Đề xuất mở rộng đối tượng được giảm thuế GTGT 2% đến hết năm 2026

Đề xuất mở rộng đối tượng được giảm thuế GTGT 2% đến hết năm 2026

(TCT online) – Nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp (DN), thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ cho phép tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ, đồng thời mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng. Thời gian áp dụng từ 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.

Việc giảm thuế GTGT 2% thời gian qua đã có tác động tích cực trong việc kích cầu tiêu dùng

Bổ sung một số nhóm dịch vụ, hàng hóa được giảm thuế

Ngày 24/3/2025, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3624/BTC-CST gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh, TP…  xin ý kiến về dự án Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT. Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế GTGT 2% từ 1/7/2025 đến hết 31/12/2026 đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ như viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).

Đồng thời, mở rộng đối tượng được giảm thuế suất thuế GTGT 2%, bao gồm: sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin (như máy giặt, lò vi sóng, dịch vụ xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan, cổng thông tin…), sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (như thùng, bể chứa và dụng cụ chứa đựng bằng kim loại, nồi hơi…); than cốc, dầu mỏ tinh chế (như than cốc, nhiên liệu dầu và xăng, dầu mỡ bôi trơn…), sản phẩm hoá chất (như phân bón và hợp chất ni tơ, plastic và cao su tổng hợp dạng nguyên sinh…), than ở khâu nhập khẩu và than bán ra ở khâu kinh doanh thương mại; xăng, dầu.

Lý giải cho đề xuất này, cơ quan soạn thảo cho rằng, đây là những hàng hoá, nguyên liệu đầu vào sản xuất các hàng hoá tiêu dùng trực tiếp cho người dân. Với mặt hàng mặc dù mặt hàng xăng thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB và mặt hàng dầu thuộc danh mục sản phẩm khai khoáng, đây là những mặt hàng quan trọng đối với nhiều ngành sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân và giá xăng, dầu nói chung tăng hoặc giảm sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng trong nước và ổn định kinh tế vĩ mô.

Bộ Tài chính cho rằng, đây là những hàng hoá, dịch vụ phục vụ cho mục đích tiêu dùng trực tiếp của người dân. Riêng đối với xăng, dầu, mặc dù thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB và mặt hàng dầu thuộc danh mục sản phẩm khai khoáng nhưng lại là những mặt hàng quan trọng đối với nhiều ngành sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống người dân. Giá xăng, dầu nói chung tăng hoặc giảm sẽ tác động trực tiếp đến sản xuất, tiêu dùng trong nước và ổn định kinh tế vĩ mô. Do đó, việc bổ sung những nhóm hàng hóa, dịch vụ này được giảm thuế GTGT 2% sẽ góp phần quan trọng vào việc hỗ trợ người dân và DN.

Tác động đến tăng trưởng kinh tế

Thực tế cho thấy, kể từ khi chính sách giảm thuế GTGT 2% được triển khai đến nay đã có tác động tích cực, quan trọng trong việc kích thích tiêu dùng, hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn. Giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đã và đang tạo điều kiện rất lớn giúp DN giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận; tăng khả năng kích cầu, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động và đạt được mục tiêu đề ra khi xây dựng chính sách giảm thuế GTGT.

Gần đây nhất, năm 2024, việc giảm thuế GTGT 2% đã hỗ trợ DN và người dân tổng cộng khoảng 49 nghìn tỷ đồng. Tính chung năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,0% so với năm 2023, các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 đều đạt và vượt.  

Tuy nhiên, hiện nay nền kinh tế nước ta còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức. Để góp phần tạo động lực thúc đẩy, phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân, DN, Bộ Tài chính cho rằng cần tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế trong nước trong năm 2025 và năm 2026.

Theo tính toán của cơ quan soạn thảo, dự kiến số giảm thu NSNN trong 6 tháng cuối năm 2025 và cả năm 2026 tương đương khoảng 121,74 nghìn tỷ đồng.

Để bù đắp số hụt thu do thực hiện chính sách, cùng với việc các bộ ngành, địa phương Bộ Tài chính quyết liệt công tác thu NSNN, tăng cường quản lý, thanh tra, kiểm tra, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số trong công tác quản lý thuế, nhất là trong các lĩnh vực, địa bàn trọng điểm, thu từ đất, chuyển nhượng bất động sản, hoạt động thương mại điện tử, hoạt động kinh doanh trên nền tảng số… Phấn đấu thu NSNN năm 2025 cao hơn khoảng 10% so với ước thực hiện năm 2024.

Bài, ảnh: Thúy Nga

Đối với nhóm hàng hóa dịch vụ như  viễn thông, kinh doanh bất động sản; hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm; sản phẩm khai khoáng (trừ than), sản phẩm kim loại; sản phẩm hàng hoá và dịch vụ chịu thuế TTĐB (trừ mặt hàng xăng) thuộc nhóm hàng hóa, dịch vụ đề xuất không giảm thuế. Theo lý giải của cơ quan soạn thảo, đây là những ngành chủ yếu đều thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT theo quy định của pháp luật về thuế GTGT hiện hành, lại có mức tăng trưởng tốt trong thời gian qua, thậm chí một số sản phẩm hàng hoá, dịch vụ cần điều tiết tiêu dùng, nhưng không phục vụ mục tiêu kích cầu tiêu dùng, du lịch nội địa.

Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tin-hot/5cdebe36-b6b5-4506-b623-297fc5d9d55f