Điều hành xuất khẩu gạo giật cục làm khó doanh nghiệp

Điều hành xuất khẩu gạo giật cục làm khó doanh nghiệp

Gần tháng nay, doanh nghiệp bị kẹt hàng trăm nghìn tấn gạo không xuất khẩu được vì cách điều hành giật cục, thiếu phối hợp của cơ quan quản lý.

Xin dừng rồi lại xin nối

Ngày 23/3, Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo, theo đề xuất của Bộ Công Thương nhằm đảm bảo an ninh lương thực khi Covid-19 diễn biến phức tạp. Lập tức, 0h ngày 24/3, hải quan dừng thông quan tất cả lô hàng khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Đến cuối ngày 24/3, chính Bộ Công Thương lại kiến nghị Thủ tướng cho xuất khẩu gạo trở lại. Giải thích sau đó về việc hôm trước xin dừng hôm sau xin hoãn này, Bộ Công Thương – cơ quan trực tiếp tham mưu, điều hành xuất khẩu gạo nhiều năm – cho biết “do có độ vênh số liệu gạo dự trữ, cần tính toán lại sản lượng”.

Sự bối rối của cơ quan điều hành còn ở chỗ, gạo nếp – không nằm trong danh mục dự trữ quốc gia nhưng vẫn được Bộ Công Thương tính chung trong các mặt hàng gạo xin dừng xuất khẩu. Thực tế này khiến các doanh nghiệp chỉ xuất khẩu gạo nếp bị đình lại, trong khi lượng tồn kho ở hai tỉnh An Giang, Long An rất lớn, lần lượt là 56.000 tấn và 152.000 tấn.

Nông dân xã Thạnh An, huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ thu hoạch lúa vụ Đông Xuân đầu tháng 3/2020. Ảnh: Thanh Trần

Sau khi doanh nghiệp, địa phương “kêu”, Bộ Công Thương mới hỏi Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn việc “gạo nếp có nằm trong danh mục hay không” và đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến. Giải trình với Thủ tướng mới đây, Bộ Tài chính cho biết đã hai lần gửi ý kiến (ngày 3/4 và 10/4) nhưng Bộ Công Thương đều không tiếp thu.

Hai góp ý của Bộ Tài chính gồm: đề nghị cho tiếp tục xuất khẩu gạo nếp vì không ảnh hưởng tới dự trữ quốc gia và đề nghị dừng xuất khẩu gạo tẻ để đảm bảo mua đủ lượng dự trữ, nhất là khi có dấu hiệu doanh nghiệp trì hoãn ký hợp đồng bàn giao gạo.

Nói với VnExpress sáng 18/4 về giải trình của Bộ Tài chính, ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Công Thương cho biết “những đề xuất này chưa hợp lý”. Theo ông, Bộ Công Thương đã có các báo cáo về điều hành xuất khẩu gạo gửi Chính phủ ngày 28/3 và 6/4, sau đó Thủ tướng quyết định và các Bộ, ngành thực hiện. Phương án kế hoạch xuất khẩu gạo, theo đó cũng trên cơ sở quán triệt tinh thần là đảm bảo an ninh lương thực.

0h và không báo trước

Không riêng Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, cụ thể là Tổng cục Hải quan, cũng có những cách điều hành khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. 

Ngày 24/3, khi hàng ra tới cảng, chuẩn bị mở tờ khai thông quan, doanh nghiệp mới được hải quan báo dừng xuất khẩu gạo từ 0h.

Ngày 10/4, Thủ tướng đồng ý nối lại xuất khẩu gạo với hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn trong tháng 4. Cả ngày 11/4 (thứ bảy), nhiều doanh nghiệp đã túc trực để mở tờ khai nhưng hệ thống tự động (VNACCS) của hải quan chưa mở. Đến 0h sáng ngày 12/4 (chủ nhật), hải quan bất ngờ cho mở hệ thống giữa đêm mà không hề thông báo công khai. 6 giờ sau đó, hệ thống lập tức đóng và thông báo đã đủ hạn ngạch xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp lại một lần nữa không kịp xoay, trong đó có không ít đang tồn số hàng lớn tại các cảng khá lâu do xuất khẩu “hụt” trước lệnh dừng ngày 24/3. Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết với 300.000 tấn gạo nằm ở cảng, mỗi ngày công ty mất khoảng 50 tỷ đồng. 

