Kinh tế thế giới đang trải qua thời kỳ khó khăn khi mà các động lực chủ chốt của tăng trưởng toàn cầu đều suy yếu do hàng loạt những sự kiện như: Covid-19, căng thẳng chính trị và thương mại… Điều này đã tạo làn sóng tiêu cực lan rộng, gieo rắc sự không chắc chắn trong cả bức tranh kinh tế toàn cầu. Hiện trạng này đặt ra thách thức không nhỏ cho nền kinh tế Việt Nam, khi tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,24% trong 9 tháng đầu năm 2023 và Tổng cục Thống kê dự kiến mức tăng cả năm 2023 khoảng 5,0%. Mặc dù vậy, mức tăng trưởng này vẫn cao hơn mức tăng trưởng toàn cầu được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo là khoảng 3,0%.

Những khó khăn trên không chỉ ảnh hưởng đến nền kinh tế nói chung, mà còn lan rộng đến ngành logistics và đang đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp trong ngành này. Chính phủ và các doanh nghiệp đang nỗ lực không ngừng để lấy lại đà tăng trưởng của ngành Logistics, nhấn mạnh vai trò quan trọng và đưa ngành này trở thành động lực chính cho nền kinh tế.

Thêm vào đó, doanh nghiệp logistics còn nhận được sự hỗ trợ từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, được thể hiện qua việc ký kết 16 hiệp định thương mại tự do. Sự chuyển đổi số mạnh mẽ và các giải pháp logistics thân thiện với môi trường cũng là yếu tố hỗ trợ quan trọng. Vượt qua được các khó khăn hiện tại, doanh nghiệp logistics trong nước sẽ nắm bắt được cơ hội lớn để xây dựng uy tín, nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng trong nước và trên toàn thế giới.

Trong bối cảnh đó, bảng xếp hạng top 10 Công ty uy tín ngành logistics năm 2023 vừa được Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố đã cho thấy nhiều biến động trong bức tranh những doanh nghiệp dẫn đầu trong lĩnh vực này.

Doanh nghiệp ngành logistics đối mặt nhiều thách thức năm 2023
Nguồn: Vietnam Report
Doanh nghiệp ngành logistics đối mặt nhiều thách thức năm 2023
Nguồn: Vietnam Report
Doanh nghiệp ngành logistics đối mặt nhiều thách thức năm 2023
Nguồn: Vietnam Report
Doanh nghiệp ngành logistics đối mặt nhiều thách thức năm 2023
Nguồn: Vietnam Report

Bức tranh kinh tế ngành logistics năm 2023

Logistics là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế, đóng vai trò kết nối các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa. Trong những năm gần đây, ngành logistics Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ, với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 14% – 16%/năm. Dự báo của Mordor Intelligence đối với ngành vận tải hàng hóa và logistics có dung lượng thị trường đạt 45,19 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đạt 6,34% trong giai đoạn 2023 – 2029.

Trước những diễn biến xấu khó lường từ kinh tế toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu hàng hóa 11 tháng đầu năm đồng thời giảm so với cùng kỳ năm trước, với mức giảm lần lượt 5,9% và 10,7%, tính chung 11 tháng năm 2023, tổng khối lượng vận tải hàng hóa nước ta ước đạt 2.062,3 triệu tấn, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, vận tải thủy nội địa có mức tăng lớn nhất đạt 18,5%; vận tải hàng không, đường bộ, đường biển có mức tăng lần lượt là 13,6%, 11,7% và 9,9%; riêng với vận tải đường sắt, lượng hàng hóa ghi nhận mức sụt giảm đáng kể 22,4%. Xét riêng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển lũy kế từng tháng năm 2023, thời điểm tháng 1 có lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng âm; đến hết quý I, duy nhất lượng hàng hóa nhập khẩu qua cảng biển ghi nhận tăng trưởng dương. Lũy kế 8 tháng đầu năm, lượng hàng hóa xuất khẩu chưa ghi nhận cải thiện, mà còn có chiều hướng xấu đi; ngược lại, hàng hóa nhập khẩu và nội địa đã tăng trưởng dương nhưng con số chưa thể vượt được mức 4,0%.

Doanh nghiệp ngành logistics đối mặt nhiều thách thức năm 2023
Nguồn: Cục Hàng hải Việt Nam

Về phía doanh nghiệp logistics, theo khảo sát của Vietnam Report, phần lớn các doanh nghiệp logistics đều ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm (Hình 2). Đáng chú ý, trong số 66,7% số doanh nghiệp suy giảm lợi nhuận, có tới 40% số doanh nghiệp cho biết có mức sụt giảm đáng kể. Yếu tố chi phí của doanh nghiệp logistics ghi nhận nhiều điểm sáng khi có tới 60% doanh nghiệp có tổng chi phí giảm. Điều này cũng phản ánh chính xác những nỗ lực ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hạ lãi suất cho vay cho từ phía Chính phủ.

