021. Trong năm 2021, Việt Nam được báo cáo đã sản xuất 180.000 tấn, giảm 25% so với năm trước. Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu tổng cộng 261.944 tấn hồ tiêu trị giá 997 triệu USD. Các điểm đến chính của hồ tiêu Việt Nam được báo cáo là Mỹ (23%), Trung Quốc chiếm 15%, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất 6%, Ấn Độ với 5% và Đức với 4%.

Thành Lâm