Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5/2024 tăng 0,05% so với tháng trước, tăng 1,24% so với tháng 12/2023 và tăng 4,44% so với cùng kỳ năm 2023, nguyên nhân chính do giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng và giá thịt lợn tăng vì thiếu hụt nguồn cung sau đợt dịch tả lợn châu Phi vào cuối năm 2023. Bình quân 5 tháng năm 2024, CPI tăng 4,03% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,78%.
Có 7 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng trong tháng 5; trong đó, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cùng nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng đều tăng 0,38%; nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,31%; các nhóm tăng giá nhẹ gồm nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%; đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,12%…
Ở chiều ngược lại, có 3 nhóm hàng hóa giảm giá, gồm bưu chính-viễn thông; giáo dục; giao thông lần lượt giảm 0,09%, 0,25%, 1,73%. Riêng nhóm may mặc, mũ nón và giày dép giữ mức giá ổn định do các doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh thực hiện nhiều chương trình khuyến mại kích cầu mua sắm đầu mùa hè.
Nguyên nhân CPI tháng 5 tăng nhẹ 0,05% là do giá điện sinh hoạt tăng khi thời tiết nắng nóng |
Năm 2023, Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước kiểm soát tốt lạm phát, khi CPI tháng 12/2023 tăng 3,58% so với tháng 12/2022, bình quân năm 2023 CPI tăng 3,25% so với năm 2022 và thấp hơn mục tiêu 4,5% Quốc hội đặt ra; lạm phát cơ bản tăng 4,16%. Từ những kết quả tích cực này, năm 2024, áp lực lạm phát được dự báo sẽ không lớn.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh nhận định, năm 2024, lạm phát có chiều hướng thuận nhiều hơn. Dự báo, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu tăng cao, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi chậm, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các FTA, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng ở mức 5,5%-6,5%, thì khả năng lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,2-3,5%.
Còn PGS, TS. Ngô Trí Long thì cho rằng, Chính phủ có kinh nghiệm trong điều hành giá hàng hóa và dịch vụ chiến lược, cùng với tổng cầu tiêu dùng chưa có dấu hiệu khởi sắc, mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 từ 4% – 4,5% đã được Quốc hội thông qua hoàn toàn khả thi.
Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố gây sức ép lên lạm phát, như dự báo tăng trưởng cao trở lại ở một số quốc gia kéo theo lạm phát tăng; dự báo CPI tăng vì thực hiện điều chỉnh giá dịch vụ do nhà nước quản lý theo hướng tính đúng, tính đủ các yếu tố, các chi phí thực hiện vào giá dịch vụ y tế và học phí giáo dục; tăng lương từ ngày 01/7/2024…
Tại họp báo Tình hình kinh tế – xã hội quý I/2024, Tổng cục Thống kê – đưa ra 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024, tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%; 4,2% và 4,5%.
Để kiểm soát lạm phát năm 2024 đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra, Tổng cục Thống kê cho rằng, cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ. Đặc biệt đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi sát diễn biến giá cả của các mặt hàng thiết yếu (lương thực, thực phẩm, thịt lợn, xăng dầu, gas…) để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động chuẩn bị các nguồn hàng vào dịp cuối năm nhằm hạn chế tăng giá. Cần có các biện pháp kiểm soát, bình ổn giá, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, tránh để xảy ra hiện tượng tăng giá bất hợp lý, tung tin thất thiệt gây bất ổn thị trường.
Chính phủ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, thận trọng, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Theo Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, năm 2024, Bộ sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và thực hiện theo thẩm quyền đồng bộ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong quản lý giá.
Để kiểm soát lạm phát ở mức 4%-4,5% trong năm 2024, Tổng cục Thống kê cũng kiến nghị, Chính phủ và các bộ, ngành cần theo dõi sát giá cả các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động nhằm hạn chế tăng giá./.