Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Công khai các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng
Công khai các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng
Theo Bộ Công Thương, cơ quan này sẽ phân công cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị thuộc Bộ và Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện các nhiệm vụ nhằm tạo chuyển biến rõ nét, khắc phục những hạn chế, yếu kém; nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm, nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước của các đơn vị có liên quan trong ngành Công Thương đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Xây dựng và ban hành văn bản triển khai việc giám sát và đánh giá việc thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong ngành Công Thương và ngành, lĩnh vực được phân công. Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tổ chức bộ máy chuyên trách bao gồm xác định rõ vai trò, đầu mối, điều tiết và giám sát các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; nâng cao năng lực thực thi pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, bảo đảm hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách, pháp luật; thông tin về chất lượng hàng hóa, dịch vụ và cảnh báo về nguy cơ mất an toàn cho người tiêu dùng trên nguyên tắc công khai, minh bạch và đa dạng hóa phương thức truyền thông. Đặc biệt, xây dựng Đề án tăng cường tuyên truyền, giáo dục phổ biến chính sách pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng cho đối tượng người tiêu dùng yếu thế:
Bộ Công Thương sẽ xây dựng Cơ sở dữ liệu Quốc gia về bảo vệ người tiêu dùng. Mở các chuyên trang, chuyên mục và tăng thời lượng đưa tin về công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng…
Thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và hỗ trợ người tiêu dùng; không để lưu thông trên thị trường hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người tiêu dùng. Đẩy mạnh xã hội hoá, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ và tổ chức xã hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Tiếp tục xây dựng và triển khai Đề án “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”; tiếp tục vận hành, xây dựng và phát triển Hệ thống Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng; đẩy mạnh triển khai thực thi Luật Cạnh tranh để góp phần tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh và bình đẳng…
Ảnh minh họa
Tăng cường công tác quảng bá thương hiệu, tiếp tục đàm phán các hiệp định FTA để mở rộng thị trường; đẩy mạnh hợp tác song phương, đa phương với các nước và các tổ chức quốc tế nhằm tăng cường trao đổi thông tin, bảo đảm công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiệu quả, chặt chẽ. Tăng cường hoạt động hợp tác giải quyết tranh chấp tiêu dùng, thu hồi sản phẩm có khuyết tật xuyên biên giới…
Liên quan tới công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND thành phố Hà Nội vừa có văn bản yêu cầu Sở Công Thương tập trung xây dựng kế hoạch thanh tra, giám sát và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thuộc ngành mình quản lý; phối hợp với các sở, ngành và UBND quận, huyện, thị xã công bố danh sách doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, yêu cầu Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, UBND quận, huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện các quy định, nội dung nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 82/NQ-CP, ngày 26/5/2020, của Chính phủ; làm đầu mối, theo dõi, hướng dẫn, đôn đốc triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo Bộ Công Thương và UBND thành phố theo quy định.
Chủ động thực hiện hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền khen thưởng và có các biện pháp khuyến khích, động viên đối với các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt, hiệu quả công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hỗ trợ, thúc đẩy hình thành, phát triển và tạo điều kiện hoạt động hiệu quả mạng lưới các tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tới cấp huyện trên địa bàn toàn thành phố.
UBND Thành phố giao UBND các quận, huyện, thị xã chủ động xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch, giải pháp hiệu quả bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ. Rà soát, kiện toàn cán bộ và phân công công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên địa bàn.
UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện việc giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn thi hành. Kiểm tra, giám sát hoạt động của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động trên địa bàn. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định. Công bố công khai danh sách tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm quyền lợi người tiêu dùng…
Bảo Lâm/Theo Vietq.vn