Cơ hội lớn cho nông sản Việt

Cơ hội lớn cho nông sản Việt

– Xem thêm xất nhập khẩu Rau quả tại đây;
– Xem thêm xất nhập khẩu Nông sản tại đây;

Ba mặt hàng: Dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu vừa được ký nghị định thư mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc.

 
Ảnh cắt màn hình VTV

Cơ hội từ ba mặt hàng xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc
 
Ba mặt hàng: Dừa tươi, sầu riêng đông lạnh và cá sấu vừa được ký nghị định thư mở đường cho việc xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Đây là bước tiến quan trọng mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam.
 
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản nước ta. Các chuyên gia, nhà quản lý dự báo quy mô và giá trị xuất khẩu nông sản sang quốc gia 1,4 tỷ dân này trong năm nay sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nhờ những mặt hàng mới được mở cửa này.
 
Trong ba nhóm mặt hàng vừa ký nghị định thư, sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước ta. Việc mở cửa chính thức thị trường Trung Quốc này dự kiến sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đông lạnh có thể đạt 400-500 triệu USD ngay trong năm nay, đưa tổng giá trị xuất khẩu cả sầu riêng tươi và sầu riêng đông lạnh lên mức 3,2-3,5 tỷ USD.
 
Bên cạnh sầu riêng, dừa tươi cũng là mặt hàng có triển vọng xuất khẩu lớn. Hiện Việt Nam đang là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới. Hai năm qua, kim ngạch xuất khẩu của các sản phẩm từ dừa đã tiệm cận 1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu trái dừa tươi đạt gần 800 triệu USD. Với việc ký nghị định thư, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi có thể tăng thêm 200-300 triệu USD ngay trong năm nay, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu lên trên 1 tỷ USD.
 
Cá sấu là mặt hàng thứ ba được ký nghị định thư lần này. Ngành nuôi cá sấu ở Việt Nam đã phát triển trong hơn 30 năm qua. Các sản phẩm từ cá sấu như thịt, da và các bộ phận khác hầu hết đều có giá trị kinh tế cao. Việc mở cửa thị trường Trung Quốc cho cá sấu không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là động lực để ngành nuôi cá sấu Việt Nam phát triển theo hướng bền vững, đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường và phúc lợi động vật.

 
Đây là cơ hội rất lớn cho sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc

Định hướng xuất khẩu sầu riêng bền vững
 
Sầu riêng đông lạnh được xem là sản phẩm có giá trị xuất khẩu lớn nhất trong 3 mặt hàng vừa được kí nghị định thư. Việc ký nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh vào thị trường Trung Quốc được nhiều chuyên gia đánh giá là cơ hội rất lớn cho sầu riêng Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.
 
Ông Lê Minh Hoan – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định: “Đây là cơ hội cho rất lớn cho ngành sầu riêng. Từ xuất nông sản thô sang xuất khẩu nông sản chế biến qua những hình thức khác vừa tạo ra giá trị gia tăng và giảm thiểu rủi ro, khi cung với thị trường trong nước hay thị trường xuất khẩu trái cây thô không đảm đương nổi thì lúc đó chúng ta có dòng sản phẩm có giá trị gia tăng cao, dễ bảo quản, dễ vận chuyển, chi phí rẻ hơn”.
 
Ngoài Việt Nam còn có Thái Lan, Malaysia, Philippines xuất khẩu sầu riêng vào Trung Quốc. Để cạnh tranh tốt và giữ vững thương hiệu tại thị trường Trung Quốc, theo ông Lê Minh Hoan, “cửa đã mở rồi nhưng cách chúng ta đi vào thị trường thế nào một cách hiên ngang hơn, một cách đĩnh đạc hơn tức là đi cùng với nhau. Nông dân đi cùng với nhau. Doanh nghiệp cùng đi với nhau. Doanh nghiệp với nông dân cùng đi với nhau. Ngành hàng sầu riêng giữa hai chủ thể là nông dân và doanh nghiệp cùng với các cơ quan quản lý Nhà nước phải đi cùng nhau. Chúng ta xem nó là chúng ta không phải bán sầu riêng mà bán thương hiệu quốc gia”.
 
