Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 11 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, so với cùng kỳ năm trước, ngành chế biến, chế tạo tăng 11,2%; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 5,5%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 6,7%; riêng ngành khai khoáng giảm 9,8%.
Tính chung 11 tháng năm 2024, IIP ước tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 tăng 0,9%). Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 9,7% (cùng kỳ năm 2023 tăng 1,0%), đóng góp 8,5 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,2%, đóng góp 0,9 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,6%, đóng góp 0,2 điểm phần trăm; ngành khai khoáng giảm 7,3%, làm giảm 1,2 điểm phần trăm trong mức tăng chung.
IIP 11 tháng năm 2024 của một số ngành công nghiệp trọng điểm cấp II tăng cao so với cùng kỳ năm trước: sản xuất sản phẩm từ cao su và plastic tăng 25,6%; sản xuất giường, tủ, bàn, ghế tăng 24,7%; sản xuất xe có động cơ tăng 18,3%; sản xuất than cốc, sản phẩm dầu mỏ tinh chế tăng 14,5%; sản xuất hoá chất và sản phẩm hoá chất tăng 13,4%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 12,6%; dệt tăng 12,1%; sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn (trừ máy móc, thiết bị) tăng 11,9%; sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 8,7%; sản xuất chế biến thực phẩm tăng 7,7%.
Ở chiều ngược lại, chỉ số IIP của một số ngành tăng thấp hoặc giảm: Khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm 12,2%; khai thác than cứng và than non giảm 5,3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại khác tăng 0,6%; sản xuất đồ uống tăng 0,8%; sản xuất phương tiện vận tải khác tăng 2,7%.
IIP 11 tháng năm 2024 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 60 địa phương và giảm ở 3 địa phương trên cả nước. Một số địa phương có chỉ số IIP đạt mức tăng khá cao do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành sản xuất và phân phối điện, ngành khai khoáng tăng cao. Ở chiều ngược lại, một số địa phương có chỉ số IIP giảm do ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất, phân phối điện giảm.
Theo Tổng cục Thống kê, IIP tháng 11 ước tính tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm trước |
Trong báo cáo về “Tình hình kinh tế – xã hội thế giới và trong nước tác động đến phát triển công nghiệp và thương mại Việt Nam” mới đây, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương (Bộ Công Thương), cho rằng những yếu tố bất định về địa chính trị và kinh tế trên thế giới được dự báo sẽ có những tác động đa chiều đến tăng trưởng công nghiệp và thương mại của Việt Nam trong những tháng cuối năm. Vì vậy, để tận dụng lợi thế, khắc phục những khó khăn thúc đẩy phát triển công nghiệp và thương mại, Viện nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương đã đề xuất 7 giải pháp sau:
Thứ nhất, bám sát những diễn biến, tình hình thế giới và trong nước để có thể đề xuất những giải pháp ứng phó phù hợp và kịp thời. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn cung hàng hóa bị tác động lớn bởi cơn bão Yagi và bão Trà Mi, cần rà soát, nắm bắt kịp thời và có giải pháp để đảm bảo chủ động nguồn cung hàng hóa cho hoạt động xuất khẩu và tiêu dùng trong những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán.
Thứ hai, tiếp tục nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng của quý 4 và cả năm 2024.
Thứ ba, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý nhà nước; giải quyết tốt những vấn đề còn tồn đọng để thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng công nghệ.
Thứ tư, tích cực trong công tác ngoại giao và hợp tác quốc tế, hỗ trợ doanh nghiệp kết nối, tìm kiếm và mở rộng thị trường, tranh thủ các ưu đãi từ những FTA mang lại để đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó có Hiệp định CEPA mới được ký kết giữa Việt Nam và UAE.
Thứ năm, tiếp tục thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực về vốn, nhân lực và công nghệ. Tập trung rà soát, tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý của tất cả dự án để giải phóng tối đa các nguồn lực còn đang tồn đọng cho tăng trưởng và phát triển.
Thứ sáu, ưu tiên thúc đẩy sự phát triển của các lĩnh vực có tính động lực như: kinh tế số, kinh tế xanh…; đẩy mạnh liên kết vùng, phát huy hiệu quả hoạt động của các Hội đồng điều phối vùng. Trong đó, cần tập trung tăng cường hợp tác, tổ chức đối thoại kinh tế với các đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược để thu hút các tập đoàn đa quốc gia, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực chíp, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Thứ bảy, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam xếp hạng 70/190 về chỉ số dễ dàng kinh doanh năm 2024, tăng 2 bậc so với năm 2023, nhưng vẫn còn nhiều lĩnh vực cần cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp phát triển./.