Cá ngừ chế biến có tiềm năng trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản

Cá ngừ chế biến có tiềm năng trở thành sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang Nhật Bản

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, riêng trong tháng 10 năm 2024, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Nhật Bản đã tăng 31% so với cùng kỳ, đạt gần 3,5 triệu USD. Con số này góp phần bù đắp lại lượng sụt giảm xuất khẩu sang Nhật Bản trong nửa đầu năm, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 10 tháng năm 2024 lên gần 28 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ.

Ảnh minh họa 

Trong số các nhóm sản phẩm cá ngừ xuất khẩu sang Nhật Bản, các sản phẩm cá ngừ chế biến khác mã HS 16 như thịt cá ngừ hun khói, cá ngừ cắt miếng tẩm…(trừ cá ngừ đóng hộp), đang là nhóm sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang thị trường này. Và cũng là nhóm sản phẩm duy nhất tăng so với cùng kỳ trong 10 tháng đầu năm nay.
 
Hiện Việt Nam có hơn 20 doanh nghiệp hiện đang xuất khẩu cá ngừ sang Nhật Bản. Trong đó Mariso Việt Nam, AH Fishco và Evertrust Food Co., Ltd, là 3 Công ty đang dẫn đầu về xuất khẩu sang thị trường này, chiếm tỷ trọng 66% tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này.
 
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Thương mại Thế giới (ITC), nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản trong 8 tháng đầu năm 2024 tiếp tục sụt giảm. Nước này giảm nhập khẩu từ hầu hết các nguồn cung chính. Và Việt Nam đang là nguồn cung có mức sụt giảm thấp nhất.
 
Bức tranh kinh tế Nhật Bản đã sáng lên rất nhiều sau chuỗi nhiều tháng dài ảm đạm. Cùng với kinh tế khởi sắc, đồng nội tệ của Nhật Bản đã mạnh lên đáng kể từ tháng 9 đang làm gia tăng nhu cầu NK thuỷ sản của thị trường này, trong đó có cá ngừ.
 
Thời điểm tiêu thụ chính ở Nhật Bản là cuối năm (tháng 11) nên giá cá ngừ để chế biến sashimi sẽ đạt mức cao nhất. Chính vì thế, khối lượng và giá trị nhập khẩu cá ngừ tươi vào Nhật Bản thường tăng đột biến vào thời điểm này.
 
Hiện tại xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản ngày càng có xu hướng khả quan. Tuy nhiên, để có một kết quả xuất khẩu cá ngừ tốt nhất sang thị trường đầy tiềm năng này vẫn rất cần sự chủ động nỗ lực từ phía doanh nghiệp trong các khâu sản xuất, chế biến xuất khẩu, sự hỗ trợ hiệu quả về chính sách đầu tư của các cơ quan nhà nước liên quan, đặc biệt là việc tích cực triển khai tiếp các bước đi nhằm phát triển nghề nuôi cá ngừ đại dương ở nước ta.
 
Nhìn chung, năm 2024 được dự báo xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang Nhật Bản sẽ có nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhất là đối với mặt hàng thủy sản. Nguyên nhân là do Nhật Bản có vị trí địa lý gần Việt Nam hơn so với Mỹ, EU và phương thức thanh toán cũng an toàn hơn, đây là những thuận lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chi phí vận chuyển hàng hóa không ngừng tăng cao. Mặt khác, trình độ chế biến chung của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam ngày một nâng cao cũng là một lợi thế cạnh tranh lớn tại thị trường Nhật Bản.

 

Khánh Huyền (VITIC) tổng hợp

Nguồn: https://thongtincongthuong.vn/ca-ngu-che-bien-co-tiem-nang-tro-thanh-san-pham-xuat-khau-chu-luc-cua-viet-nam-sang-nhat-ban/