Có dấu hiệu lợi ích nhóm trong nhập khẩu thiết bị y tế

Có dấu hiệu lợi ích nhóm trong nhập khẩu thiết bị y tế

Theo Thanh tra Chính phủ, việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế còn sai phạm, có dấu hiệu lợi ích nhóm và dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Bộ Y tế còn phê duyệt kế hoạch mua sắm trực tiếp với những thuốc không có tên trong kế hoạch đấu thầu được duyệt trước đó, vượt 20% số lượng đã trúng thầu hoặc vượt giá trị 2 tỷ đồng/năm.

Ngày 27-1, Thanh tra Chính phủ (TTCP) có kết luận thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế (7 bệnh viện thuộc Bộ Y tế: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức, Bệnh viện K, Nhi Trung ương, Trung ương Huế, Thống Nhất; kiểm tra, xác minh một số gói thầu mua sắm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Mắt Trung ương, Bệnh viện Ung Bướu TPHCM), Bộ LĐTB-XH, UBND TP Hà Nội và TPHCM cùng các cơ sở khám chữa bệnh theo chức năng, nhiệm vụ.

Kết luận thanh tra đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý. 

Qua thanh tra tại Bộ Y tế, TTCP phát hiện việc tham mưu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn còn có nhiều vi phạm, có nội dung còn không sát thực tế, không phù hợp với thực tiễn, nhưng trong thời gian dài cũng không có điều chỉnh, sửa đổi hoặc thay thế.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều vi phạm tại Bộ Y tế liên quan tới việc mua sắm trang thiết bị

Đặc biệt, Bộ Y tế xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc thiếu chặt chẽ, chưa đủ cơ sở, các định mức và giá vật tư y tế tiêu hao không sát thực tế sử dụng. Bộ này cũng không có hướng dẫn phương thức thanh toán chi phí khám chữa bệnh. Đặc biệt, không ban hành đầy đủ giá của hơn 18.000 dịch vụ thanh toán bảo hiểm y tế.

TTCP còn phát hiện, Bộ Y tế còn không phối hợp với Bộ Tài chính để ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu. Còn có trường hợp trong thanh toán chi phí khám chữa bệnh không đúng, nhưng không được kiểm tra, phát hiện và xử lý như việc bác sĩ điều trị kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc không đúng theo tờ đăng ký thuốc lưu hành tại Việt Nam trong hồ sơ đăng ký thuốc được phê duyệt.

TTCP còn cho rằng, Bộ Y tế còn yếu kém trong việc thẩm định, phê duyệt và quản lý giá thiết bị y tế, vật tư y tế. Trong thời gian dài, không công khai kết quả trúng thầu. Các mặt hàng thuộc sản phẩm giáp ranh giữa thuốc và vật tư y tế tiêu hao, Bộ Y tế cũng chưa có quy định cụ thể, có hiện tượng trùng chéo dẫn đến khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh.

Bên cạnh đó, việc cấp giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế còn sai phạm, có dấu hiệu lợi ích nhóm và dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Bộ Y tế còn phê duyệt kế hoạch mua sắm trực tiếp với những thuốc không có tên trong kế hoạch đấu thầu được duyệt trước đó, vượt 20% số lượng đã trúng thầu hoặc vượt giá trị 2 tỷ đồng/năm.

Nghiêm trọng hơn, Bộ Y tế cho phép Bệnh viện Bạch Mai mời thầu mua thuốc thí điểm cho nhà thuốc bệnh viện (năm 2018 và 2019) đối với 2/3 gói thầu theo tên thương mại trái quy định của Luật Dược 2016 và Thông tư số 11 của Bộ Y tế, Nghị định số 54 của Chính phủ. 

Liên quan tới quá trình thanh tra phát hiện một số thiếu sót, vi phạm tại Bộ Y tế, TTCP kiến nghị xử lý về cơ chế chính sách, trong đó kiến nghị sớm trình Chính phủ về kế hoạch xây dựng Luật Trang thiết bị y tế; cần sửa đổi, bổ sung hoặc trực tiếp sửa đổi, bổ sung (đối với văn bản thuộc thẩm quyền) các nội dung còn chưa đúng với nội dung quy định tại văn bản có giá trị pháp lý cao hơn hoặc nội dung trong cùng văn bản còn chưa thống nhất.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và ban hành đầy đủ giá của hơn 18.000 dịch vụ thanh toán bảo hiểm hiện có.

Cần có quy định cụ thể, chi tiết trong việc thanh toán của cơ quan bảo hiểm xã hội đối với những thuốc có cùng tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng có giá trúng thầu cao bất hợp lý khi quy đổi về cùng hàm lượng tương đương. 

TTCP cũng đề nghị, Bộ Y tế cần phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành có liên quan xây dựng quy định về khung giá dịch vụ đối với các dịch vụ y tế nói chung và dịch vụ y tế thực hiện liên doanh, liên kết nói riêng… Chấn chỉnh công tác lưu trữ hồ sơ, công tác quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, mua sắm thiết bị y tế và vật tư tiêu hao, về giá thuốc đảm bảo đúng quy định.

ĐỖ TRUNG

Nguồn: https://www.sggp.org.vn/co-dau-hieu-loi-ich-nhom-trong-nhap-khau-thiet-bi-y-te-791274.html