Các doanh nghiệp dệt may triển khai nhiều biện pháp để đón cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024

Các doanh nghiệp dệt may triển khai nhiều biện pháp để đón cơ hội tăng trưởng xuất khẩu trong năm 2024

Năm 2023, ngành dệt may Việt Nam phải đối diện với khó khăn chưa từng có trong tiền lệ khi lượng đơn hàng giảm mạnh, kim ngạch xuất khẩu sụt giảm hơn 10% so với năm 2022.
 
Tuy nhiên, sang đến 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu dệt may đã có tín hiệu tốt, xuất khẩu tại nhiều thị trường chủ lực đã lấy lại tăng trưởng. Ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam dự kiến tổng cầu dệt may thế giới trong năm 2024 ở mức 715 tỷ USD, tăng nhẹ so với năm 2023. Với mức tăng trưởng 15% trong 2 tháng đầu năm 2024, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho rằng tín hiệu thị trường xuất khẩu của ngành dệt may đã có sự khởi sắc so với năm 2023. Đặc biệt, đồng loạt các nhà máy đã mở máy khai xuân đầu năm với tỷ lệ khá cao người lao động quay trở lại làm việc, tạo tiền đề tốt để ngành dệt may phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm 2024, tăng 9% so với năm 2023.


Ảnh minh họa – Nguồn: Internet 

Nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may đã chia sẻ về những dấu hiệu xuất khẩu tích cực trong 2 tháng đầu năm. Cụ thể, ông Trần Như Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư – Thương mại Dệt may Thành Công cho biết đơn vị đã nhận khoảng 98% đơn hàng cho quý 1 và đang đàm phán đơn hàng cho quý 2. Với tín hiệu khởi sắc của thị trường trong những tháng qua sẽ giúp doanh nghiệp từng bước vượt khó và đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới. Tương tự, tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG, lượng đơn hàng của đơn vị đã được ký đến hết tháng 6. Trong đó có nhiều đối tác lớn tại Mỹ như Columbia, The Children’s Place, Sportmaster, Costco…đang đàm phán, ký hợp đồng với các đối tác cung cấp sản phẩm may mặc. Nhờ tín hiệu tích cực của thị trường, doanh thu 2 tháng đầu năm 2024 của Công ty đạt 871 tỷ đồng, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm trước. Còn đối với Tổng Công ty cổ phần Dệt may Hoà Thọ, ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị cũng cho biết: “Với sự nỗ lực vượt khó của tập thể người lao động đã giúp đơn vị đạt lợi nhuận hơn 30 tỷ đồng trong tháng đầu năm, hướng tới mục tiêu lợi nhuận hơn 300 tỷ đồng trong năm 2024”.
 
Nhận được tín hiệu tốt từ thị trường, các doanh nghiệp trong ngày dệt may đã xác định và sẵn sàng tâm thế và đã tiến hành, triểu khai các kế hoạch, giải pháp, xây dựng các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận nhằm đón đầu cơ hội tăng trưởng trong năm 2024. Cụ thể, một số doanh nghiệp đã nâng công suất lên từ 10-15%, triển khai thêm các chuyền may và tuyển thêm công nhân. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng đang tập trung tái cơ cấu các mối quan hệ hợp tác, tăng cường đầu tư hiệu quả, đẩy mạnh mối quan hệ gắn kết với các doanh nghiệp, xây dựng phát triển thương hiệu lên tầm cao mới.

Ngoài những biện pháp trên, một số doanh nghiệp dệt may cho biết cũng đang tiếp tục phát triển về chiều sâu, đầu tư máy móc thiết bị, công nghệ mới, chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, nhân lực chất lượng cao; chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh sang hướng tinh gọn, linh hoạt phù hợp với giai đoạn phát triển mới nhằm mang lại hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, tận dụng cơ hội nhu cầu dệt may đang có xu hướng phục hồi trở lại trên thế giới.
 
Về phía các cơ quan chức năng, trước các yêu cầu ngày càng cao của thị trường, lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng lưu ý các doanh nghiệp trong ngành dệt may cần tăng cường phát triển theo chiều sâu, chủ động tìm kiếm, tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu, đặc biệt tập trung vào những công đoạn mang lại giá trị gia tăng cao như thiết kế, sản xuất nguyên phụ liệu đầu vào, đặc biệt là vải, phát triển hệ thống phân phối, từng bước chuyển mình lên vị trí cao hơn trong chuỗi sản xuất.
 
Thứ trưởng cũng cho đề nghị các doanh nghiệp tập trung phát triển chuỗi sản xuất dệt may hoàn chỉnh quy mô lớn; đầu tư thiết bị hiện đại, tự động hóa cao, áp dụng chuyển đổi số; quản trị tự động theo thời gian thực, sản xuất xanh sạch, thân thiện môi trường…Mục tiêu từ nay đến năm 2030, xuất khẩu tiếp tục là động lực chính, quan trọng cho phát triển và tăng trưởng ngành dệt, xuất khẩu tiếp tục là động lực chính, quan trọng cho phát triển và tăng trưởng ngành dệt may, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu và phát triển tối đa thị trường nội địa; nâng cao tỷ lệ nội địa hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm thời trang dệt may Việt Nam; phát triển ngành dệt may gắn với bảo vệ môi trường sinh thái…

Thùy Ngân (VITIC) tổng hợp

Nguồn: https://thongtincongthuong.vn/cac-doanh-nghiep-det-may-trien-khai-nhieu-bien-phap-de-don-co-hoi-tang-truong-xuat-khau-trong-nam-2024/