Giá thép tiếp đà giảm

Giá thép tiếp đà giảm

Đầu tháng 7, mỗi tấn thép giảm thêm 300.000 đồng, đưa mặt bằng giá chung của các thương hiệu sản xuất trong nước về dưới 17 triệu đồng.

Trong thông báo gửi tới khách hàng, Công ty thép Việt Đức cho biết, từ 1/7 giảm giá bán thép cây, thép cuộn 300.000 đồng một tấn. Giá này chưa gồm VAT và áp dụng tại thị trường miền Bắc, miền Trung. Sau điều chỉnh, mỗi tấn thép Việt Đức loại CB240 D6 có mức giá mới là 16,8 triệu đồng; loại D10 là 16,4 triệu đồng; còn D12 và D14 lần lượt 16,2-16,25 triệu đồng.

Công ty thép Thái Nguyên niêm yết giá từ 1/7 với thép cuộn CB240 D6, D8 ở mức 16,65 triệu đồng một tấn; thép D10 CB300 là 16,7 triệu đồng một tấn, cùng giảm 300.000 đồng so với cuối tháng 6.

Riêng giá thép Hoà Phát vẫn đang giữ ổn định sau đợt hạ 300.000 đồng mỗi tấn vào ngày 22/6. Hiện giá thép cuộn CB240 D6, D8 của thương hiệu này được các đại lý báo ở mức 16,9 triệu đồng một tấn; loại D10 là 16,5 triệu đồng và D12 ở mức 16,35 triệu đồng mỗi tấn.

Thương hiệu thép Việt Ý, thép cuộn CB240 cũng ổn định ở mức 16,7 triệu đồng một tấn, thép D10 CB300 là 16,85 triệu đồng một tấn. Như vậy, so với thời điểm tháng 6, mỗi tấn thép hiện nay hạ 300.000-600.000 đồng tùy loại và thương hiệu.

Sản phẩm thép vằn của Hoà Phát. Ảnh: Nguyễn Hoài

Sản phẩm thép vằn của Hoà Phát. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Nguyên nhân giá thép trong nước liên tục giảm trong hơn một tháng qua là do giá phôi thép, nguyên vật liệu sản xuất hạ trên thị trường thế giới, nhất là tại Trung Quốc. Chốt phiên giao dịch kỳ hạn tháng 10 trên sàn giao dịch Thượng Hải, giá thép giảm 12 nhân dân tệ, xuống mức 5.113 nhân dân tệ một tấn.

Ở trong nước, một số vùng đã bước vào mùa mưa, nên nhu cầu của mặt hàng vật liệu xây dựng, trong đó có thép chững lại.

Tuy nhiên, theo các nhà thầu xây dựng, giá đã hạ nhiệt nhưng thép trong nước vẫn ở mức cao. Lãnh đạo một doanh nghiệp xây dựng tại Hà Nội cho biết, các nhà thầu đã “dễ thở” hơn khi giá thép có dấu hiệu hạ nhiệt thời gian qua. Nhưng ngưỡng giá trên 16 triệu đồng hiện nay vẫn là cao, và biên lợi nhuận của doanh nghiệp trong các hợp đồng chào thầu rất mỏng do thép chiếm 20-30% trị giá mỗi công trình.

Nhiều dự báo xu hướng giảm giá thép sẽ không giữ lâu, thậm chí Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng có thể giá thép sẽ lập một mặt bằng giá mới. Và việc giá thép quay trở lại ngưỡng giá như trước khi có Covid-19 là điều khó xảy ra.

Để bình ổn giá mặt hàng này, VSA khuyến nghị các doanh nghiệp thép trong nước hạn chế xuất khẩu, tăng cung thép cuộn cán nóng, thép thô cho thị trường nội địa. Các doanh nghiệp thép trong nước nên tăng tối đa công suất, tổ chức lại hệ thống phân phối để ổn định nguồn cung trong nước. Giá thép cũng cần được doanh nghiệp kê khai, niêm yết phù hợp.

Về phía các nhà thầu xây dựng, hiệp hội này đề nghị nên đưa ra phương án kinh doanh, tính toán phù hợp nhằm giảm thiểu rủi ro do giá thép cao.

Ngoài ra, VSA khuyến nghị nhà chức trách cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thị trường để phòng ngừa các hiện tượng gian lận thương mại, đầu cơ tích trữ; cũng như duy trì biện pháp phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước và xây dựng chiến lược phát triển ngành thép Việt Nam…

5 tháng đầu năm, sản xuất và tiêu thụ thép các loại đều tăng khá mạnh, đạt gần 11,96 triệu tấn, tăng hơn 38% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu thép các loại gần 2,8 triệu tấn, tăng 80% so với 5 tháng năm 2020.

Anh Minh

Nguồn: https://vnexpress.net/gia-thep-tiep-da-giam-4303167.html