Gà thải loại nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ, chất lượng ra sao?

Gà thải loại nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam với giá rẻ, chất lượng ra sao?

(VietQ.vn) – Gà thải loại nhập khẩu vào Việt Nam gia tăng khiến cho cung vượt cầu. Đồng thời làm thị trường cạnh tranh trong nước gặp nhiều khó khăn cần kiểm soát chặt chẽ sản phẩm không đáp ứng an toàn thực phẩm.

Gà thải loại nhập khẩu vào Việt Nam với giá rẻ tăng cao

Theo số liệu của Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) giai đoạn từ năm 2018 – 2022, chăn nuôi gia cầm từ 435,9 triệu con năm 2018 lên 557,3 triệu con vào năm 2022. Tốc độ tăng trưởng bình quân là 6,3%/năm.

Trong quý I/2023, chăn nuôi gia cầm trên cả nước phát triển ổn định. Đàn gia cầm ước khoảng 551,4 triệu con, tăng 2,4%; sản lượng thịt gia cầm ước đạt 563.000 tấn, tăng 4,2%; trứng ước đạt 4,7 tỷ quả, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức tiêu thụ yếu, tổng cung đang vượt tổng cầu, tỷ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp chăn nuôi lại rất thấp, song khó khăn vẫn chưa dừng lại, doanh nghiệp trong nước còn phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ.

Theo số liệu của Hiệp hội Gia cầm Việt Nam (VIPA), lượng sản phẩm gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam liên tục gia tăng trong những năm qua, 2021 nhập 225.000 tấn thịt gà đông lạnh, năm 2022 nhập 246.000 tấn, quý I/2023 nhập gần 51.000 tấn, chiếm khoảng 25% nguồn cung thịt gà, gây áp lực rất lớn cho thị trường tiêu thụ trong nước.

 Gà thải loại nhập khẩu vào Việt Nam khiến cho cung vượt cầu làm thị trường cạnh tranh trong nước gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Zing

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch VIPA cảnh báo hiện nay đã ghi nhận tình trạng gà loại thải của Thái Lan “đi bộ” vào Việt Nam với số lượng khá lớn, chưa kể gà dai Hàn Quốc về Việt Nam cũng rất nhiều, có những quý nhập cả da gà, cổ, cánh, chân – những sản phẩm mà người nước ngoài không tiêu thụ nhiều. Điều này khiến việc tiêu thụ các sản phẩm gia cầm rất bấp bênh, gà trắng nuôi 40-52 ngày hay gà lông màu khoảng 70-90 ngày phải kéo dài lên 110 ngày, chuyển thành gà đẻ trứng.

“Nếu tình trạng này kéo dài, cả doanh nghiệp nội địa và nông dân sẽ rơi vào cảnh càng nuôi càng lỗ, thiếu vốn và có nguy cơ dừng sản xuất. Ngay cả những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) như CP, De Heus cũng rất mệt mỏi vì phải cạnh tranh với hàng nhập khẩu”, Chủ tịch VIPA nói.

Liên quan tới vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Ngọc- Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi tỉnh Đồng Nai, đặt vấn đề: ” Vì sao các loại gà dai nhập khẩu bán trên thị trường lại có giá rẻ như vậy mà không nước nào ăn, và vì sao chúng ta lại đàm phán nhập về cho dân mình ăn? Tôi xin khẳng định 100% các loại gà dai, gà bọng hay gà không đầu đều là sản phẩm gà thải loại. Ai làm trong ngành chăn nuôi cũng biết, các sản phẩm này thường tồn dư nhiều loại kháng sinh, chất lượng sản phẩm rất kém”.

Theo ông Ngọc, không chỉ có gà thải loại nêu trên mà thị trường Việt Nam còn nhập nhiều sản phẩm thải loại khác của quá trình giết mổ như: nội tạng, da, xương động vật… mà số liệu thống kê của ngành hải quan liệt vào danh mục phụ phẩm giết mổ dạng thịt. Về mặt từ ngữ, chẳng có chữ nào là sản phẩm thải loại cả nên nếu nói “không có sản phẩm thải loại nhập khẩu” cũng không có gì sai. Nhưng bản chất thì hoàn toàn khác. Những sản phẩm này nếu đứng ở góc độ của các nước xuất khẩu thì đều là hàng phụ, phế phẩm và thải loại và họ thường phải tốn chi phí để xử lý thành dạng đạm hỗn hợp.

“Đây không phải là vấn đề mới đã lên tiếng nhiều năm nay nhưng vẫn tồn tại vì sao? Vì đó là ngành kinh doanh siêu lợi nhuận. Để chấm dứt tình trạng “hốt đồ bỏ” về bán thì cần có chính sách của nhà nước và tập dần cho dân mình tiêu thụ những thực phẩm lành mạnh, tốt cho sức khỏe”, ông Ngọc kiến nghị.

