Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Cần Thơ: Tiêu hủy 1,8 tấn bột giặt giả mạo nhãn hiệu Tide
Cần Thơ: Tiêu hủy 1,8 tấn bột giặt giả mạo nhãn hiệu Tide
Mới đây, tại Công ty Cổ phần Công nghệ Môi trường Trái Đất Xanh, Khu công nghiệp Xuyên Á, tỉnh Long An, Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Cần Thơ tiến hành tiêu hủy số lượng lớn sản phẩm vi phạm nhãn hiệu, hàng không rõ nguồn gốc.
Cụ thể, hàng hóa vi phạm trong đợt tiêu hủy 1,8 tấn bột giặt giả nhãn hiệu Tide trị giá 43 triệu đồng và 303 đơn vị sản phẩm là thực phẩm, quần áo nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không đạt chất lượng có tổng trị giá gần 18 triệu đồng.
Toàn bộ quá trình tiêu hủy được thực hiện dưới sự giám sát của Đội QLTT số 1 chống hàng giả và Chi cục Bảo vệ Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ.
Lô bột giặt Tide giả mạo nhãn hiệu bị phát hiện và xử lý
Nhằm nâng cao ý thức của người dân trên địa bàn thành phố, Ban Lãnh đạo Cục QLTT TP Cần Thơ cho biết thời gian tới tiếp tục chỉ đạo các Đội QLTT quản lý địa bàn và Đội Chống hàng giả (Đội QLTT số 1) thường xuyên tuyên truyền pháp luật thương mại đến các tổ chức, cá nhân và người dân trên địa bàn không buôn bán, sản xuất, kinh doanh và tiếp tay cho đối tượng làm ăn, buôn bán không chân chính làm ảnh hưởng đến việc buôn bán, sản xuất, kinh doanh chân chính của tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố.
Bột giặt được biết đến là một trong những thứ thiết yếu trong mỗi gia đình. Thế nhưng, không phải loại bột giặt nào cũng có thể giặt sạch và đảm bảo an toàn cho cơ thể, đặc biệt là những sản phẩm kém chất lượng, giả mạo nhãn hiệu, bất chấp sức khỏe người tiêu dùng để thu lợi bất chính.
Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Mỹ (EPA), trong nước xả vải, bột giặt thường chứa những hóa chất như Benzyn acetate, Benzyn alcohol, Ethyl acetate, Camphor, Chloroform. Nước tẩy rửa nhà tắm, bồn cầu thường chứa hóa chất Benzyl, Polyetylen, Sodium hypochlorite, Chlorine… Đây đều là những hóa chất độc hại cho sức khỏe con người, nhất là đối với những sản phẩm kém chất lượng hàm lượng các chất này không được đảm bảo.
Đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, theo Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009: Hàng hóa giả mạo nhãn hiệu là hàng hóa, bao bì của hàng hóa có gắn nhãn hiệu, dấu hiệu trùng hoặc khó phân biệt với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ dùng cho chính mặt hàng đó mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý. Nói cách khác, hàng hóa này đã được bảo hộ về quyền sở hữu trí tuệ. Mọi hình vi xâm phạm làm tổn hại đến nhãn hiệu đều phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Luật Sở hữu trí tuệ cũng quy định hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu tại Điều 129. Theo đó, các hành vi thực hiện mà không được phép của chủ sở hữu nhãn hiệu thì bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu: Việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ. Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng với hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó.
Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ tương tự; hoặc liên quan tới hàng hoá, dịch vụ thuộc danh mục đăng ký kèm theo nhãn hiệu đó. Sử dụng dấu hiệu tương tự với nhãn hiệu được bảo hộ cho hàng hoá, dịch vụ trùng, tương tự.
Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng; dấu hiệu dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm từ nhãn hiệu nổi tiếng.
Như vậy, vi phạm một trong những điều trên là vi phạm quy định của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu. Tương đương với từng hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lý cụ thể. Điều 12 Nghị định 99/2013/NĐ-CP quy định về sản xuất; nhập khẩu, buôn bán, vận chuyển, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu; chỉ dẫn địa lý như sau: Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm đến 5.000.000 đồng: Bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại Điểm a Khoản này.
Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng; Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng; Phạt tiền từ 35.000.000 đồng đến 55.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm từ trên 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng…
Bảo Linh
Nguồn: https://vietq.vn/can-tho-tieu-huy-18-tan-bot-giat-gia-mao-nhan-hieu-tide-d210908.html |