Doanh nghiệp thiếu lao động phổ thông

Doanh nghiệp thiếu lao động phổ thông

(KGO) – Nhiều doanh nghiệp ngành giày da, thủy sản, may mặc ở Kiên Giang đang cần hàng ngàn người lao động phổ thông để mở rộng sản xuất kịp tiến độ thực hiện các đơn hàng đã ký kết với các đối tác. Dù các doanh nghiệp đưa ra mức tiền công cao cùng phúc lợi hấp dẫn, nhưng chưa thể tuyển đủ số lượng người cần thiết.

Tại khu công nghiệp Thạnh Lộc (Châu Thành), Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang đang tuyển dụng khoảng 1.000 người lao động phổ thông, 40 cán bộ quản lý sản xuất, 10 nhân viên văn phòng nhằm phục vụ nhu cầu mở rộng sản xuất, thực hiện các đơn hàng mới ký kết với khách hàng.

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang Nguyễn Văn Tuấn cho biết: “Công ty đang trong giai đoạn mở rộng sản xuất do liên tục nhận được các đơn hàng lớn từ khách hàng mới. Chúng tôi đưa ra mức thu nhập khá hấp dẫn từ 6,5 – 10 triệu đồng/tháng trở lên cùng các chế độ như bảo hiểm, phụ cấp, khám sức khỏe định kỳ hàng năm nhưng vẫn chưa tuyển đủ số lượng người lao động cần”.

100808z6468700520173_3af14193b8c95383758ced0ee1cc256a

Sản xuất giày da tại Công ty Cổ phần Thái Bình Kiên Giang.

Công ty Hwaseung Rạch Giá với quy mô sản xuất lớn, chuyên sản xuất giày thể thao phục vụ xuất khẩu đang cần tuyển 2.000 người lao động phổ thông để đáp ứng đúng tiến độ giao hàng theo cam kết với khách hàng quốc tế. Người lao động mới vào công ty ngoài hưởng mức lương từ 5,7 – 6,75 triệu đồng/tháng còn được hưởng nhiều chế độ phúc lợi khác như khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ, tết. Tuy nhiên, công ty vẫn gặp nhiều khó khăn nên chưa tuyển được đủ số lượng lớn người lao động đang cần.

Tại khu cảng cá Tắc Cậu (Châu Thành), Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường cần tuyển khoảng 300 công nhân chế biến thủy sản, ưu tiên nữ có tay nghề chế biến mực. Công nhân vào làm việc sẽ hưởng mức lương từ 10 – 12 triệu đồng/tháng, kèm theo chế độ miễn phí tiền cơm, thưởng chuyên cần, thưởng lễ, tết và bảo hiểm đầy đủ. Theo ông Nguyễn Quang Minh – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản xuất nhập khẩu Kiên Cường, hiện công ty chưa tuyển đủ số lượng công nhân mong muốn. Tình trạng công nhân “nhảy việc” ở ngành này rất phổ biến. Việc cạnh tranh trong tuyển dụng lao động ngày càng gay gắt.

Ở lĩnh vực may mặc, Nhà máy may Vinatex Kiên Giang (Gò Quao) liên tục thông báo tuyển dụng thêm khoảng 100 người lao động nhằm đáp ứng các đơn hàng xuất khẩu đã ký kết. Giám đốc Nhà máy may Vinatex Kiên Giang Nguyễn Văn Sáng cho biết công ty hiện có 650 người lao động. Sau Tết Nguyên đán năm 2025, công ty ký được đơn hàng mới nên cần tuyển thêm người lao động.

“Nhà máy đưa ra nhiều chính sách như hỗ trợ người lao động khám sức khỏe định kỳ 2 lần/năm; hỗ trợ nuôi con nhỏ; phụ cấp chuyên cần, xăng xe; thưởng theo năng suất, chất lượng; thưởng lễ, tết; chế độ bảo hiểm đầy đủ… Mặc dù chúng tôi đăng rõ nội dung tuyển dụng luôn cả những người lao động chưa có tay nghề sẽ được đào tạo sau tuyển dụng, nhưng vẫn chưa tuyển đủ người cần thiết”, ông Sáng nói.

083737Doanh nghiep khat lao dong

Công nhân Nhà máy may Vinatex Kiên Giang (Gò Quao) kiểm tra chất lượng sản phẩm cuối chuyền.

Hiện các doanh nghiệp đang đau đầu với bài toán tìm đủ số lượng người lao động cần thiết, trong khi đơn hàng mới đã ký kết. Theo tìm hiểu, nhiều người lao động lo ngại việc làm để đáp ứng các đơn hàng mang tính thời vụ sẽ không bền vững nên chưa nộp đơn xin việc ở các doanh nghiệp. Nhiều người muốn tìm việc làm ổn định với thu nhập phù hợp và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hơn. Bên cạnh đó, không ít công nhân khi thấy doanh nghiệp khác tăng lương, thưởng để giải quyết đơn hàng ngắn hạn thì lại “nhảy” sang doanh nghiệp đó, khiến nguồn lao động phổ thông ở một số doanh nghiệp thiếu ổn định, ảnh hướng đến việc thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Trước thực trạng trên, bài toán về nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh bền vững gắn với xây dựng một thị trường lao động ổn định, lành mạnh đang đặt ra không chỉ đối với doanh nghiệp mà còn ở người lao động cùng với chính quyền địa phương, ngành chức năng…

Kiên Giang hiện có gần 12.500 doanh nghiệp hoạt động, với tổng vốn đăng ký hơn 214.500 tỷ đồng, hoạt động các ngành như giày da, may mặc, khai khoáng, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến, xây dựng, vận tải, du lịch, bán buôn, bán lẻ, dịch vụ nông, lâm nghiệp và thủy sản… Các doanh nghiệp này giải quyết việc làm cho khoảng 308.000 người lao động, chiếm 20,33% nguồn lao động trên địa bàn tỉnh.

 Bài và ảnh: KIỀU DIỄM

Nguồn: https://www.baokiengiang.vn/kinh-te/doanh-nghiep-thieu-lao-dong-pho-thong-25440.html