Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD

Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt 70,53 tỷ USD, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2024 đạt 35,53 tỷ USD, tăng 5,3% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 10,68 tỷ USD, tăng 8,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,85 tỷ USD, tăng 4,0%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 12/2024 tăng 12,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 17,6%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 10,9%. Trong quý IV/2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 105,9 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước và giảm 2,5% so với quý III năm 2024.

Tính chung cả năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam đánh dấu mốc kỷ lục với 405,53 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 114,59 tỷ USD, tăng 19,8%, chiếm 28,3% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 290,94 tỷ USD, tăng 12,3%, chiếm 71,7%.

Trong năm 2024 có 37 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 94,3% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 8 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 69,0%).

Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu năm 2024, sơ bộ nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 4,24 tỷ USD, chiếm 1,0%; nhóm hàng công nghiệp chế biến đạt 356,74 tỷ USD, chiếm 88,0%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 34,51 tỷ USD, chiếm 8,5%; nhóm hàng thủy sản đạt 10,04 tỷ USD, chiếm 2,5%.

Cả nước xuất siêu 24,77 tỷ USD năm 2024
Trong năm 2024 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD,

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12/2024 đạt 35,01 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 14,0 tỷ USD, tăng 13,1%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 21,01 tỷ USD, tăng 3,5%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 12 tăng 19,2%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 27,7%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 14,2%. Trong quý IV/2024, kim ngạch nhập khẩu đạt 101,9 tỷ USD, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước và tăng 2,2% so với quý III năm 2024.

Tính chung cả năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 380,76 tỷ USD, tăng 16,7% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 140,11 tỷ USD, tăng 19,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 240,65 tỷ USD, tăng 15,1%.

Trong năm 2024 có 46 mặt hàng nhập khẩu đạt trị giá trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 93,1% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 6 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 54,0%). Về cơ cấu nhóm hàng nhập khẩu năm 2024, sơ bộ nhóm hàng tư liệu sản xuất đạt 356,43 tỷ USD, chiếm 93,6%, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 47,4%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 46,2%. Nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 24,33 tỷ USD, chiếm 6,4%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2024, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 119,6 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 144,3 tỷ USD. Trong năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ đạt 104,6 tỷ USD tăng 25,6% so với năm trước; xuất siêu sang EU 35,4 tỷ USD, tăng 23,2%; xuất siêu sang Nhật Bản 3,2 tỷ USD, tăng 91,9%; nhập siêu từ Trung Quốc 83,7 tỷ USD, tăng 69,5%; nhập siêu từ Hàn Quốc 30,7 tỷ USD, tăng 5,9%; nhập siêu từ ASEAN 9,9 tỷ USD, tăng 18,9%.

Theo số liệu sơ bộ, cán cân thương mại hàng hóa tháng 12 xuất siêu 0,52 tỷ USD. Tính chung cả năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD (năm trước xuất siêu 28,4 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 25,52 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 50,29 tỷ USD.

Để xuất khẩu đạt mức tăng trưởng 10%-12% trong năm 2025

Năm 2025, Bộ Công Thương đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10%-12% so với năm 2024. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD. Tại cuộc họp báo thường kỳ quý IV/2024 của Bộ Công Thương vào ngày 07/01 vừa qua, nhận định về tình hình xuất – nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam năm 2025, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá, tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2025 sẽ thuận lợi hơn nhờ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại toàn cầu đang phục hồi.

Trong đó, năm 2025, xuất khẩu dệt may được nhận định có cơ hội tăng trưởng tốt hơn khi thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU phục hồi kinh tế, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện. Tuy nhiên, các chuyên gia trong ngành này cũng nhìn nhận, Mỹ có thể thực hiện chính sách thuế mới với Trung Quốc lên tới 60%, một số nước từ 10%-20%. Việt Nam có thể chịu thêm 10% thuế với hàng hoá xuất khẩu vào thị trường này. Đây là rào cản khá lớn cho dệt may trong năm tới.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cũng đề nghị năm 2025, cần tăng cường ứng dụng đổi mới công nghệ, chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, khuyến khích triển khai các kênh thương mại điện tử theo cả mô hình doanh nghiệp tới doanh nghiệp (B2B) cũng như doanh nghiệp tới người tiêu dùng (B2C).

Trong khi đó, về phía Tổng cục Thống kê, để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, cơ quan này đề xuất thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số nhóm giải pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt chú trọng việc truy suất nguồn gốc sản phẩm, nâng cao năng suất lao động; giảm giá thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm trên thị trường thế giới, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Hai là, tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA đối với các doanh nghiệp hoạt động xuất, nhập khẩu, góp phần nâng cao hiệu quả và tính bền vững xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia thường xuyên vào các sự kiện phổ biến, tuyên truyền các chương trình xúc tiến thương mại;

Ba là, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước./.