Năm 2024, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam trong năm đạt mức cao nhất từ trước đến nay với kỷ lục 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2023. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước tăng trưởng mạnh mẽ, đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%. Có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%.

Có được kết quả nói trên, đóng góp của hoạt động xúc tiến thương mại góp phần không nhỏ. Theo báo cáo của Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương, năm 2024, nhiều hoạt động xúc tiến thương mại mới được triển khai lần đầu tiên đã hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp tăng cường xuất khẩu trong các ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam. Đồng thời, góp phần đa dạng hóa thêm các kênh xúc tiến thương mại để hỗ trợ các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kết nối với các đối tác, doanh nghiệp nước ngoài như: Triển lãm Quốc tế ngành dệt may và công nghệ dệt Việt Nam lần thứ nhất – VIATT 2024, Lễ hội Trái cây Việt Nam tại Trung Quốc, Hội chợ thương mại điện tử toàn cầu lần thứ 3 tại Trung Quốc, Triển lãm các sản phẩm OCOP xuất khẩu – OCOPEX.

Công tác xúc tiến thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế xanh được đẩy mạnh
Năm 2024, có 359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia

Về công tác phát triển thương hiệu, đặc biệt là thương hiệu quốc gia cũng được đẩy mạnh. Theo đó, tại kỳ xét chọn sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia lần thứ 9 năm 2024, đã có 359 sản phẩm của 190 doanh nghiệp được công nhận là sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia, tăng 10,5% về số lượng sản phẩm và 10,5% về số lượng doanh nghiệp so với kỳ xét chọn lần thứ 8. Qua đó, thể hiện các doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến công tác phát triển thương hiệu và ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm của Việt Nam để tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Năm 2024, Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại đã hỗ trợ gần 6.000 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức xúc tiến thương mại tham gia và hưởng lợi; tổng giá trị hợp đồng được ký kết trực tiếp tại các sự kiện thương mại quốc tế đạt gần 100 triệu USD; doanh số bán hàng tại các hội chợ, triển lãm cấp vùng đạt hàng trăm tỷ đồng, thu hút gần 100.000 lượt khách tham quan, mua sắm.

Công tác xúc tiến thương mại thúc đẩy phát triển kinh tế xanh được quan tâm, triển khai thông qua nhiều hoạt động như: Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh 2024 (GEFE 2024) với chủ đề “Kiến tạo Tương lai xanh”, Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu 2024 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu xanh”, Lễ Công bố các sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia năm 2024 với chủ đề “Vươn mình tiến vào Kỷ nguyên xanh”…, nhằm nâng cao nhận thức và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, chuyển đổi xanh, cũng như góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội để hướng tới thực hiện thành công mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Bên cạnh những thuận lợi, hoạt động xúc tiến thương mại cũng bộc lộ một số khó khăn, như: nguồn lực ngân sách nhà nước cấp cho công tác xúc tiến thương mại hiện vẫn còn hạn chế, cơ chế hỗ trợ tài chính cho hoạt động xúc tiến thương mại chưa được cấp có thẩm quyền (Bộ Tài chính) điều chỉnh kịp thời dẫn đến những khó khăn nhất định trong việc triển khai.

Mô hình tổ chức về cơ quan xúc tiến thương mại ở các địa phương trong cả nước chưa thống nhất, gây khó khăn cho các cơ quan xúc tiến thương mại ở cả trung ương đến địa phương trong phối hợp, liên kết triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng…

Tận dụng hiệu quả các FTA nhằm đa dạng hóa thị trường

Năm 2025, xuất khẩu đặt mục tiêu tăng trưởng 12%. Để góp phần đạt được mục tiêu nói trên, công tác xúc tiến thương mại cần chú trọng khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, nhằm đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng; củng cố và mở rộng thị phần tại các thị trường truyền thống; tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu mới có tiềm năng.

Ngoài ra, chú trọng xúc tiến nhập khẩu, đa dạng hóa thị trường nhập khẩu đảm bảo nguồn cung đầu vào phục vụ phát triển sản xuất trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, xúc tiến đầu tư phát triển ngành Công Thương hiệu quả, hỗ trợ địa phương, khu công nghiệp, doanh nghiệp trong nước tiếp nhận chuyển giao công nghệ, từng bước làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, chủ động tham gia chuỗi cung ứng quốc tế bền vững.

Đồng thời, tăng cường tư vấn, cung cấp thông tin cập nhật về thị trường, các thay đổi về chính sách thương mại, các tiêu chuẩn, quy định, thị hiếu tiêu dùng của các thị trường nhập khẩu. Qua đó, góp phần tạo thế chủ động, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam khi tiếp cận thị trường quốc tế.

Ngoài ra, tiếp tục nâng cao năng lực cho doanh nghiệp thông qua các hoạt động đào tạo kỹ năng xúc tiến thương mại, ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, thiết kế sinh thái, kinh tế tuần hoàn; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản phẩm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu./.