Giá dừa khô tăng gấp đôi sau giãn cách

Giá dừa khô tăng gấp đôi sau giãn cách

Bến Tre – Giá dừa khô hiện lên 120.000-130.000 đồng một chục, tăng gấp đôi so với thời điểm giãn cách xã hội.

Giữa trưa cuối tháng 10, thương lái đưa xe ba gác vào vườn của bà Trần Ngọc Diễm (xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm) thu mua dừa.

Bà Diễm trồng 5.000 m2 dừa đã hơn 20 năm, là nguồn thu nhập chính của gia đình. Từ tháng 7 đến tháng 9, Bến Tre phải giãn cách xã hội để phòng chống dịch khiến giá dừa khô giảm xuống còn 50.000-70.000 đồng một chục. Nhiều nơi thuộc địa bàn vùng sâu, xa, thương lái không đến mua được khiến nhà vườn mất thu nhập.

Sau khi Bến Tre trở lại bình thường mới, vườn dừa của bà Diễm mới có thương lái vào mua. Dừa khô được bán với giá 130.000 đồng một chục, dừa uống nước cũng từ 80.000 đến 90.000 đồng một chục.

Công nhân sơ chế dừa khô tại cơ sở thu mua, chế biến dừa ở Giồng Trôm. Ảnh: Hoàng Nam

Công nhân sơ chế dừa khô tại cơ sở thu mua, chế biến dừa ở Giồng Trôm. Ảnh: Hoàng Nam

“Một công dừa khoảng trên 100 trái, tính ra mỗi tháng một đợt tôi thu nhập trên 6 triệu đồng”, bà Diễm nói.

Ngoài ra, nhiều nhà vườn trồng dừa khác cũng đang vào mùa thu hoạch và cho biết đợt này thu nhập ổn định vì giá bán cao, dao động 120.000-130.000 đồng một chục.

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Bến Tre lý giải, giá dừa tăng cao trong những ngày gần đây do sau dịch, các nhà máy chế biến dừa hoạt động lại nên nhu cầu tiêu thụ cao.

“Ngoài ra, trái dừa Bến Tre đã xuất đi hơn 50 nước trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Mỹ, Nhật… đang thoát dần khỏi thị trường độc quyền từ Trung Quốc”, ông Đức nói.

Cũng theo Phó giám đốc Sở này, hiện các doanh nghiệp tại tỉnh chuyển dần từ xuất khẩu sản phẩm thô sang những sản phẩm cao cấp, có giá trị kinh tế nên giá trị trái dừa cũng theo đó được nâng tầm hơn.

Bến Tre hiện có trên 74.000 ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước. Khoảng 800.000 dân trong tỉnh (1,3 triệu dân) dựa vào thu nhập từ cây dừa để ổn định kinh tế gia đình.

Hồi giữa tháng 7, khi tỉnh mới áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, các cơ sở chế biến dừa ngưng hoạt động, khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Giồng Trôm và Mỏ Cày Nam là hai huyện có diện tích dừa lớn nhất tỉnh, mỗi huyện khoảng 17.000 ha, bị tồn đọng hàng chục triệu trái dừa. Tỉnh sau đó phải chỉ đạo địa phương lập đội cơ động được cấp “thẻ xanh”, test nhanh âm tính thu mua dừa cho nông dân.

Hoàng Nam

Nguồn: https://vnexpress.net/gia-dua-kho-tang-gap-doi-sau-gian-cach-4378707.html