Cần có các biện pháp kỹ thuật đủ mạnh để hạn chế nhập khẩu thịt gà đông lạnh, gà đẻ loại nguyên con đông lạnh

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Huy, Phó tổng giám đốc Công ty chăn nuôi C.P Việt Nam cũng nhận định, lượng gà đẻ đã thải loại (hay còn gọi là gà dai) nhập khẩu, gà đông lạnh từ nước ngoài nhập vào cũng góp phần khiến thị trường cạnh tranh thêm khó khăn. Nhất là trong bối cảnh sức tiêu thụ lớn nhất là các bếp ăn tập thể, công ty, xí nghiệp, nhà máy lại giảm nghiêm trọng. Điều này khiến cung đang vượt cầu.

Thực tế thì sản phẩm gà đông lạnh nhập khẩu đang tràn ngập thị trường. Chỉ cần gõ từ khóa “gà đông lạnh” thì lập tức xuất hiện hàng trăm địa chỉ cung cấp, giao hàng tận nơi với rất nhiều sản phẩm đã sơ chế, đóng gói sẵn như cánh gà, chân gà, đùi gà… Thậm chí trên các trang bán hàng điện tử trực tuyến xuất hiện phổ biến các loại gà dai nguyên con xuất xứ từ nhiều nước như Brazil, Hàn Quốc… với giá cực kỳ rẻ. Với vài thao tác nhập thông tin, đơn hàng mua gà nhập khẩu sẽ được chuyển sang bộ phận shipper và gửi đến cho khách hết sức nhanh chóng.

Tại cuộc họp mới đây về tình hình chăn nuôi, ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Việt Nam (VIPA), phản ánh: “Trong 5 năm gần đây, sản lượng thịt gia cầm nhập khẩu hằng năm tăng liên tục (trên 15%/năm), chiếm từ 20 – 25% tổng sản lượng thịt gà tiêu thụ trong nước. Bên cạnh các sản phẩm thịt gà nhập khẩu chính ngạch, một khối lượng lớn gà sống thải loại ước khoảng 200.000 – 250.000 tấn/năm được nhập tiểu ngạch, nhập lậu qua biên giới. Chưa kể đến việc đang có rất nhiều sản phẩm dùng làm thức ăn cho chăn nuôi như chân, đầu, cổ, cánh, lòng mề gia súc, gia cầm, thậm chí sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm… nhưng vẫn được tuồn vào thị trường Việt Nam làm thực phẩm cho con người. Nếu không kiểm soát tình trạng này thì sản xuất trong nước sẽ vô cùng bất ổn”. 

Trước nguy cơ thịt gà nhập khẩu lấn lướt hàng trong nước, đại diện VIPA đề nghị Bộ NN&PTNT và các cơ quan cần có các biện pháp kỹ thuật đủ mạnh để hạn chế nhập khẩu thịt gà đông lạnh, gà đẻ loại nguyên con đông lạnh, đồng thời kiểm soát tình trạng nhập lậu gà sống qua biên giới, tình trạng tạm nhập tái xuất các sản phẩm gia cầm.

Về vấn đề này ông Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng cần tăng cường biện pháp kiểm soát các sản phẩm gia cầm nhập khẩu, đặc biệt là các sản phẩm không đáp ứng được yêu cầu an toàn thực phẩm.

“Dù phải tuân thủ đầy đủ quy định của các hiệp định tự do thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể xây dựng các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chặt chẽ sản phẩm gia cầm không đáp ứng an toàn thực phẩm và có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân”, ông Chinh nói.

Liên quan tới tình hình nhập khẩu gà thải loại gia tăng trong thời gian gần đây, Bộ NN-PTNT vừa có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh, TP đề nghị tăng cường kiểm soát vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới.

Bộ NN-PTNT cho biết, theo phản ánh của các cơ quan truyền thông và người dân, thời gian qua tình trạng vận chuyển, buôn bán trái phép gia cầm, sản phẩm gia cầm qua biên giới vào Việt Nam tiếp tục diễn ra khá phổ biến, phức tạp, đặc biệt là tại các tỉnh miền Trung và miền Nam. Tình trạng này dẫn đến nguy cơ rất cao các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài vào Việt Nam. Từ đó gây ra các ổ dịch bệnh động vật, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành chăn nuôi gia cầm, sức khỏe người dân. Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ Công an chỉ đạo lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới.

Bộ cũng đề nghị lực lượng công an phối hợp lực lượng chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ NN-PTNT và chính quyền các địa phương trong việc ngăn chặn nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm trên tuyến biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở và tuyến biển. Trường hợp bắt được các lô hàng gia cầm, sản phẩm gia cầm vận chuyển bất hợp pháp thì phải tiêu hủy ngay và có các biện pháp xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu gia cầm và sản phẩm gia cầm qua biên giới.

An Dương (T/h)

Nguồn: https://vietq.vn/ga-thai-loai-nhap-khau-vao-viet-nam-voi-gia-re-chat-luong-ra-sao-d210555.html