Nông - Lâm - Thủy sản, Thị trường và giá cả, Thông tin
Doanh nghiệp xuất khẩu liên tục sập ‘bẫy lừa’
Doanh nghiệp xuất khẩu liên tục sập ‘bẫy lừa’
Lợi dụng việc doanh nghiệp (DN) Việt xuất khẩu còn để xảy ra sơ hở, nhiều đối tượng ở nước ngoài đã lừa đảo chiếm đoạt hàng và tiền.
Các đối tượng ở nước ngoài vòng vo tạo ra bẫy lừa khá tinh vi nên nhiều DN đã thành nạn nhân và bị thiệt hại lớn.
Liên tục cảnh báo
Mới đây, Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Maroc khẩn cấp cảnh báo các DN xuất khẩu Việt tuyệt đối tránh giao dịch với đối tượng nhập khẩu lừa đảo có tên trực tiếp giao dịch là Khalid, tên công ty là KN Universe Plastic.
Cụ thể, đối tượng trên đã lừa đảo một DN xuất khẩu nhựa nguyên liệu của Việt Nam bằng cách thông báo có người nhà mắc COVID-19 nên sẽ thanh toán sau để câu giờ, đồng thời cấu kết với các đối tượng có liên quan thông quan lô hàng nhưng không thanh toán, lảng tránh mọi liên hệ.
Ngay khi nhận được thông tin, Thương vụ Việt Nam tại Maroc đã cùng DN trao đổi, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ nhằm xử lý vụ việc và hạn chế rủi ro. Tuy nhiên, theo thông tin từ hãng tàu, đối tượng Khalid và KN Universe Plastic đã thông quan trộm lô hàng từ ngày 29/1/2022.
Theo hợp đồng ban đầu, điều kiện giao hàng là CIF Colombo (giao hàng tại cảng Colombo), điều kiện thanh toán là D/P 100% (nhờ thu tiền kèm chứng từ).
Sau khi giao hàng và hoàn thành bộ chứng từ của lô hàng đầu tiên, bên mua lấy lý do phí thanh toán D/P qua ngân hàng cao, yêu cầu đổi sang phương thức thanh toán T/T (chuyển tiền bằng điện).
“Đối tác cho hay, lô hàng phải được hải quan Colombo kiểm hóa và xin giấy phép nhập khẩu, yêu cầu DN Việt gửi trước 1/3 vận đơn gốc để thực hiện các thủ tục trên và cam kết sau khi xin được giấy phép sẽ thanh toán đầy đủ tiền hàng để DN Việt gửi toàn bộ các chứng từ gốc còn lại. Tuy nhiên, khi chúng tôi gửi 1/3 vận đơn gốc thì 2 lô hàng đã “không cánh mà bay”, đối tác mua hàng cũng bặt vô âm tín” – đại diện DN cho biết.
Tình trạng lừa đảo không chỉ xảy ra phổ biến ở những thị trường tiềm năng như Hoa Kỳ, Canada, Các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất…
Cụ thể, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Việt Nam tại New York (Hoa Kỳ) cảnh báo, đã có một số DN Việt bị thiệt hại trong việc thực hiện hợp đồng thương mại với đối tác tại thị trường Hoa Kỳ, chủ yếu do bị lừa, hoặc đối tác phá sản, không có khả năng thanh toán.
Thương vụ Việt Nam tại các Tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE) cũng khuyến cáo về hành vi lừa đảo, gian lận thương mại của một số DN có trụ sở tại quốc gia này.
Cụ thể, trong đại dịch COVID-19, Thương vụ, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE liên tục tiếp nhận, phát hiện và xử lý nhiều trường hợp DN Việt nhận được lời mời chào bán, mua hàng, ký kết hợp đồng giao dịch thương mại có dấu hiệu lừa đảo, gian lận từ một số DN có trụ sở tại UAE. Trong đó, một số hình thức lừa đảo phổ biến như: giao hàng không trả tiền; làm giả giấy tờ, thậm chí là giấy tờ ngân hàng để lấy hàng, “cài” người lấy chứng từ xuất khẩu…
Nhắc lại vụ lừa đảo 35 container điều bị mất quyền kiểm soát tại thị trường Ý, ông Bạch Khánh Nhựt, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) nhìn nhận, đây là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo lớn nhất trong lịch sử ngành điều, cũng như lĩnh vực xuất khẩu nông sản từ trước đến nay.