Doanh nghiệp ngành logistics đối mặt nhiều thách thức năm 2023
Nguồn: Vietnam Report, Khảo sát doanh nghiệp logistics năm 2023, tháng 10-11/2023

Những thách thức mà doanh nghiệp logistics đang đối mặt

Kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm đã cho thấy, hiện nay các doanh nghiệp logistics trong nước đang đối mặt với nhiều thách thức.

Trước hết, đó là tình trạng giảm số lượng đơn hàng khi kinh tế tăng trưởng chậm và xảy ra nhiều bất ổn chính trị trên thế giới. Ngành logistics gắn liền với các hoạt động sản xuất, phân phối và tiêu thụ hàng hóa trong nước và thế giới. Khi những yếu tố bất lợi cho nền kinh tế hiện hữu như bất ổn chính trị, lạm phát tăng cao sau những chính sách kích cầu tại nhiều quốc gia trong thời kỳ Covid-19, đã đánh dấu mốc chấm dứt thời kỳ tăng trưởng nóng, nền kinh tế khó tránh khỏi tăng trưởng chững lại. Đây là yếu tố tiêu cực có tác động nhanh nhất tới doanh nghiệp logistics, nhất là các doanh nghiệp phục vụ hoạt động logistics quốc tế.

Trong bối cảnh đó, sự cạnh tranh về giá lẫn dịch vụ diễn ra ngày càng gay gắt khi ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường với mục tiêu chiếm lĩnh, sẵn sàng chấp nhận lỗ 3-5 năm để giành được thị phần. Ngoài ra, với sự phát triển của các sàn thương mại điện tử – nơi phát sinh sản lượng ngành logistics ngày càng lớn hiện nay, các doanh nghiệp này mở rộng hệ sinh thái, tham gia vào thị trường logistics, tự chủ hoạt động giao hàng của doanh nghiệp. Để gia nhập và duy trì cuộc chơi, các doanh nghiệp cần đảm bảo phương tiện cần đạt được mức tải tối đa, tối ưu chi phí và tận dụng lợi thế theo quy mô. Ngoài ra, thách thức trên cũng đặt ra yêu cầu cho các doanh nghiệp về tối ưu vận hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tự động hóa và chuyển đổi số – điều này càng khó khăn hơn đối với doanh nghiệp logistics nhỏ, không có đủ tiềm lực về cả tài chính và con người.

Doanh nghiệp ngành logistics đối mặt nhiều thách thức năm 2023
Nguồn: Khảo sát doanh nghiệp logistics năm 2023, tháng 10-11/2023 của Vietnam Report

Đối với các yếu tố tác động đến chi phí của doanh nghiệp: Biến động giá năng lượng, Sức ép tỷ giá, Lạm phát cao, Khó khăn tiếp cận nguồn vốn cho hoạt động đầu tư cũng là những vấn đề lớn đặt ra với doanh nghiệp trong ngành. Mặc dù các yếu tố này đã được kiểm soát và hỗ trợ rất tốt từ phía Chính phủ, nhưng các doanh nghiệp logistics chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất từ suy giảm kinh tế, mức sụt giảm lớn về doanh thu làm doanh nghiệp nhạy cảm hơn với những yếu tố làm tăng chi phí của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, yếu tố chi phí còn liên quan tới cơ sở hạ tầng phục vụ ngành logistics. Hạ tầng cho logistics liên quan nhiều đến phần không gian, diện tích, có sự giao thoa với hạ tầng giao thông, công cộng. Chính phủ đã quyết liệt đẩy mạnh đầu tư công, đặc biệt là hạ tầng giao thông như cao tốc Bắc-Nam, sân bay Long Thành, đường sắt cao tốc… Tuy nhiên, hạ tầng giao thông thuận tiện hơn chưa thể thúc đẩy ngành logistics trong ngắn hạn. Về hạ tầng cho lưu kho để xử lý, lưu trữ hàng hóa, theo kết quả phỏng vấn chuyên gia ngành logistics của Vietnam Report, đầu tư kho bãi gắn với quy hoạch phát triển vùng kinh tế chưa thực sự đồng bộ. Việt Nam chưa có khu vực tập trung dành cho các doanh nghiệp logistics, dẫn đến hạ tầng logistics tản mạn – nguyên nhân lớn nhất dẫn đến chi phí logistics cao.

Cuối cùng, liên quan đến nguồn nhân lực ngành logistics. Khó khăn về nhân lực chi phối và làm hạn chế năng lực trong doanh nghiệp. Với đặc thù của ngành khi được hình thành và phát triển lớn mạnh trên thế giới, những ràng buộc trong một quy trình thực hiện đã được thiết lập sẵn, yếu tố chuyên môn của nhân lực ngành logistics ngày càng được chú trọng. Theo Hiệp hội Phát triển Nhân lực Logistics Valoma, dự kiến đến năm 2030, nhu cầu nguồn nhân lực về logistics là trên 200.000 người. Trong khi đó, khả năng đáp ứng về nhu cầu nguồn nhân lực logistics chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu thị trường. Số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5% – 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này. Do đó, có thể nói, nguồn nhân lực logistics tại Việt Nam đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng./.