Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Đẩy mạnh quản lý thuế thương mại điện tử góp phần tăng thu ngân sách qua các năm
Đẩy mạnh quản lý thuế thương mại điện tử góp phần tăng thu ngân sách qua các năm
Thương mại điện tử đóng góp lớn cho ngân sách
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa và cá nhân, hộ kinh doanh Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, để quản lý hoạt động TMĐT, Tổng cục Thuế đã thành lập Ban chỉ đạo và Tổ triển khai Đề án quản lý thuế đối với TMĐT tại Việt Nam (Quyết định số 1346/QĐ-TCT ngày 16/09/2021; Quyết định số 450/QĐ-TCT ngày 20/04/2023) để tham mưu, giúp Lãnh đạo Tổng cục Thuế đề xuất các giải pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT và lập kế hoạch triển khai đề án. Sau hơn 2 năm triển khai, cơ quan thuế đã sửa đổi, bổ sung và xây dựng mới 7 quy trình quan trọng góp phần tăng cường quản lý thuế qua công tác thanh tra kiểm tra và quản lý rủi ro trên cơ sở dữ liệu về TMĐT. Trên cơ sở đó, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế có hoạt động TMĐT thực hiện nghĩa vụ thuế dễ dàng. Đồng thời, đáp ứng việc sử dụng mã định danh cá nhân làm mã số thuế trong thời gian tới cũng như chuyển đổi số trong quản lý thuế đối với hộ kinh doanh ở mức độ 4.0. Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp đã tổ chức tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt góp phần lan tỏa chủ trương chính sách của Nhà nước về phát triển TMĐT, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về thuế đảm bảo công bằng, bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Đáng chú ý, nằm trong nội dung của đề án, Tạp chí Thuế đã tổ chức công bố và phát động cuộc thi viết Thuế với TMĐT. Qua 10 tháng triển khai (từ ngày 1/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022) đã thu hút hơn 1.300 bài dự thi. Thông qua cuộc thi, mọi người dân có thể phát huy vai trò lan tỏa kiến thức, cũng như tham gia thực hiện giám sát thực thi chính sách quản lý thuế. Quan trọng hơn, các bài dự thi đã đề xuất, hiến kế được nhiều giải pháp về cơ chế chính sách và công tác quản lý thuế, giúp ngành Thuế hoàn thiện công tác quản lý đối với lĩnh vực kinh doanh đang trở thành xu thế tất yếu của thời đại công nghệ số này.
Cùng với đó, ngành Thuế đã tổ chức nhiều hội thảo trong nước và quốc tế, qua đó tạo điều kiện để cán bộ thuế có cơ hội tìm hiểu các kiến thức và kinh nghiệm theo thông lệ quốc tế. Ngoài ra, thông qua hội thảo các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế, các đơn vị nghiên cứu, cơ quan báo chí và Hiệp hội ngành nghề có cơ hội để hiểu thêm các chủ trương, chính sách và định hướng của Đảng và Nhà nước đối với phát triển TMĐT. Từ đó, tham gia hỗ trợ và ủng hộ cơ quan thuế trong công cuộc cải cách hệ thống chính sách thuế, quản lý thuế theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Thông qua công tác kiểm tra, đối chiếu thông tin theo chuyên đề, cơ quan thuế đã tìm hiểu về thực trạng, mô hình kinh doanh của các tổ chức liên quan đến hoạt động TMĐT, từ đó nắm bắt, đánh giá, đề xuất các giải pháp quản lý thuế phù hợp, đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách thuế hiện hành, nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Bên cạnh đó, qua công tác kiểm tra, cơ quan thuế cũng thu thập được thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch TMĐT phục vụ công tác quản lý của toàn ngành.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh cho biết, bằng các giải pháp đó nên số thu từ khu vực ngoài quốc doanh đã tăng mạnh so với số thu từ các khu vực kinh tế khác. Cụ thể, nếu như số thu năm 2020 chỉ đạt 123 nghìn tỷ đồng, giảm 42% so với năm 2019 (213 nghìn tỷ đồng), thì tại thời điểm bùng dịch Covid -19 năm 2021, số thu từ khu vực này đã tăng lên 255,5 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 108%. Từ năm 2022, số thu tiếp tục ổn định đạt 263,3 nghìn tỷ đồng, tăng 3%. Dự kiến năm 2023 đạt 273 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9%.
