DN ngày càng đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất cao

DN ngày càng đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất cao

(TCT online) – Theo các chuyên gia, Việt Nam là nền kinh tế mở đã, đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với hơn 60 nền kinh tế và vùng lãnh thổ. Sự vươn lên của các trung tâm sản xuất mới như Việt Nam đã khiến nhiều thị trường nhập khẩu, đặc biệt là một số nền kinh tế phát triển phải gia tăng biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất cao hơn.

Trong 6 tháng qua, cả nước có 29 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, với mức tăng trưởng ấn tượng. Điều này tiếp tục khẳng định vị thế của Việt Nam trong top 20 quốc gia dẫn đầu về quy mô thương mại quốc tế, là điểm đến hấp dẫn với nhiều nhà mua hàng toàn cầu. Đây cũng là cơ sở quan trọng để kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam kỳ vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 6%, cán mốc gần 380 tỷ USD trong năm nay. Song, khi quy mô thương mại càng lớn, thì hàng xuất khẩu của Việt Nam càng đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại hay điều tra hàng hóa.

Theo Bộ Công thương, tính đến nay, hàng Việt đang phải đối mặt với tổng cộng 252 vụ việc điều tra phòng vệ từ 24 thị trường, với 138 vụ điều tra chống bán phá giá, 50 vụ tự vệ, 27 vụ việc chống trợ cấp và 37 vụ chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. 

Riêng năm 2023, đã phát sinh 15 vụ việc mới do nước ngoài khởi xướng với hàng Việt Nam. Mỹ là quốc gia tiến hành khởi xướng điều tra nhiều nhất, với 7 vụ việc, trong đó có 4 vụ điều tra chống bán phá giá, 1 vụ điều tra chống trợ cấp, 2 vụ điều tra phạm vi sản phẩm/chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại.

Theo Bộ Công thương, nếu trước đây, các vụ việc phòng vệ thương mại chủ yếu xoay quanh chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ, thì gần đây, số quốc gia tiến hành điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại với hàng Việt ngày càng nhiều hơn, cho dù Việt Nam không phải là quốc gia xuất khẩu duy nhất hứng chịu các biện pháp phòng vệ thương mại. Trung Quốc là một thí dụ, thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho thấy, các DN Trung Quốc là đối tượng bị áp dụng các biện pháp chống bán phá giá nhiều nhất trong thời gian từ năm 2020 đến 2023, với 911 biện pháp. Tiếp đến là Hàn Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Indonesia…

Đáng kể, trong cùng thời gian trên, các DN Việt Nam cũng bị áp dụng 90 biện pháp. Nhóm hàng liên quan tới điều tra bán phá giá tập trung chủ yếu ở các sản phẩm công nghiệp sắt thép, hóa chất, cao su, nhựa, dệt may, máy móc thiết bị, vật liệu xây dựng…

Trước bối cảnh các DN xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam phải chấp nhận đương đầu với việc nhiều quốc gia ngày càng gia tăng phòng vệ thương mại hoặc tiến hành thêm biện pháp điều tra hàng hóa. Các chuyên gia cho rằng, giải pháp thích ứng tốt nhất là mỗi DN cần chuẩn bị đủ kiến thức về lĩnh vực phòng vệ thương mại, theo dõi chặt lượng hàng xuất khẩu, bình tĩnh xử lý từng vụ việc cụ thể để giảm thiệt hại, đồng thời tận dụng cơ hội mở rộng thị trường.

Ngoài ra, DN cần chủ động lưu trữ hồ sơ, dữ liệu; hợp tác chặt chẽ với cơ quan điều tra để cung cấp thông tin kịp thời, chứng minh nhà xuất khẩu không bán phá giá, không nhận trợ cấp. Kết qua xử lý các vụ việc liên quan tới phòng vệ thương mại cũng cho thấy, DN nào tuân thủ đúng yêu cầu từ cơ quan điều tra, cung cấp đủ thông tin, dữ liệu xác thực, thì kết quả thường tốt hơn những DN không chủ động hợp tác. Ngoài ra, DN có thể theo dõi hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại của Bộ Công thương./.

TL

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/doanh-nghiep-thi-truong/58315af5-aad3-4355-be6b-dd2b4f535b06