Giá cả thị trường, Thị trường và giá cả, Thông tin
Cần mạnh tay chống gian lận xuất xứ hàng hóa
Cần mạnh tay chống gian lận xuất xứ hàng hóa
Thực tế chỉ ra, khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức như vừa đảm bảo tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư nước ngoài, vừa phải kịp thời ngăn chặn các hành vi gian lận lợi dụng chính sách thông thoáng của nhà nước, đặc biệt là tình trạng hàng hóa nước ngoài “đội lốt” hàng Việt Nam.
Hiện nay, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) ưu đãi thuế quan với các nước trên thế giới như Hiệp định quan hệ thương mại Việt Nam – Hoa Kỳ; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… đã tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn, góp phần thu hút đầu tư FDI từ nước ngoài. Song, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những hành vi lợi dụng ưu đãi thuế quan mà các đối tác áp dụng đối với hàng hóa xuất xứ Việt Nam, gian lận xuất xứ để được hưởng ưu đãi về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu.
Chia sẻ về vấn đề trên, ông Trần Mạnh Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, thời gian qua, ngành hải quan đã phát hiện nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng hóa gian lận xuất xứ. Cách gian lận xuất xứ phổ biến là chuyển tải bất hợp pháp, tức là doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu, chi tiết, phụ tùng, thiết bị, máy móc, sản phẩm gần như hoàn chỉnh về Việt Nam và chỉ thực hiện gia công, lắp ráp, đóng gói lại bao bì.
Theo quy định, công đoạn gia công, chế biến đơn giản không được xét đến khi xác định xuất xứ hàng hóa, nhưng lại chưa quy định rõ ràng, chi tiết nên việc xác định hành vi chuyển tải bất hợp pháp rất phức tạp. Bên cạnh đó, mức xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cao nhất theo Nghị định 124/2015/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm chỉ có 50 triệu đồng, nên chưa đủ sức răn đe.
Theo Tổng cục Hải quan, thời gian qua, xuất hiện tình trạng hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài chuyển tải qua Việt Nam để hợp thức hóa hồ sơ hoặc xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ sau đó xuất khẩu sang nước thứ ba. Hoặc có trường hợp sử dụng C/O giả hoặc C/O không hợp lệ, khai sai xuất xứ hàng hóa để được áp dụng thuế suất ưu đãi đặc biệt theo các Hiệp định thương mại tự do khi làm thủ tục hải quan.
Ông Nguyễn Hùng Anh, Cục trưởng Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết, vừa phát hiện 1 doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh không được Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cấp ủy quyền để thực hiện việc thẩm định, cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa nhưng vẫn tự phát hành C/O cho hơn 30 doanh nghiệp thuộc nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng trị giá hàng hóa xuất khẩu của các công ty này lên tới hơn 600 tỷ đồng.
Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Công ty Luật SBLAW, hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa có tác động tiêu cực đến nền kinh tế bởi với những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều ưu đãi lớn về thuế mà Việt Nam vừa tham gia, hàng hóa nước ngoài “đội lốt” hàng Việt Nam sẽ làm giảm sức cạnh tranh của hàng Việt.
“Đặc biệt, nếu hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam xuất khẩu “ồ ạt” thì các nước nhập khẩu hàng sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá, chống trợ cấp… khiến thuế tăng cao, nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến hàng Việt Nam”, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.
Ngoài ra, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc cấp C/O cần gắn với kiểm tra thực tế sản xuất, dán nhãn, kiểm tra các tài liệu, chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, vật tư đầu vào, quy trình sản xuất của các doanh nghiệp xin cấp C/O… Việc này cần sự phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau như Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Công an…
Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan chỉ đạo lực lượng kiểm tra sau thông quan trên toàn quốc mở rộng kiểm tra để ngăn chặn hành vi gian lận xuất xứ Việt Nam đối với hàng hóa xuất khẩu.
Thanh Tùng/Theo Vietq.vn