Theo ông Nhựt, trên thương trường vẫn xuất hiện kiểu lừa đảo nhưng đơn lẻ, không đồng loạt như lần này. Nếu bị mất hàng thì DN thiệt hại không nhỏ.
Đừng ra biển lớn bằng… thuyền nhỏ
“Vua hồ tiêu” Phan Minh Thông, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sinh cho biết, cách đây nhiều năm, Phúc Sinh suýt bị lừa lô hàng hồ tiêu trị giá hơn 3 triệu USD.
“Khi đó, đối tác đề nghị mua số lượng lớn hạt tiêu rồi liên tục thúc giục cung cấp mã vận đơn. Cách xử lý của chúng tôi là không cấp số vận đơn bộ chứng từ cho đối tác, đồng thời đàm phán để khách hàng đặt cọc 10% giá trị lô hàng”, ông Thông cho biết.
Đến nay, với nhiều năm xuất khẩu, kinh nghiệm của Phúc Sinh là khi gặp khách hàng tương tự (lần đầu mua hàng, giá trị lô hàng lớn, khi đàm phán hợp đồng phát sinh vấn đề) thì lập tức đặt vé máy bay để đến gặp trực tiếp trao đổi với họ.
Có kinh nghiệm xuất khẩu trái cây sang các thị trường khó tính, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty XNK Vina T&T cho rằng, xuất hàng bằng đường biển rủi ro xảy ra ở bất kỳ khâu nào nếu không tính toán kỹ. Do đó, cần tìm hiểu kỹ về lịch sử kinh doanh của đối tác mới và có những quy định ràng buộc nhất định, tùy từng trường hợp.
Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, “lỗ hổng” thương mại đối với các DN xuất khẩu đó là khi kết nối với đối tác nước ngoài, hầu hết các DN chưa thực sự hiểu hết bạn hàng, đặc biệt là các hợp đồng, giao dịch mua bán thông qua thương mại điện tử.
Ngoài ra, DN thiếu hệ thống thông tin cảnh báo nên rất dễ bị đối tác nước ngoài “cài bẫy” trong quá trình thanh toán. Thực tế, DN vẫn dễ dàng tin tưởng đối tác trong khi mối liên hệ, tính liên kết giữa DN với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở các nước sở tại còn nhiều hạn chế.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam cho rằng, Việt Nam đang tham gia vào 17 FTA, mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng một khi khi sân chơi ngày càng lớn thì cũng là lúc DN Việt đối mặt với những rủi ro với nhiều hình thức tinh vi và đa dạng hơn.
“Một trong những nguyên nhân khiến DN dễ “sập bẫy” do DN nóng vội và không bài bản, không nắm được pháp lý khi giao dịch với đối tác ở nước sở tại. Nhiều DN gửi đơn đến tôi và cho rằng bị lừa, nhưng khi tôi xem kỹ hợp đồng thì không hoàn toàn như vậy. Nói thẳng ra là một phần lỗi thuộc về DN Việt, họ quá ngây thơ và không hiểu luật với thương trường quốc tế. Đây là bài học với các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Chúng ta “đừng ra biển lớn bằng thuyền nhỏ” – Luật sư Hậu nhấn mạnh.
Theo Luật sư Hậu, để tránh rủi ro, không còn cách nào khác là DN cần hoạt động chuyên nghiệp, đổi mới tư duy quản trị; bởi nếu không, tình trạng bị lừa còn xảy ra dài dài.
Theo Trung tâm Trọng tài thương mại Việt Nam (VIAC), chỉ trong năm 2021 đơn vị này tiếp nhận, thụ lý 270 vụ tranh chấp mới trong đó, số vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài chiếm 18%, tranh chấp có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài chiếm 39% và tranh chấp trong nước chiếm 43%. Lĩnh vực phát sinh tranh chấp nhiều nhất là mua bán hàng hóa với hơn 44%. Tiếp đến là tranh chấp trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, chiếm 28%. |