Xuất nhập khẩu hàng hóa trong tháng 01/2025 có sự biến động nhẹ

Theo số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 6/2, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1 đạt 63,15 tỷ USD, giảm 10,5% so với tháng trước và giảm 3,5% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó xuất khẩu giảm 4,3%, nhập khẩu giảm 2,6%.

Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2025 đạt 33,09 tỷ USD, giảm 6,9% so với tháng trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,49 tỷ USD, giảm 11,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,6 tỷ USD, giảm 5,0%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2025 giảm 4,3%, trong đó, khu vực kinh tế trong nước giảm 0,9%, chiếm 28,7% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) giảm 5,5%, chiếm 71,3%.

Để hiện thực hóa mục tiêu kim ngạch xuất - nhập khẩu năm 2025 tăng trưởng 12%
Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo cơ quan thống kê quốc gia, qua tháng đầu của năm mới, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 1/2025, sơ bộ nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 0,22 tỷ USD, chiếm 0,7%; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 29,43 tỷ USD, chiếm 89,0%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 2,65 tỷ USD, chiếm 8,0%; nhóm hàng thủy sản đạt 0,77 tỷ USD, chiếm 2,3%.

Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2025 đạt 30,06 tỷ USD, giảm 14,1% so với tháng trước, trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,89 tỷ USD, giảm 22,2%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 19,17 tỷ USD, giảm 8,7%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2025 giảm 2,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 3,3%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 2,2%.

“Có 3 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 49,3% tổng kim ngạch nhập khẩu”, Tổng cục Thống kê cho biết.

Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu tháng 01/2025, sơ bộ nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 28,26 tỷ USD, chiếm 94,0%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 52,0%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 42,0%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 1,8 tỷ USD, chiếm 6,0%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2025, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 9,8 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 11,6 tỷ USD.

Trong tháng 1/2025, xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 8,5 tỷ USD giảm 3,5% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU 2,7 tỷ USD, giảm 17,9%; xuất siêu sang Nhật Bản 0,3 tỷ USD, tăng 16,4%; nhập siêu từ Trung Quốc 5,8 tỷ USD, giảm 19,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 1,9 tỷ USD, tăng 2,8%; nhập siêu từ ASEAN 1,2 tỷ USD, tăng 241,3%.

Với những số liệu trên, cán cân thương mại hàng hóa tháng 1/2025 xuất siêu 3,03 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 3,7 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,4 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,43 tỷ USD.

Các ngành hàng xuất khẩu phải tăng tốc ngay từ đầu năm

Trước đó, năm 2024 là năm thành công rực rỡ của xuất – nhập khẩu Việt Nam. Theo đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 lên con số kỷ lục 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó xuất khẩu đạt 405,53 tỷ USD, tăng 14,3%, nhập khẩu 380,76 tỷ USD, tăng 16,7%…

Tính chung cả năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD (năm trước xuất siêu 28,4 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 50,29 tỷ USD.

Tiếp đà thành công của năm 2024, sang năm 2025, ngành Công Thương đặt ra mục tiêu phấn đấu xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng ước khoảng 12% so năm 2024, tức giá trị xuất khẩu năm sau hướng đến mốc 451 tỷ USD. Để đạt được tăng trưởng 2 con số, các ngành hàng xuất khẩu phải tăng tốc ngay từ đầu năm, tận dụng mọi cơ hội thị trường để có đơn hàng, duy trì sản xuất liên tục.

Ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên trong năm 2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao hoạt động xuất nhập khẩu thời gian qua. Đồng thời chỉ đạo, năm 2025, tiếp tục thúc đẩy thương mại hài hòa, bền vững với các nước đối tác lớn. Khai thác hiệu quả 17 Hiệp đinh thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, các thị trường mới, tiềm năng như: Trung Đông, Mỹ La-tinh, châu Phi… và thúc đẩy đàm phán, ký kết các khuôn khổ hợp tác mới để duy trì tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu.

Bộ Công Thương nhận định, trong năm 2025, hoạt động xuất khẩu dự báo có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng do lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục theo làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương; xu hướng lạm phát toàn cầu đang dần hạ nhiệt mặc dù vẫn còn nhiều thách thức; sức ép lên tỷ giá USD/VND giảm khi Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) cắt giảm lãi suất, góp phần giảm chi phí nhập khẩu.

Sự phục hồi của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may. Ở trong nước, các số liệu vĩ mô trong những tháng gần đây về tăng trưởng GDP, chỉ số sản xuất công nghiệp, chỉ số quản trị mua hàng, đơn hàng xuất khẩu,… cũng cho thấy bức tranh xuất khẩu khả quan. Cộng đồng doanh nghiệp đang quyết tâm tận dụng đà tăng trưởng xuất khẩu với lợi thế về thị trường, nhất là các FTA thế hệ mới.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xuất nhập khẩu cũng còn đối diện với một số khó khăn thách thức. Theo đó, năm 2025, diễn biến địa chính trị thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều yếu tố bất định. Các nước phát triển quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề phát triển bền vững, an toàn cho người tiêu dùng tạo nên những tiêu chuẩn, quy định mới liên quan đến chuỗi cung ứng, nguyên liệu, lao động, môi trường khắt khe hơn đối với các sản phẩm nhập khẩu.

Bên cạnh đó, nếu những chính sách mới của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump có hiệu lực, dự báo sẽ dẫn đến những tác động sâu rộng đối với nền kinh tế thế giới và Việt Nam do các quan điểm cứng rắn, mang tính bảo hộ cao có thể làm gia tăng các rào cản thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa của nước ta.

Để đạt được mục tiêu đặt ra trong năm 2025, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục theo dõi thông tin kịp thời cho các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.

Chỉ đạo hệ thống thương vụ Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu và khuyến nghị đến doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Bên cạnh đó, triển khai đa dạng các hình thức cả trực tiếp và trực tuyến để giới thiệu các lợi thế, ưu đãi từ các FTA đã thực thi, từ đó, tận dụng tốt cơ hội từ các FTA. Tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó, tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu.

Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan nhằm đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh thực hiện thông qua dịch vụ công trực tuyến giúp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao về triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp phát triển hoạt động thương mại biên giới bền vững thông qua thúc đẩy xuất khẩu qua các cửa khẩu biên giới theo hình thức chính ngạch, điều hành, khai thông hiệu quả hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc./.