Đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025

Đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025

(TCT online) – Việc thực hiện chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là giải pháp hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế trong những thời điểm đất nước gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh hay tăng trưởng chậm. Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm 50% thuế bảo vệ môi trường trong năm 2025 đối với xăng (trừ etanol), dầu, mỡ nhờn; giảm khoảng 70% đối nhiên liệu bay và 40% với dầu hỏa.

ảnh: itn

Giải pháp hiệu quả hỗ trợ nền kinh tế

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo tờ trình dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu. Theo Bộ Tài chính, xăng dầu là mặt hàng thiết yếu trong đời sống người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Sự biến động của giá xăng dầu có tác động đến rất nhiều đối tượng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị quyết số 42/2024/UBTVQH15, kể từ ngày 1/1/2025, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ quay về mức trần trong Biểu khung thuế ban hành kèm theo Luật Thuế Bảo vệ môi trường, trừ dầu hỏa.

Do là một yếu tố cấu thành trong giá cơ sở, nên việc mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trở về mức trần trong Biểu khung thuế, trừ dầu hỏa từ ngày 1/1/2025 sẽ tác động làm tăng giá bán lẻ trong nước. Với giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi, thì điều này sẽ làm tăng giá bán lẻ xăng, dầu, mỡ nhờn (bao gồm cả thuế GTGT) tương ứng là xăng tăng 2.200 đồng/lít; nhiên liệu bay tăng 2.200 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn tăng 1.100 đồng/lít; dầu hỏa tăng 440 đồng/lít; và mỡ nhờn tăng 1.100 đồng/kg (xét tại kỳ điều hành giá xăng dầu trong nước gần nhất thì giá bán lẻ một số mặt hàng xăng dầu tăng tương ứng là 10,53% đối với xăng RON95; 6,09 % đối với dầu diesel; 6,78% đối với dầu mazut; 2,37% đối với dầu hỏa).

Từ năm 2022 đến nay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nghị quyết điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để phù hợp với tình hình bối cảnh kinh tế – xã hội từng giai đoạn.

Trong đó, từ ngày 1/1/2024 tiếp tục áp dụng chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2024 như năm 2023 theo quy định tại Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023. Cụ thể, mức thuế BVMT đối với xăng (trừ etanol) là 2.000 đồng/lít; nhiên liệu bay, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg và dầu hỏa là 600 đồng/lít. Thực tế, việc thực hiện giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng này thời gian qua đã phát huy hiệu quả trong việc góp phần hỗ trợ giảm chi phí cho người dân và DN, kiểm soát lạm phát.

Mặt khác, năm 2025, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục chuyển biến nhanh, khó lường. Trong nước mặc dù nền kinh tế đang dần phục hồi, nhưng chưa thực sự ổn định và vững chắc do vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố tác động ảnh hưởng đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Điều này là yếu tố bất lợi để hoàn thành các mục tiêu về tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là khi năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025.

Do vậy, Bộ Tài chính khẳng định, cần tiếp tục duy trì thực hiện các chính sách hỗ trợ hiệu quả để củng cố thêm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, trong đó việc thực hiện giải pháp giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã thực hiện trong các năm 2023, 2024 để áp dụng sang năm 2025. 

”Việc tiếp tục áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2025 như năm 2024 là giải pháp hiệu quả góp phần bình ổn giá bán xăng dầu trong nước. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế trong những thời điểm đất nước gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh hay tăng trưởng chậm”, dự thảo tờ trình nêu rõ.

Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2025 như mức thuế quy định tại Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15. Cụ thể, mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, trừ etanol giảm từ 4.000 đồng xuống còn 2.000 đồng/lít (tương đương giảm 50%); nhiên liệu bay giảm từ 3.000 đồng xuống còn 1.000 đồng/lít; (giảm gần 70%); dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm còn 1.000 đồng/lít (giảm 50%); mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg (giảm 50%); dầu hỏa giảm còn 600 đồng/lít  (giảm 40%).  

Từ ngày 1/1/2026, mức thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng này được thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14.  

Tổng NSNN giảm khoảng 44.224 tỷ đồng

Đánh giá tác động của đề xuất, cơ quan soạn thảo cho biết, giả định các yếu tố khác cấu thành giá cơ sở xăng dầu không thay đổi so với kỳ điều hành gần nhất, thì với mức giảm thuế như đề xuất thì giá bán lẻ xăng (trừ etanol) giảm tương ứng 2.200 đồng/lít; nhiên liệu bay tương ứng giảm 2.200 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm giá bán lẻ tương ứng 1.100 đồng/lít; giá bán lẻ mỡ nhờn tương ứng giảm 1.100 đồng/kg; giảm giá bán lẻ dầu hỏa tương ứng 440 đồng/lít. Mức giá giảm này đã bao gồm cả giảm thuế GTGT.

Bộ Tài chính cũng lưu ý, do giá bán lẻ xăng dầu trong nước phụ thuộc chủ yếu vào giá xăng dầu thành phẩm thế giới, nên mức giảm giá bán lẻ trong nước cụ thể sẽ tùy thuộc vào tình hình biến động của giá thế giới.

Mặc dù đề xuất này góp phần ổn định giá bán lẻ xăng dầu trong nước, hỗ trợ người dân và DN, nhưng sẽ tác động đến số thu NSNN. Với dự kiến sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2025 tương đương năm 2024, thì số thu thuế bảo vệ môi trường trong năm 2025 giảm khoảng 40.204 tỷ đồng và tổng thu NSNN (bao gồm cả phần giảm thuế GTGT) giảm khoảng 44.224 tỷ đồng.

Để giảm thiểu tác động đến cân đối NSNN, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế. Trong điều hành yêu cầu cả ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết (kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) để đảm bảo cân đối chi ngân sách, không làm phát sinh tăng bội chi so với mức Quốc hội đã quyết định.  

Để đảm bảo tính liên tục và kịp thời, Bộ Tài chính đề nghị Nghị quyết có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 đến hết ngày 31/12/2025.

Thúy Nga

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tin-hot/8bba61fe-60b4-4818-a703-a3645103f841