“Cách nhìn nhận một cấu trúc của ngành hàng có vai trò quyết định. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng các bộ ngành và địa phương cũng sẽ cấu trúc lại một ngành hàng, một chiến lược phát triển phát triển sầu riêng để nó phát triển bền vững hơn. Chúng tôi sẽ xem sầu riêng là một sản phẩm chủ lực quốc gia, sẽ có một chiến lược phát triển. Qua chuyến này, chúng tôi làm việc với Bộ Công thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc để chúng ta chuẩn bị sẽ có một sự kiện về trái cây ở thủ đô Bắc Kinh để tăng cường quảng bá về hình ảnh. Và chúng tôi cũng muốn là cộng đồng doanh nghiệp không đi theo con đường ngắn, đưa hàng tới biên giới mà là đưa hàng sâu lên phía Bắc để quảng bá ngay trung tâm, những khu vực kinh tế năng động, có nhiều thành phần trung lưu như Bắc Kinh, Thượng Hải hay những vùng phía Bắc” – ông Lê Minh Hoan chia sẻ.

 
Sầu riêng sẽ là một sản phẩm chủ lực quốc gia

Tăng cường quản lý, giám sát mã vùng trồng sầu riêng
 
Để xuất khẩu bền vững, bảo vệ uy tín, thương hiệu của sầu riêng Việt Nam, trước áp lực cạnh tranh tại thị trường Trung Quốc, một yêu cầu đặt ra. Đó là công tác quản lý giám sát mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói cần được tăng cường hơn. Ngành nông nghiệp các địa phương ở Tây Nguyên đang triển khai nhiều giải pháp để tăng cường quản lý mã vùng trồng.
 
Siết chặt quản lý, tăng cường kiểm tra các đơn vị sản xuất, đóng gói, tiêu thụ các sản phẩm sầu riêng là giải pháp mà chính quyền địa phương huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện nhằm quản lý tốt các vùng trồng sầu riêng trên địa bàn. Nhờ đó, ý thức bảo vệ mã vùng trồng của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân được nâng cao hơn.
 
Ông Ngô Trung Hiếu – Phó Giám đốc Công ty Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu, Đắk Lắk nêu ý kiến: “Doanh nghiệp chúng tôi cũng phải có trách nhiệm đó để bảo vệ nền nông nghiệp nói chung và ngành sầu riêng nói riêng. Chúng ta phải làm sao để đảm bảo được chất lượng từ trong vùng trồng thì mới tạo ra sản phẩm tốt để đưa đến cho người tiêu dùng”.
 
Ông Vũ Đức Côn – Chủ tịch Hiệp hội Sầu riêng tỉnh Đắk Lắk đưa ra nhận định: “Đưa ra các tiêu chuẩn, tiêu chí để nâng cao chất lượng sản phẩm và tổ chức kiểm tra giám sát và có những chế tài phù hợp để quản lý chặt chẽ chất lượng”.
 
Huyện Krông Pắc – vùng trồng sầu riêng lớn nhất tỉnh Đắk Lắk hiện có khoảng 9.000 ha sầu riêng. Đến nay, địa phương này đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp 37 mã vùng với diện tích sản xuất trên 2.000 ha.
 
Bà Ngô Thị Minh Trinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc, Đắk Lắk cho biết: “Chỉ đạo, phối kết hợp làm sao để việc quản lý mã vùng trồng này tốt, không ảnh hưởng tới việc đánh tráo mã vùng trồng”.
 
Bên cạnh đó, để kiểm soát, quản lý tốt mã vùng trồng sầu riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đắk Lắk sẽ thực hiện kiểm tra đột xuất tại trụ sở làm việc và kiểm tra thực tế các vùng trồng, cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu đã được cấp mã số.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cam kết sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để triển khai các bước tiếp theo sau khi các nghị định thư được ký kết đảm bảo doanh nghiệp của Việt Nam có thể xuất khẩu các sản phẩm nói trên vào thị trường Trung Quốc một cách thuận lợi nhất.

 

Nguồn: VTV.vn
Link nguồn

Nguồn: https://thongtincongthuong.vn/co-hoi-lon-cho-nong-san-viet/