Đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển ĐBSCL

Đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển ĐBSCL

 Nông nghiệp ĐBSCL chưa hình thành được vùng chuyên canh quy mô lớn, các chuỗi giá trị còn hạn chế…
Nông nghiệp ĐBSCL chưa hình thành được vùng chuyên canh quy mô lớn, các chuỗi giá trị còn hạn chế

Vừa qua tại tỉnh Bạc Liêu, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái- Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL lần thứ nhất.

Phó Thủ tướng giao Bộ KH-ĐT phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát các cơ chế, chính sách hiện hành và nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội nhằm phát triển vùng ĐBSCL.

Các địa phương đề xuất về cơ chế, chính sách đặc thù

Tại hội nghị, ông Cao Huy- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định số 974/QĐ-TT ngày 19/8/2023 thành lập Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL. 

Theo Bộ KH-ĐT, để đạt được các mục tiêu chung cho vùng ĐBSCL theo tinh thần Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết 78 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị, cần xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của vùng, tháo gỡ những điểm nghẽn trong phát triển.

Lãnh đạo các bộ, ngành và tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã có nhiều ý kiến tham luận đề xuất giải pháp và cơ chế chính sách đặc thù phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hệ thống logistics, các kho trữ lạnh nông sản của vùng…

 Các bộ, ngành, địa phương đề xuất cần xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của vùng.
Các bộ, ngành, địa phương đề xuất cần xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm khai thác tốt nhất tiềm năng, thế mạnh của vùng.

Ông Phạm Văn Thiều- Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, đề xuất cơ chế chính sách đặc thù và một số giải pháp nhằm chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với các tiểu vùng sinh thái gắn với 3 nhóm sản phẩm chủ lực là thủy sản- cây ăn trái- lúa gạo. 

Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cho biết, theo Định hướng giai đoạn 2021-2030 đã xác định nông nghiệp là 1 trong 4 trụ cột chính để phát triển kinh tế của tỉnh, diện tích sản xuất nông nghiệp hơn 140.000ha, trong đó sản xuất lúa gần 79.000ha, sản lượng lúa mỗi năm trên 1,3 triệu tấn.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL, cũng như của tỉnh vẫn còn nhỏ lẻ, tự phát; sản phẩm nông nghiệp còn nghèo nàn, chất lượng chưa cao. Từ thực trạng trên, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang kiến nghị: Cần có “cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ người dân nhằm phát triển vùng sản xuất lương thực lớn của cả nước, giải pháp tạo việc làm tại chỗ cho người dân”. 

Lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang đề xuất các giải pháp giúp ĐBSCL đẩy mạnh phát triển kinh tế biển, cụ thể như: Tập trung hoàn thiện các quy hoạch có liên quan đến biển. Tăng cường hợp tác và liên kết vùng trong phát triển kinh tế biển.

Đầu tư phát triển các cảng biển trọng điểm, cảng biển tổng hợp, cảng hành khách lớn ở Kiên Giang, Cà Mau… để khai thác lợi ích từ Dự án Đường hành lang ven biển phía Nam từ Bangkok (Thái Lan) tới Cà Mau. Trong đó, ưu tiên tuyến vận tải ven biển kết nối Việt Nam- Campuchia- Thái Lan. Chuyển đổi mạnh sang nuôi trồng hải sản theo phương thức công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường biển… 

Để phát huy thế mạnh vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Vùng ĐBSCL có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Đây cũng là vùng trọng điểm nông nghiệp của cả nước với nhiều sản phẩm chủ lực, nhất là lúa, tôm, cá tra, trái cây, giữ vai trò to lớn về môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, an ninh lương thực cho cả nước. Tuy nhiên, vùng vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh, cũng như đóng góp của vùng vào kết quả chung của cả nước vẫn còn hạn chế.

Cụ thể là, quy mô kinh tế nhỏ chỉ chiếm khoảng 12% GDP của cả nước, tăng trưởng kinh tế chưa bền vững, chất lượng chưa cao. Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, kể cả giao thông kết nối nội vùng và với vùng Đông Nam Bộ và TP Hồ Chí Minh. Công nghiệp chế biến chưa phát triển. Nông nghiệp chưa hình thành được vùng chuyên canh quy mô lớn, các chuỗi giá trị, các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ để tập trung cho xuất khẩu…

Trong thời gian vừa qua Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để phát huy tiềm năng, lợi thế nhất là tăng cường các hoạt động điều phối, liên kết vùng, tạo động lực phát triển vùng. Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải có những hành động cụ thể để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng điều phối vùng. 

Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phát triển vùng ĐBSCL theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP. Trong đó, cần tập trung vào sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp hiệu quả cao, tối ưu hóa về giá trị nông nghiệp; phát triển công nghệ về giống, công nghiệp chế biến, bảo quản nông sản, thủy sản; gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nhất là cơ cấu nông nghiệp phù hợp với từng vùng sinh thái, chủ động thích ứng, thực hiện hiệu quả các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; giải quyết vấn đề sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún, hạn mặn; xây dựng chiến lược tổng thể bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, tập trung nghiên cứu để đề xuất bổ sung về thể chế, cơ chế, chính sách phát triển vùng ĐBSCL, thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng bảo đảm các quy định, cơ chế, chính sách liên kết vùng, tiểu vùng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, khả thi, hiệu quả, phù hợp với thực tiễn đất nước.

Sớm hoàn thiện để triển khai danh mục các chương trình, dự án có quy mô vùng và có tính chất liên kết vùng để bổ sung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 đã được Chính phủ thông qua.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng yêu cầu các tỉnh phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình xử lý các khu vực sạt lở bờ sông. Đây là vấn đề có tính cấp bách, cần phải được thực hiện kịp thời, hiệu quả, tránh lãng phí.

Vĩnh Long tích cực triển khai nhiều hoạt động liên kết

Theo UBND tỉnh Vĩnh Long, tỉnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động liên kết với các địa phương trong vùng và TP Hồ Chí Minh như: Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng Duyên Hải phía Đông ĐBSCL của 4 tỉnh: Bến Tre- Tiền Giang- Vĩnh Long- Trà Vinh; hợp tác phát triển kinh tế- xã hội giữa 13 tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh tỉnh đã ban hành văn bản triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. 

Để phát huy hiệu quả hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL, tỉnh Vĩnh Long kiến nghị: Tập trung điều phối các hoạt động liên kết phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế- xã hội của vùng, trong đó ưu tiên hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để thúc đẩy phát triển vùng ĐBSCL, phát huy thế mạnh trong sản xuất nông nghiệp, thủy sản của vùng (lĩnh vực có lợi thế và chiếm tỷ trọng lớn) như: chính sách tín dụng, tiếp cận đất đai,… để thu hút đầu tư nhanh (các lĩnh vực này thu hút còn hạn chế). Sớm đề xuất cơ chế thí điểm để thành lập và vận hành trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông sản của vùng tại Cần Thơ để phát huy thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của vùng, thúc đẩy chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC