Kinh doanh & pháp luật, Thông tin
Các hành vi kinh doanh bất hợp pháp ngày càng tinh vi
Các hành vi kinh doanh bất hợp pháp ngày càng tinh vi
Buôn lậu và xâm phạm sở hữu trí tuệ diễn biến phức tạp
Theo ông Lê Thanh Hải, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên các tuyến, địa bàn các địa phương không phức tạp, không xảy ra đột biến lớn, không phát sinh các điểm nóng, vụ việc nổi cộm. Tuy nhiên, cũng từng thời điểm, trên một số tuyến, địa bàn trọng điểm tại các địa phương, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả diễn ra phức tạp, gây mất trật tự an toàn xã hội, gây ô nhiễm môi trường, thiệt hại cho người tiêu dùng, thất thu ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo lực lượng quản lý thị trường, hiện nay hoạt động mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ… được các đối tượng sử dụng ngày càng tinh vi.
Theo ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, thời gian gần đây xuất hiện nhiều thủ đoạn mới của các đối tượng buôn lậu như, khai hải quan không đúng thực tế hàng hóa; che giấu nguồn gốc lô hàng.
Đáng chú ý, hàng hóa vi phạm thường được cất giấu tinh vi, lẫn trong hàng hóa thông thường; mua bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới thông qua các nền tàng điện tử xuyên biên giới rồi vận chuyển về Việt Nam qua đường chuyển phát nhanh. Để hợp thức hóa hàng lậu, các đối tượng không khai báo, hoặc khai báo hải quan không đúng với thực tế lô hàng hoặc nhập khẩu hàng hóa không đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn, quy chuẩn.
Nêu thêm ví dụ, ông Chu An Thanh, Trưởng Phòng Cảnh sát Kinh tế-Công an Hà Nội đưa thêm một số thủ đoạn buôn lậu mới, cụ thể là lợi dụng hình thức mở tờ khai hải quan mã loại hình C11 (gửi hàng vào kho ngoại quan để chờ xuất sang nước thứ ba), sau đó tìm cách thay đổi kết cấu của phương tiện vận tải để tráo đổi hàng hóa mà không làm ảnh hưởng đến việc kẹp chì hải quan nhằm qua mắt việc thực hiện giám sát đối với hàng hóa của Cơ quan Hải quan.
“Trước đây các đối tượng buôn lậu lợi dụng quá cảnh sau đó rút hàng ra để thẩm lậu quay trở lại Việt Nam, còn hiện nay lợi dụng vận chuyển hàng qua kho ngoại quan, rút hàng rồi thẩm lậu ngược lại và việc này đang được lực lượng Công an Hà Nội làm rõ,” ông Thanh nói.
Hơn nữa, thương mại điện tử cũng đang bị các gian thương lợi dụng để buôn lậu và xâm phạm sở hữu trí tuệ. Điển hình là việc lợi dụng hình thức giao hàng công nghệ nhiều đối tượng không ra mặt nhằm tránh sự truy xét ngược lại của cơ quan chức năng khi bắt giữ hàng giả, hàng cấm đến địa điểm giao hàng, cùng đó là sử dụng các tài khoản ảo (có thể một lúc nhiều tài khoản và số tài khoản vô danh) để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
“Các đối tượng ngày càng am hiểu và có trình độ về công nghệ thông tin, sử dụng cùng một lúc nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử để ngay lập tức có thể xóa thông tin, gây khó khăn trong việc truy vết và xử lý của cơ quan chức năng,” ông Thanh nêu ví dụ, đồng thời kiến nghị rà soát và thực hiện tốt hơn trong việc quản lý các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp “ma” thành lập chủ yếu để buôn lậu.
Đại diện Phòng Cảnh sát Kinh tế cũng đề xuất quy trình chặt chẽ hơn về chế độ hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ nước ngoài phải kèm theo tờ khai xuất nhập khẩu để chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.
Ngoài ra, với những hàng hóa giả xuất xứ thì cần có quy định khi không xác định được chủ sở hữu nhãn hiệu, không có sản phẩm chính hãng để so sánh, giám định thì được coi là hàng giả, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh, xử lý loại tội phạm này.
Cần đồng bộ các giải pháp từ ngăn ngừa, đấu tranh phòng chống buôn lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ
Có thể thấy, qua các vụ việc bắt giữ của lực lượng chức năng thời gian gần đây, các hành vi buôn lậu và gian lận thương mại ngày càng tinh vi, phức tạp. Chính vì vậy, để ngăn chặn hoạt động buôn bán vận chuyển hàng lậu, nhiều chuyên gia cho rằng cần sửa đổi các quy định pháp lý phù hợp thực tế qua đó tạo điều kiện cho lực lượng chức năng ngăn chặn hiệu quả hoạt động này.
Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia Đặng Văn Dũng thông tin, quá trình xử lý buôn lậu chủ yếu chỉ xử lý vi phạm hành chính, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, ngăn chặn tội phạm. Đơn cử, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu có giá trị 10 triệu đến 20 triệu đồng chỉ bị xử phạt 4-6 triệu đồng, trong khi các đối tượng có thể thu lợi bất chính gấp 3-4 lần giá trị thật của hàng hóa.
“Thời gian tới các cơ quan chức năng cần sửa đổi Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) theo hướng tăng nặng đối với những trường hợp buôn bán vân chuyển hàng lậu,” ông Dũng đề xuất.
Trong khi đó, ông Phan Quốc Đông, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Hà Nội cho biết một số sản phẩm như điện thoại được các doanh nghiệp bưu chính vận chuyển rất khó phát hiện là sản phẩm giả hay thật, cơ quan chức năng phải tiến hành giám định với chi phí rất cao mới phát hiện được hàng giả. Nhưng khi tiến hành xử phạt, doanh nghiệp nại quyền bưu chính không chấp nhận vi phạm và tổ chức khiếu kiện ngược lại, trở thành vướng mắc rất lớn.
Vì vậy, ông kiến nghị cần có quy định, chế tài chặt hơn cho vấn đề này qua đó đối phó linh hoạt hơn với vấn nạn buôn lậu, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, Trưởng ban chỉ đạo 389 Hà Nội lưu ý các đơn vị chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm. Tăng cường công tác phối hợp, chia sẻ thông tin và trao đổi kinh nghiệm trong công tác đấu tranh, phát hiện và xử lý các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại giữa các lực lượng chức năng,
“Cần chủ động tham mưu, kiến nghị các cấp có thẩm quyền về những bất cập trong các văn bản pháp luật qua đó nâng cao hiệu quả việc đấu chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả,” ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.
Đánh giá thực tế hiện nay, ông Đặng Hoàng An, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho hay, mặc dù các lực lượng chức năng đã nỗ lực nhiều giải pháp song hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại ngày càng tinh vi, đặc biệt là việc các gian thương lợi dụng thương mại điện tử để vi phạm. Thống kê trong nửa đầu năm 2023, lực lượng Quản lý thị trường cả nước mới kiểm tra 328 vụ, xử lý 233 vụ liên quan đến thương mại điện tử.
“Con số này còn quá khiêm tốn trong khi thương mại điện tử đang ngày càng phát triển mạnh mẽ,” ông Đặng Hoàng An dẫn chứng, đồng thời đề nghị thời gian tới, lực lượng Quản lý thị trường cần nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới để đấu tranh ngăn chặn hiệu quả các vi phạm trong lĩnh vực này
Để giữ ổn định thị trường, nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An đề nghị lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, tập trung kiểm tra các địa bàn trọng tâm, nổi cộm, chú trọng các mặt hàng trọng điểm.
Đặc biệt, kiện toàn bộ máy tổ chức từ Trung ương đến địa phương, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, cũng như tiếp tục chú trọng công tác chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường.
Liên quan tới các hành vi vi phạm hàng hóa trên kênh thương mại điện tử, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tích cực tham gia cùng Bộ Tài chính tăng cường quản lý thuế trong thương mại điện tử. Hai Bộ đã ký thỏa thuận phối hợp công tác, trong đó có những nội dung phối hợp cụ thể như: Xây dựng, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử; Chia sẻ cơ sở dữ liệu, kết nối để khai thác thông tin phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử.
Đặc biệt, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ chủ động xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu về thương mại điện tử và lên kế hoạch kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu với Bộ Tài chính để chống thất thu thuế; Bộ cũng sẽ đóng góp ý kiến đối với các văn bản liên quan đến thuế trong thương mại điện tử như Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sửa đổi.
Bộ Tài chính tiếp tục phát huy vai trò của Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử ở nước ngoài. Theo đó, nhà cung cấp nước ngoài có thu nhập từ Việt Nam có thể thực hiện việc đăng ký, kê khai, nộp thuế tại bất kỳ đâu trên thế giới thông qua Cổng.
Việc đồng bộ các giải pháp từ ngăn ngừa, đấu tranh của nhiều lực lượng cũng như nâng cao ý thức của các doanh nghiệp trong việc bảo vệ và xây dựng thương hiệu cũng sẽ góp phần đẩy lùi những hành vi vi phạm pháp luật, tạo đà cho việc phát triển ổn định kinh tế-xã hội, đảm bảo tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng.
An Dương (T/h)
Nguồn: https://vietq.vn/cac-hanh-vi-kinh-doanh-bat-hop-phap-ngay-cang-tinh-vi-d212464.html |