Đối với số thu từ các nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN), cho đến nay đã có 74 NCCNN đã đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua Cổng thông tin điện tử dành cho NCCNN, trong đó năm 2022 có 42 NCCNN; năm 2023 (tính đến 25/10/2023) có 32 NCCNN. Các NCCNN trên đến từ nhiều quốc gia như Hoa kỳ; Hà Lan; Hàn Quốc; Singapore; Hong Kong; Ireland; Lithuania; Thụy Sĩ, Australia; Anh… Trong đó bao gồm các công ty công nghệ hàng đầu thế giới, có hoạt động kinh doanh trên toàn cầu như: Google, Meta, Microsoft, Tiktok, … cũng đều đã đăng ký và kê khai, nộp thuế hàng triệu USD. Tính đến hết tháng 10/2023, tổng số thuế các NCCNN đã nộp là 11.498 tỷ đồng trong đó: năm 2022 là 3.478 tỷ đồng; năm 2023 là 8.020 tỷ đồng.
Tại hội nghị, lãnh đạo các vụ đơn vị chức năng của Tổng cục Thuế đã báo cáo cụ thuể về công tác quản lý thuế đối với các NCCNN không có cơ sở thường trú tại Việt Nam; kỹ năng thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động TMĐT; báo cáo về công tác tổ chức dữ liệu trên nền tảng cơ sở dữ liệu lớn phục vụ quản lý rủi ro trong quản lý thuế đối với TMĐT; báo cáo về công tác ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số … Hội nghị cũng đã nghe các tham luận về công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh trên nền tảng số trên địa bàn Hà Nội, TP HCM và Thái Nguyên.
Tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện chính sách thuế đối với TMĐT
Sau khi lắng nghe ý kiến từ các vụ đơn vị của Tổng cục Thuế và từ các địa phương, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn cho rằng, công tác quản lý thuế đối với TMĐT là vấn đề còn mới và khó khăn không chỉ với Việt Nam mà hầu hết các nước trên thế giới. Chính vì vậy, để quản lý tốt đối với hoạt động này, Phó Tổng cục trưởng Mai Sơn yêu cầu, ngay trong tháng 12, Vụ Chính sách cần rà soát lại toàn bộ các quy trình, thủ tục đối với hoạt động TMĐT để mở rộng và bao quát nguồn thu. Bên cạnh đó, toàn ngành cần đẩy mạnh tuyên tuyền và xử lý vi phạm, trong đó trọng tâm là nâng cao ý thức trách nhiệm của người nộp thuế, có chính sách khuyến khích động viên người nộp thuế tự giác chấp hành pháp luật thuế, đồng thời công bố thông tin những trường hợp cố tình trây ì, không thực hiện việc kê khai, nộp thuế với NSNN. Ngoài ra, các vụ, đơn vị cần đẩy nhanh việc kết nối với Bộ Công thương, cơ quan thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại để chia sẻ thông tin về các giao dịch có tần suất lớn, đáng ngờ. Đồng thời, làm sạch dữ liệu để kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (Đề án 06). Cục Thuế các địa phương cần tham mưu cho UBND chỉ đạo các sở, ngành trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong triển khai quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành đánh giá cao ý kiến của các đại biểu tham dự hội nghị sơ kết. Đồng thời nhấn mạnh, ngay sau hội nghị này, các đơn vị chức năng của Tổng cục Thuế sẽ tổng hợp ý kiến của các địa phương để hoàn thiện báo cáo sơ kết 2 năm triển khai đề án quản lý thuế đối với TMĐT trình Bộ Tài chính. Tổng cục trưởng lưu ý, các đơn vị cần tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành thuế, trong đó cần rà soát lại cơ sở pháp lý, đồng thời tham mưu cho các cơ quan quản lý xây dựng, sửa đổi các chủ trưởng chính sách thuế để buộc các sàn thương mại điện tử, các đơn vị vận chuyển cũng như các cơ quan liên quan cung cấp thông tin để phục vụ tốt nhất cho công tác quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT. Trên cơ sở dữ liệu đã có, cần phân loại, tính toán, hiệu chỉnh số thuế cụ thể đối với từng đơn vị, tổ chức, cá nhân để giao cho các cục thuế đôn đốc việc kê khai, nộp thuế kịp thời. Cơ quan thuế các cấp cần tăng cường kiểm soát cả hóa đơn đầu vào và hóa đơn đầu ra của từng đơn vị, tránh để thất thu thuế. Các vụ, đơn vị của Tổng cục Thuế cần chủ động nghiên cứu xây dựng và hoàn thiện các ứng dụng công nghệ phục vụ hiệu quả cho công tác quản lý.
Riêng đối với hóa đơn điện tử không ghi tên người mua hàng, các đơn vị cần nghiên cứu, báo cáo các cơ quan thẩm quyền ban hành các quy định để những hóa đơn này không có giá trị thanh toán với NSNN; không được đưa vào chi phí hợp lý hợp lệ của DN, qua đó góp phần minh bạch hóa thông tin, nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác quản lý thuế./.
Trung Kiên
Nguồn: https://thuenhanuoc.vn/tapchi/chuyen-muc/thoi-su/tin-hot/51e02553-5ade-42cc-b80f-95e9ce3996f5 |