Bộ Tài chính sau đó giải thích, việc để doanh nghiệp rơi vào cảnh không kịp xuất khẩu kịp trước 24/3 dù đã vận chuyển gạo đến cửa khẩu là làm theo chỉ đạo để việc dừng xuất khẩu “có hiệu lực ngay”.

Còn về việc mở tờ khai lúc 0h và đóng hệ thống vài tiếng sau đó khi có lệnh nối lại xuất khẩu gạo, Tổng cục Hải quan khẳng định không có sự can thiệp của cán bộ hải quan. Hệ thống sẽ tự động theo dõi trừ lùi số gạo được phép xuất khẩu theo hạn ngạch 400.000 tấn. Đến khi doanh nghiệp đăng ký gần 399.989,43 tấn, hạn ngạch chi còn 10,57 tấn nên các doanh nghiệp sau không được hệ thống chấp nhận.

Nhưng đến nay, Tổng cục Hải quan vẫn chưa giải thích được lý do mở cổng đăng ký tự động vào nửa đêm mà không có thông báo công khai với doanh nghiệp.

Người dân chọn mua gạo tại siêu thị Coop Mart Cống Quỳnh (quận 1, TP HCM) chiều tối 31/3. Ảnh: Thành Nguyễn.

Kinh nghiệm của Thái Lan

Bình luận với VnExpress về việc điều hành của hai bộ, Giáo sư Võ Tòng Xuân nói: “Cơ chế xin – cho, lợi ích nhóm có thể xảy ra như trước nếu còn tình trạng mở tờ khai lúc 0h mà không báo. Chưa kể, Việt Nam không hề thiếu gạo nhưng việc không nắm sát số liệu dẫn tới tham mưu điều hành xuất khẩu gạo không thực tế”.

Theo Giáo sư Xuân, việc điều hành xuất khẩu gạo cần được thiết kế rõ ràng. Việt Nam có thể tham khảo mô hình của Thái Lan – nước kiểm soát tốt chất lượng cũng như số lượng gạo xuất khẩu.

Bộ Thương mại Thái Lan lập một Trung tâm kiểm phẩm. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo tìm khách mua, có giá rõ ràng, sau đó mới quay lại thu mua của nông dân trong nước và được Trung tâm kiểm phẩm kiểm tra đóng dấu xác nhận đúng chất lượng mới được xuất khẩu. Cách làm này vừa kiểm soát tốt chất lượng, số lượng gạo xuất khẩu, tránh lọt gạo giả hay xuất chui.

Giáo sư Võ Tòng Xuân khẳng định Việt Nam không thiếu lương thực dù năm nay chịu nhiều tác động từ hạn mặn tại đồng bằng sông Cửu Long và Covid-19. Dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, ông cho hay, sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn để xuất khẩu năm nay hơn 13,4 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.       

Riêng vụ Đông Xuân, sau khi trừ đi nhu cầu dự trữ và tiêu dùng, lượng gạo có thể xuất khẩu là khoảng 3 triệu tấn. Hai tháng nữa sẽ có thêm khoảng 4 triệu tấn gạo từ thu hoạch vụ Hè Thu. Đồng thời, gạo Việt Nam đang được giá trên thị trường quốc tế.

Năm 2008, Việt Nam cũng có bài học đắt giá trong việc điều hành xuất khẩu gạo, để độ vênh lớn giữa cung – cầu. Khi đó, cho xuất khẩu hạn chế trong khi nhu cầu thế giới lớn, còn lượng gạo tồn trong kho doanh nghiệp, nông dân lại cao. 

Sau những phản ánh của doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các bộ, ngành khẩn trương giải quyết vướng mắc, báo cáo tại cuộc họp ngày mai (20/4).

Hôm 17/4, Tổng cục Hải quan cũng đã kiến nghị cho xuất khẩu gạo đã tồn ở các cảng từ ngày 24/3. Sau đó, số gạo này sẽ được trừ vào hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn. Bộ Công Thương cũng xin xuất khẩu gạo nếp trở lại, lập đoàn kiểm tra liên ngành để nắm tình hình về lượng gạo tại các cảng phục vụ điều hành xuất khẩu gạo trong 4 ngày (20-24/4). Kết quả kiểm tra sẽ là cơ sở báo cáo Thủ tướng tình hình xuất khẩu gạo tháng 4 và phương án điều hành tháng 5.

Anh Tú – Anh Minh

Theo Vnexpress.net

Trả lời