“Chủ nhà có thể kiện Thế giới di động đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng”

“Chủ nhà có thể kiện Thế giới di động đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng”

Bày tỏ quan điểm về việc Thế giới di động tự ý giảm tiền thuê mặt bằng, luật sư Hoàng Tùng cho biết: “Bên cho thuê mặt bằng có quyền yêu khởi kiện bên thuê mặt bằng về hành vi thực hiện không đúng các thỏa thuận”.

Mới đây, Công ty Cổ phần Thế giới di động có “Công văn gửi quý đối tác mặt bằng” của chuỗi cửa hàng Thế giới di động và Điện máy Xanh thông báo về việc thanh toán tiền thuê mặt bằng trong giai đoạn cửa hàng tạm đóng cửa do ảnh hưởng dịch COVID-19.

Theo đó, công ty này sẽ không thanh toán 100% tiền thuê mặt bằng (trong thời gian cửa hàng phải đóng cửa hoàn toàn, không kinh doanh theo yêu cầu bắt buộc của cơ quan nhà nước), không thanh toán 70% tiền thuê mặt bằng (trong thời gian cửa hàng bị hạn chế bán hàng để phối hợp phòng chống dịch). Thời gian áp dụng từ 1/1/2021 đến 1/8/2021.

Công ty đề nghị tiền thuê đã thanh toán sẽ cấn trừ vào các kỳ thanh toán tiếp theo, cũng như sẽ áp dụng cho đến hết hạn hợp đồng thuê nếu xảy ra các trường hợp bất khả kháng buộc cửa hàng phải tạm đóng cửa hoặc hạn chế bán hàng. Theo đại diện công ty thì công ty đã gửi công văn này cho một số ít đối tác là chủ mặt bằng không muốn hỗ trợ tiền thuê mặt bằng cho công ty trong thời gian bị ảnh hưởng do dịch.

Thế giới Di động đơn phương giảm tiền thuê mặt bằng khiến nhiều chủ nhà bức xúc.

Theo một chủ mặt bằng cho biết, dù chưa được sự chấp thuận của ông nhưng đến tháng 9/2021, Thế giới di động có thông báo về thanh toán chi phí tiền thuê mặt bằng và tự chuyển khoản tiền thuê đã giảm.

Ông đã có văn bản phúc đáp, thể hiện sự không đồng ý bởi tại Điều 4 và Điều 9 của Hợp đồng đã đề cập đến giá thuê. Cụ thể, không có điều khoản nào nêu rõ việc Thế giới di động được tự ý giảm giá thuê mặt bằng khi chưa có sự đồng ý của người cho thuê.

Dưới góc độ pháp lý, trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Hoàng Tùng – Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, trong thời gian vừa qua và cả tình hình hiện tại thì có thể nói rằng dịch bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển kinh tế. Đặc biệt, tại các địa phương phải áp dụng các chỉ thị để phòng, chống dịch bệnh. Thiệt hại từ dịch bệnh có thể nói rằng ảnh hưởng tới tất cả mọi người, không chỉ riêng một cá nhân hay một tổ chức nào.

 

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hoà (Đoàn luật sư TP Hà Nội)  

 

“Mới đây, một vấn đề rất được mọi người quan tâm chính là Thế giới di động – Điện máy xanh ra công văn với nội dung thông báo sẽ không thanh toán tiền thuê mặt bằng hoặc chỉ thanh toán một phần tiền thuê mặt bằng đối với bên cho thuê và đương nhiên lý do xuất phát từ dịch bệnh. Vấn đề được nhiều người quan tâm và đặc biệt là những cá nhân, tổ chức đang là bên cho thuê mặt bằng với thế giới di động chính là Công văn trên có đúng quy định hay không? Có vi phạm nghĩa vụ hay không? Và họ cần làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Trước tiên, việc không thanh toán hay thanh toán không đúng tiền thuê mặt bằng hoặc tranh chấp khác giữa bên thuê và bên cho thuê mặt bằng về cơ bản là xuất phát từ hợp đồng thuê mặt bằng giữa hai bên. Đây là tranh chấp hợp đồng thuê tài sản và cụ thể là tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán tiền thuê tài sản. Do đó, cần phải căn cứ vào các điều khoản của hợp đồng để xác định được Thế giới di động có quyền đơn phương không thanh toán tiền thuê hoặc tư giảm tiền thuê mặt bằng xuống hay không?” – luật sư Tùng nói.

Luật sư Tùng phân tích: “Hợp đồng là luật giữa các bên trong hợp đồng, các bên có quyền và nghĩa vụ đối xứng với nhau. Các bên có thể tiến hành đàm phán lại về nội dung công văn nêu trên. Khoản 2 Điều 420 Bộ luật Dân sự: “Thực hiện hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi để đàm phán lại hợp đồng trong một thời gian hợp lý. Nếu không đàm phán được thì có quyền khởi kiện theo khoản 3 Điều 420 BLDS để yêu cầu sửa hợp đồng hoặc chấm dứt hợp đồng.

Đối với bên cho thuê mặt bằng thì sẽ có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu chứng minh được bên thuê đã vi phạm nghĩa vụ của hợp đồng hoặc theo quy định như sau: Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng”.

Cũng theo luật sư Tùng, một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Bên cho thuê mặt bằng có quyền yêu khởi kiện bên thuê mặt bằng về hành vi thực hiện không đúng các thỏa thuận tại hợp đồng đã được giao kết bởi: Văn bản của thế giới di động là văn bản đơn phương thể hiện ý chí đơn phương và chưa được sự thống nhất từ bên cho thuê mặt bằng. Điều này có cơ sở để xác định bên cho thuê mặt bằng đang bị xâm phạm quyền lợi của mình. Hai bên không thống nhất được bằng một phương pháp giải quyết nào khác mà đôi bên cùng có lợi.

Gia Đạt

Nguồn: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chu-nha-co-the-kien-the-gioi-di-dong-don-phuong-giam-tien-thue-mat-bang-1602882.html