Giá dầu lao dốc thẳng đứng

Giá dầu lao dốc thẳng đứng

“Một thùng dầu rẻ hơn một cuộn giấy vệ sinh”. Đó là dòng tít trang mạng Daily Wire (Mỹ) đặt để nói về việc giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ đi vào lịch sử thế giới khi giảm xuống mức âm 37,63 USD/thùng trong phiên giao dịch ngày 20-4 (rạng sáng 21-4, giờ Việt Nam). 

Mất cân bằng cung – cầu khiến giá dầu sụt giảm thê thảm

Chỉ một tuần trước, giá dầu thô WTI trên sàn New York vẫn ở mức 18,27 USD/thùng nhưng đã giảm không phanh.

Vô giá trị

Tờ Finacial Times (FT) cho biết, một trong những nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc thê thảm là do hợp đồng giao hàng tháng 5-2020 đáo hạn vào ngày 21-4, các nhà đầu tư phải bán tống bán tháo, tạo áp lực lên giá “vàng đen”. Trong khi đó, có rất ít khách hàng mua dầu WTI giao tháng 5 vì không ai muốn nhận dầu vào lúc này khi mà nhu cầu về dầu đang sụt giảm trên toàn cầu vì đại dịch Covid-19. Lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại áp đặt tại nhiều nước trên thế giới nhằm chống sự lây nhiễm của dịch bệnh khiến dầu thô “ế ẩm”.

Cùng với việc bán tháo trên thị trường, giá dầu giảm sâu do thị trường dầu mỏ tại Mỹ đang dư thừa. New York Times (NYT) cho hay, thế giới có khả năng trữ 6,8 tỷ thùng dầu và hiện 60% không gian đã được lấp đầy. Theo Ann-Louise Hittle, chuyên gia Công ty Tư vấn Wood Mackenzie (Anh), tình trạng dư thừa dầu có thể thấy rõ nhất tại Cushing, bang Oklahoma, trung tâm của mạng lưới đường ống dầu Mỹ đã đầy khoảng 72% kể từ ngày 10-4. Trong khi đó, hàng trăm triệu thùng dầu bị đẩy vào các kho chứa trên toàn thế giới. Một số nhà buôn thậm chí phải thuê tàu neo đậu chỉ để chứa dầu thừa. Hiện vẫn còn lượng dầu kỷ lục, ước tính 160 triệu thùng đang nằm trong két chứa trên toàn cầu. Bob Yawger, Giám đốc bộ phận thị trường năng lượng của Tập đoàn Tài chính Ngân hàng Mizuho ở New York, nói: “Không còn dung lượng lưu trữ khả dụng nữa nên giá của hàng hóa này vô giá trị. Vì vậy, khi giá âm 1USD, họ sẽ trả cho bạn 1USD để đưa nó ra khỏi đó”.

Cũng theo tờ NYT, giá dầu WTI giao tháng 5 lao dốc còn phản ảnh lo ngại về lượng cung dư thừa sắp xuất hiện. Đó là dầu xuất đi từ các quốc gia OPEC như Saudi Arabia từ tháng 3. Hệ quả từ tình trạng dư cung trên thị trường toàn cầu đang là yếu tố gây áp lực lớn cho giá dầu. Mặc dù các nước sản xuất dầu (OPEC+) đã ký thỏa thuận giảm sản lượng khai thác nhưng mức giảm đó không kịp để tránh bế tắc trong vài tuần tới. Ông Stephen Innes, nhà chiến lược hàng đầu về thị trường toàn cầu của Công ty AxiCorp (Australia), nhấn mạnh: “Không mất nhiều thời gian để thị trường nhận ra rằng thỏa thuận của nhóm OPEC+, ở dạng thức hiện nay, sẽ không đủ để cân bằng các thị trường dầu mỏ”.

Khả năng phá sản hàng loạt

Sau khi rơi xuống mức giá thấp lịch sử, giá dầu ngọt nhẹ WTI trong phiên mở cửa đầu ngày 21-4 tại thị trường New York giao tháng 5-2020 bất ngờ tăng trở lại, lên mức 1,1 USD/thùng. Tuy nhiên, các nhà buôn không mấy mặn mà bởi họ tập trung nhiều hơn vào hợp đồng giao tháng 6-2020, với khối lượng giao dịch cao hơn gấp 30 lần khi giá dầu đã lên tới hơn 21 USD/thùng sau khi dừng ở mức gần 20,43 USD/thùng tại New York. Trong khi đó, dầu thô Brent biển Bắc giao tháng 6 được giao dịch ở mức 25,61 USD/thùng, tăng 0,15%.

Câu hỏi được quan tâm lúc này là giá dầu WTI của Mỹ trong thời gian tới sẽ ra sao? Theo tờ FT, trong những tuần tới, rất nhiều vùng, khu vực của Mỹ tiếp tục trong tình trạng hạn chế đi lại. Trong khi đó, sản xuất trong nước dự kiến giảm mạnh (có thể hơn 10%). Dù giá dầu WTI giao tháng 6 được dự báo trên 20USD/thùng nhưng ký ức về phiên giao dịch ngày 20-4 sẽ khó phai mờ nhanh chóng, ảnh hưởng đến tâm lý các nhà buôn. Trong khi đó, nguồn cung trên toàn cầu vẫn còn rất lớn so với nhu cầu của thế giới tại thời điểm hiện nay. Vì vậy, một cú bật cho giá dầu WTI có lẽ chưa thể có trong một sớm, một chiều.

Nếu giá dầu ở mức thấp như hiện nay, rất nhiều công ty sản xuất trong lĩnh vực này của Mỹ phải đối mặt với nguy cơ phá sản. Công ty nghiên cứu thị trường Rystad Energy cho biết, nếu giá dầu ở mức 20 USD/thùng, tính đến cuối năm 2021, sẽ có 533 công ty sản xuất và khai thác dầu mỏ của Mỹ phải đệ đơn xin phá sản. Trong trường hợp giá dầu duy trì ở mức 10USD/thùng, hơn 1.100 công ty sẽ phải phá sản. 

Giá dầu thô Mỹ xuống mức thấp kỷ lục đã đưa giới đầu tư tìm đến sự an toàn từ vàng. Đêm 20-4 (theo giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,5% lên 1.692,26USD/ounce, sau khi có thời điểm giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 9-4 là 1.670,55USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn cũng tăng 0,7% và khép phiên ở mức 1.711,20USD/ounce.

ĐỖ CAO tổng hợp

Theo sggp.org.vn

Trả lời