Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Đề xuất tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Đề xuất tiếp tục giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
ảnh: Itn
Ảnh hưởng tới thu ngân sách của nhiều địa phương
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/1/2022 của Chính phủ quy định về lệ phí trước bạ và các nghị quyết hiện hành của HĐND hoặc quyết định hiện hành của UBND tỉnh, TP trực thuộc trung ương về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có). Đồng thời, chính sách này có hiệu lực kể từ ngày 1/8/2024 đến hết ngày 31/1/2025.
Theo cơ quan soạn thảo chính sách, trong 3 tháng đầu năm 2024, doanh số toàn thị trường ô tô (bao gồm cả xe du lịch và xe thương mại) đã giảm 17% so với cùng kỳ năm 2023 và chỉ đạt 58.165 xe, trong đó, xe du lịch đạt 41.858 chiếc, giảm 21%; xe thương mại đạt 15.915 chiếc, giảm 6% và xe chuyên dùng đạt 392 chiếc, giảm 48% so với quý I/2023. Thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cũng cho thấy, sản lượng bình quân 1 tháng trong 4 tháng đầu năm 2024 khoảng 14.167 xe/tháng. Điều đáng nói, trong khi sản lượng và doanh số bán ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước liên tục giảm, thì ô tô nhập khẩu nguyên chiếc lại tăng nhanh. Nhiều mẫu xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc đã được nhà phân phối mạnh tay ưu đãi, hạ giá sâu giúp tăng doanh số, thu hẹp khoảng cách đáng kể so với xe trong nước.
Việc thực hiện các cam kết FTA cũng gây sức ép trước giá thành, chất lượng của xe nhập khẩu. “Đây là những khó khăn đặc biệt trong giai đoạn hiện nay. Do đó, nếu chỉ dựa vào nguồn lực và các giải pháp kích cầu riêng lẻ của từng DN sẽ không đủ để tạo ra sự ổn định trong duy trì sản lượng và doanh số bán hàng, cũng như sức bật giúp thị trường tăng trưởng trở lại, đồng đều và bền vững”, dự thảo tờ trình nêu rõ.
Do vậy, việc tiếp tục thực hiện giảm mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là một trong những giải pháp hỗ trợ tài chính, khuyến khích tiêu dùng; phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Đánh giá tác động về thu NSNN, Bộ Tài chính cho biết, chính sách này làm tăng số lượng tiêu thụ, từ đó làm tăng số thu thuế TTĐB, thuế GTGT, nhưng có thể không đủ bù đắp cho việc giảm lệ phí trước bạ. Theo tính toán, chính sách có thể làm giảm thu NSNN về lệ phí trước bạ bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng, tương đương 5.200 tỷ đồng trong 6 tháng thực hiện (bằng mức giảm theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP).
Ngoài ra, việc giảm mức thu này có thể tác động đến cân đối thu NSNN của các địa phương. Theo quy định của Luật NSNN, khoản thu lệ phí trước bạ thuộc ngân sách địa phương. Việc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, sản xuất lắp ráp trong nước khả năng sẽ làm tăng số lượng xe tiêu thụ và đăng ký, nên số thu từ lệ phí trước bạ, thuế TTĐB, thuế GTGT có thể tăng. Tuy nhiên, số thu thực tế từ thuế TTĐB và thuế GTGT chỉ tập trung ở 8 địa phương- nơi có các công ty sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, còn các địa phương khác đều giảm thu (địa phương đã có yêu cầu ngân sách trung ương cấp bù khoản hụt thu này để đảm bảo cân đối ngân sách địa phương), từ đó có những ảnh hưởng nhất định tới cân đối ngân sách của nhiều địa phương.
Giải pháp tổng thể góp phần nâng cao sức cạnh tranh của DN
Theo đánh giá của các chuyên gia, với sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật và nhu cầu xã hội, công nghệ ô tô trở thành lĩnh vực mũi nhọn của nền kinh tế toàn cầu. Tại Việt Nam, các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đã bước đầu khẳng định vai trò, vị trí đối với thị trường trong nước và đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về lượng và chất, đóng góp hàng tỷ USD vào NSNN. Tính đến hết năm 2022, cả nước có hơn 40 DN sản xuất, lắp ráp ô tô với tổng công suất của các nhà máy tại Việt Nam theo thiết kế khoảng 755.000 xe/năm, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm khoảng 35%, DN trong nước chiếm khoảng 65%, đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu thị trường trong nước đạt khoảng 800 đến 900 nghìn xe/ năm.
Để đạt được những thành tựu trên, bên cạnh những nỗ lực của các nhà sản xuất, phân phối ô tô trong nước, chính sách giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đã góp phần thúc đẩy sức mua, tạo đà tái sản xuất, nối lại chuỗi cung ứng, phục hồi tốc độ tăng trưởng của ngành. Chính sách còn góp phần tăng quy mô của thị trường nội địa, qua đó kích thích nhu cầu đối với các sản phẩm công nghiệp phụ trợ ô tô, góp phần thúc đẩy sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng như kim loại, cơ khí, điện tử, hóa chất, cao su… Từ đó, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, thu hút khoa học công nghệ hiện đại vào Việt Nam và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 5/4/2024 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 21/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái tại cuộc họp ngày 17/6/2024 về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, láp rắp trong nước (theo Thông báo số 264/TB-VPCP ngày 19/6/2024 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. |
Đặc biệt, giai đoạn dịch covid-19 bùng phát từ năm 2020-2023, tình hình sản xuất kinh doanh ngành sản xuất, lắp ráp ô tô suy giảm, DN cạn kiệt nguồn vốn, để góp phần hỗ trợ phục hồi, trên cơ sở đề xuất của các hiệp hội, DN và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, căn cứ thẩm quyền, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Chính phủ ban hành các nghị định giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ như Nghị định số 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020, có hiệu lực từ ngày 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020; Nghị định số 103/2021/NĐ-CP ngày 26/11/2021 thực hiện từ 1/12/2021 đến hết ngày 31/5/2022; Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 thực hiện từ 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Quá trình thực hiện các chính sách này về cơ bản đã đạt được các mục tiêu đề ra, tác động tích cực đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất và phân phối, cũng như nền kinh tế. Doanh số bán xe đều tăng khoảng 1,5- 2 lần. Đơn cử như lần gần nhất là thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ theo Nghị định số 41/2023/NĐ-CP trong 6 tháng cuối năm 2023 đã làm số lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu tăng 1,6 lần so với 6 tháng đầu năm 2023, đạt 176.483 xe, bình quân 29.413 xe/tháng (6 tháng đầu năm 2023 là 107.194 xe, bình quân 17.865 xe/tháng).
Một lần nữa có thể khẳng định, các chính sách ưu đãi hỗ trợ về thuế, lệ phí trong những năm vừa qua là một trong các giải pháp tổng thể góp phần giảm chi phí đầu vào giúp giảm giá thành sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của các DN trên thị trường. Đây là cơ sở để DN an tâm ổn định sản xuất kinh doanh, mở rộng quy mô, đầu tư công nghệ hiện đại, đem lại giá trị cho khách hàng, từng bước khẳng định sự phát triển của ngành ô tô nước nhà.
Thúy Nga
Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tin-hot/ea703d74-8049-4b29-902b-d6c79727e70b |