Đồng bằng sông Cửu Long: Cá tra bị thiệt hại kép

Đồng bằng sông Cửu Long: Cá tra bị thiệt hại kép

SGGP 
Liên tục những ngày qua, nhiều hộ nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra rơi vào cảnh khó khăn khi giá cá sụt giảm mạnh, thị trường xuất khẩu bị tồn đọng do ảnh hưởng dịch Covid-19.

Nhiều diện tích nuôi cá tra ở huyện Châu Thành, tỉnh An Giang quá kỳ thu hoạch nhưng khó bán bởi giá thấp

Hiện nay, cá tra nguyên liệu quá ngày thu hoạch tồn đọng tăng nhưng rất khó bán; cộng với hạn mặn ở ĐBSCL vào giai đoạn đỉnh điểm khiến nhiều ao cá tra bị bệnh.  

Người nuôi lỗ nặng

Cả tháng nay, nhiều hộ nuôi cá tra ở ĐBSCL chạy đôn chạy đáo tìm nơi bán cá bởi giá càng lúc càng sụt nhưng tiêu thụ rất khó khăn. Ông Lê Quang Vinh, nuôi 2ha cá ở xã Vĩnh Hanh, huyện Châu Thành (An Giang) than thở: “Thông thường cá tra khoảng 0,8 – 1kg/con là thu hoạch bán cho các nhà máy chế biến xuất khẩu. Thế nhưng, 2ha cá của gia đình tôi nuôi kéo dài hơn 10 tháng nay, khiến cá quá lứa tới 1,8kg/con mà kêu bán mãi chẳng được. Chạy khắp nơi mới có nhà máy vừa chịu mua với giá 17.700 – 18.000 đồng/kg, nhưng áp dụng mua nợ (mua thiếu) đến 3 tháng mới thanh toán tiền. Tính ra lỗ bình quân 5.000 – 6.500 đồng/kg”.

Cùng cảnh ngộ trên, ông Nguyễn Văn Tấn (huyện Châu Phú, tỉnh An Giang) chỉ ao cá tra vừa bán cách đây không lâu, cho biết: “Hơn 260 tấn cá tra được nhà máy mua với giá 18.300 đồng/kg, tính ra thua lỗ hơn 1,3 tỷ đồng. Theo Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang, mỗi năm toàn tỉnh thả nuôi khoảng 1.226ha cá tra, sản lượng 430.000 tấn. Từ đầu năm 2020 đến nay, các huyện nuôi gần 930ha cá tra, thế nhưng giá cá quá thấp gây bất lợi cho bà con. 

Tại Đồng Tháp, Vĩnh Long… nhiều hộ nuôi cá như ngồi trên lửa khi chứng kiến giá cá ảm đạm. Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc HTX Sản xuất, dịch vụ thủy sản Châu Thành (Đồng Tháp), lo lắng: “Hiện tại, nếu là cá đẹp, doanh nghiệp chỉ mua khoảng 18.500 – 19.000 đồng/kg trở lại, trong khi giá thành nuôi không dưới 22.000 đồng/kg; tuy nhiên đa phần không trả tiền mặt, mà nợ vài tháng. Như vậy, người nuôi thiệt trăm bề…”. 

Cùng với giá giảm và khó tiêu thụ thì nhiều hộ nuôi cá tra ở Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang… còn đối mặt với xâm nhập mặn tấn công gây bất lợi cho cá tra. Ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang), chia sẻ: “Mặn năm nay về sớm, kéo dài và duy trì mức cao. Nhiều con sông ở Bến Tre, Trà Vinh và Tiền Giang có độ mặn từ 4‰ – 25‰ khiến cá tra bị tuột nhớt, bỏ ăn, nổ mắt… chết khá nhiều. Người nuôi dù biết nhưng rất khó phòng tránh, do các ao nuôi cá tra cần phải thay nước ngọt mỗi ngày để tránh ô nhiễm; trong khi ngoài sông toàn là nước mặn. Vì vậy, khi bơm vào là cá bị ảnh hưởng…”.

Cá tra quá kỳ thu hoạch nhưng khó bán vì giá thấp
UBND tỉnh Bến Tre cho hay, nước mặn tấn công làm 22ha nuôi cá tra ở xã Thạnh Phú Đông (huyện Giồng Trôm) bị thiệt hại 3% – 4%; ngoài ra, còn có 214ha cá tra ở huyện Mỏ Cày Nam và Giồng Trôm bị ảnh hưởng.

Đồng loạt nhiều giải pháp tháo gỡ

Ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cho biết: Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra của cả nước đạt hơn 2 tỷ USD, giảm 11,4% so cùng kỳ; nguyên nhân là diện tích nuôi ở ĐBSCL tăng, nhưng thị trường xuất khẩu khó khăn dẫn đến giá trị giảm. Từ đầu năm 2020 đến nay xuất khẩu cá tra đối mặt với thách thức mới khi dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nước trên thế giới. Dịch diễn biến phức tạp ở nhiều nước châu Âu, châu Á… đã làm tăng thêm cái khó cho đầu ra cá tra trong thời gian tới và nếu chúng ta không nhanh chóng có giải pháp hợp lý, hiệu quả thì mục tiêu xuất khẩu cá tra khoảng 2,2 tỷ USD của năm 2020 sẽ khó đạt. 

Ông Nguyễn Duy Nhứt, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nam Việt (An Giang), cho rằng: “Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đang bị giảm sản lượng 30%- 40%; từ đó khiến việc tồn kho rất nhiều, tốn kém thêm chi phí bảo quản, chôn dòng vốn hoạt động, kinh doanh không hiệu quả… Khó khăn tứ phía đang vây các doanh nghiệp cá tra. Cùng với giải pháp thị trường thì ngành chức năng cần triển khai ngay việc xem xét giảm thuế, miễn thuế cho doanh nghiệp xuất khẩu cá tra; đơn giản các thủ tục hành chính, không áp dụng kiểm tra hoạt động thời điểm này; nhất là kéo giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội… Các ngân hàng nghiên cứu giảm nợ, khoanh nợ, giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn cùng doanh nghiệp xuất khẩu…”.

Hàng loạt thách thức đang đối mặt, nhưng nhiều doanh nghiệp ở ĐBSCL vẫn duy trì hoạt động nhằm đảm bảo việc làm cho công nhân lao động; đồng thời khẳng định kinh nghiệm, bản lĩnh vượt khó của ngành cá tra Việt Nam. Vấn đề là cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, cùng sự vào cuộc quyết liệt của các hiệp hội, các ngành chức năng và sự trợ lực về cơ chế, chính sách, vốn… kịp thời giúp ngành cá tra sớm ổn định sản xuất và xuất khẩu.

Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, một điểm cần lưu ý là kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Hoa Kỳ tháng 1-2020 đạt hơn 18,1 triệu USD, dù giảm 55% so cùng kỳ, nhưng lại chiếm tỷ lệ 17,8% về tổng giá trị, cao nhất so với các thị trường khác. Song, không thể trông chờ quá nhiều vào Hoa Kỳ, mà chúng ta cần cấp bách thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm nỗ lực duy trì các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường mới trong điều kiện cho phép, kể cả gia tăng ở thị trường nội địa. 

HUỲNH LỢI

Theo sggp.org.vn

Trả lời